Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, tính đến đầu tháng 12-2022, tức hơn 9 tháng sau khi Nga tấn công Ukraine, đã có hơn 7,8 triệu người từ Ukraine tị nạn ở châu Âu. Trong số này có nhiều người gốc Việt cũng như người Việt Nam làm ăn sinh sống ở Ukraine nhiều năm qua.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ xuân, 4 người Việt tuy hoàn cảnh khác nhau đều cho biết họ nhớ da diết Tết cộng đồng của người Việt ở Ukraine, mong ngày đoàn tụ gia đình và ước nguyện chiến tranh trên quê hương Ukraine sớm kết thúc.

Nhớ Tết Việt ở Ukraine - Ảnh 1.

Chúng tôi đã có hơn 34 năm sống ở Ukraine. Khoảng 12 năm trước, chúng tôi đã chuẩn bị cơ sở của mình ở Việt Nam với ý định khi về già sẽ về sống ở quê hương. Không ngờ giờ đây, Việt Nam đúng là nơi ở chính, còn ngày về Ukraine thì xa thăm thẳm.

Những ngày đầu chiến sự, Kharkov, thành phố ở đông bắc Ukraine, là nơi bị quân Nga bắn phá nặng nề, nhưng Odessa nơi chúng tôi ở vẫn khá bình yên.

Nhớ Tết Việt ở Ukraine - Ảnh 2.

Chị Thúy hát trên sân khấu trong sự kiện của cộng đồng ở Odessa, Ukraine cùng kiều bào Việt Nam ở Ukraine

Do vậy tôi không muốn đi và cũng không chuẩn bị gì cho việc đi di tản. Đến ngày 7-3, cộng đồng người Việt ở Odessa thông báo họ đã liên hệ được xe buýt lớn, có thể chở mấy chục người và thuyết phục người trong cộng đồng đi sơ tán.

Trong 40 phút, tôi nhặt mấy món đồ. Tôi cầm lên đôi hoa tai yêu thích nhưng lại đặt xuống vì nghĩ nhà mình sẽ trở về nhanh thôi. Khi đó tôi không ngờ chúng tôi đã bỏ lại hầu như toàn bộ cuộc sống của mình ở mảnh đất quê hương thứ hai.

Chúng tôi về quê hương Việt Nam lánh nạn vào tháng 3-2022 với tâm trạng giằng xé vì bao năm lao động tích góp tài sản cả đời ở Ukraine không biết sau này còn hay mất.

Nhớ Tết Việt ở Ukraine - Ảnh 3.

Vợ chồng chúng tôi về Việt Nam nhưng trong tâm thế phải về trong lúc chưa sẵn sàng. Đây là một niềm vui không trọn vẹn.

Tôi có sở thích ca hát, nhưng kể từ khi biến cố quá lớn xảy ra với người dân Ukraine, tôi như con chim sơn ca không còn muốn cất tiếng hót.

Trước đây tôi thường đăng các video mình hát trên sân khấu, nhưng bây giờ tôi cảm thấy mình không thể làm như vậy trong khi người dân Ukraine đang khổ sở, thiếu điện, thiếu nước, thiếu sưởi trong mùa đông.

Tôi nhớ Ukraine, tôi đã quen với khí hậu, thời tiết, cuộc sống ở đó. Những ngày Tết ở Ukraine cũng rất vui. Tôi không biết có nơi đâu mà cộng đồng người Việt ăn Tết và đón Tết rầm rộ như ở Ukraine hay không?

Chúng tôi cũng đưa ông Táo về trời, đón giao thừa, chúc Tết như ở nhà. Nhà ai không có điều kiện cũng làm bữa cơm đón ông bà tươm tất.

Dù ở Ukraine nhưng chúng tôi chẳng thiếu một thứ gì của mâm cỗ Việt. Bàn thờ ông bà có phật thủ, nhãn, vải, thanh long… Năm nay, đón Tết Việt ở Việt Nam nhưng tôi vẫn nhớ Tết ở quê hương thứ hai của mình.

Nhớ Tết Việt ở Ukraine - Ảnh 4.

Đây là lần đầu tiên tôi đón Tết ở Đức, một cái Tết đặc biệt vì chúng tôi chạy nạn chiến tranh từ Ukraine hồi tháng 3-2022.

Tôi nghĩ Tết này ở Đức, gia đình tôi sẽ làm một mâm cơm nhẹ nhàng, thắp nén nhang cho thơm nhà, gọi điện thăm người nhà ở Việt Nam lúc giao thừa và tưởng nhớ ông bà tổ tiên trong lòng.

Có thể tôi sẽ hẹn một cuối tuần nào đó gặp gỡ những người Việt từ Ukraine đang ở Hamburg, nơi tôi đang sống, để họp mặt một chút.

Ai có món gì thì đem đến món đó rồi cùng ăn Tết với nhau, địa điểm có thể là ở nhà tôi, còn câu chuyện thì không biết thế nào.

Nhớ Tết Việt ở Ukraine - Ảnh 5.

Tết ở Ukraine thì khác vì chúng tôi có hội, đoàn ở Odessa, thường làm một sự kiện chung của cộng đồng và đại sứ quán, trong đó chúng tôi còn có khen thưởng các cháu học giỏi, có thành tích tốt.

Ngoài ra có cả họp hội đồng hương, ngày mùng 1, mùng 2 chúng tôi đi chúc Tết nhau, lì xì con cái của các thành viên trong cộng đồng.

Tôi là nhà đầu tư nước ngoài ở Ukraine. Từ năm 1998-2001, tôi sang Ukraine học quản lý dự án trong ba năm, rồi sau đó cùng với một người bạn ở Nga mở công ty kinh doanh y tế cho đến khi xảy ra xung đột năm 2014 ở phía đông Ukraine. Sau đó, chúng tôi phải giảm đáng kể quy mô hoạt động.

Ngày 24-2-2022, khi đang ăn cơm thì chúng tôi nghe tin chiến tranh nổ ra. Khi mới sang Đức, như nhiều người khác, chúng tôi ở trong trại tị nạn. Bây giờ tôi đã thuê được nhà. Hơn 60 tuổi tôi và gia đình bắt đầu đi học lại.

Chúng tôi học tiếng Đức hội nhập khi mới sang như mọi người khác. Riêng tôi muốn học tiếng Đức vì tin rằng biết tiếng mới tìm được một việc làm tốt.

Nước Đức rất nhân đạo, nhân văn nhưng cũng rất rõ ràng, sòng phẳng. Người tị nạn phải đi học tiếng hoặc học nghề trong một năm hoặc đi làm, chứ không thể nhận trợ cấp mà không làm gì.

Nhớ Tết Việt ở Ukraine - Ảnh 6.

Anh Việt trong lớp tiếng Đức

Gia đình tôi cũng như các gia đình tị nạn người Việt khác nhắc đến Ukraine là rơi nước mắt. Không sống ở đâu bằng ở quê hương, ở nhà mình.

Nhưng chúng tôi còn may mắn hơn nhiều người khác. Gần nhà tôi thuê là một địa điểm có 200 người tị nạn từ Ukraine đang sống trong một khu chuyển đổi công năng rộng như nhà thi đấu thể thao Phan Đình Phùng ở TP.HCM.

Những khi tâm trạng chùng xuống, ra ngoài đi dạo, nhìn nơi ăn chốn ở của họ tôi tự thấy mình còn may mắn và dặn lòng phải bình tâm trở lại.

Nhớ Tết Việt ở Ukraine - Ảnh 7.

Sau khi đến Đức tị nạn khoảng hai tháng, chồng tôi bắt đầu đi làm cho một công ty làm sushi của Đức với mức lương khoảng 10,45 euro/giờ. Tôi vừa bảo anh Tết này lãnh lương thì mua cho em chai rượu và anh đã vui vẻ đồng ý. Chúng tôi đang sống ở thành phố Dortmund.

Tết ở Ukraine giống như Tết ở Việt Nam vì rất sôi nổi. Từ 23 âm lịch trở đi là bà con rộn rịp đưa ông Táo, hóa vàng, cúng giao thừa, xông nhà nhau và đón Tết.

Có những nhà chung nhau đi bắt một con lợn về mổ, mua gà về làm để cúng, tự gói giò, chung nhau ký lá dong để gói bánh chưng. Chợ và bà con trong cộng đồng cũng bán rất nhiều thứ như giò chả, măng miến… cho những ai bận rộn.

Hai vợ chồng tôi thường cùng đi mua đồ Tết và chuẩn bị Tết ở nhà. Có khi người này làm không đúng ý người kia chúng tôi phải tranh cãi - giờ nghĩ lại thấy giây phút ấy sao mà đong đầy hạnh phúc.

Tết năm nay rơi vào ngày giữa tuần, chồng tôi phải đi làm, tôi phải đi học. Chúng tôi sẽ làm mâm cơm nhỏ vào cuối tuần, có nem, canh măng, chai rượu, cái bánh chưng là thành Tết.

Nhớ Tết Việt ở Ukraine - Ảnh 8.

Ở đó mỗi ngày 4 tiếng có điện, 4 tiếng cúp điện xoay vòng. Con gái chúng tôi đã trở về căn hộ của bố mẹ ở Kiev từ tháng 10-2022 sau nhiều tháng sống dưới hầm trú ẩn ở vùng chiến sự.

Con đang sống một mình ở nơi bom đạn nên vợ chồng chúng tôi không có tâm trạng nào mà nghĩ đến Tết, chỉ mong Ukraine mau bình yên để được yên tâm về con và được trở lại quê hương thứ hai của mình. Cũng như chúng tôi, con nói không có tâm trạng nghĩ về ngày Tết - Tết sẽ là ngày bom đạn ngừng rơi trên đất Ukraine.

Cuộc sống ở Đức với chúng tôi còn nhiều khó khăn. Vé ưu đãi 9 euro/tháng đi khắp nước Đức mùa hè qua đã hết, nên giờ đây việc đi lại ở Đức khá đắt đỏ. Có một điều khiến tôi nhẹ lòng là chúng tôi đã hầu như không còn sống bằng tiền trợ cấp nữa từ khi chồng tôi đi làm.

Anh ấy rất tự hào nói với tôi: "Ở Đức 67 tuổi mới là tuổi hưu. Anh còn sức thì vẫn còn đi làm vì không muốn sống bằng trợ cấp xã hội".

Trung bình chồng tôi đi làm từ 6h sáng đến 19h tối, đứng suốt trong thời gian đó nên ban đầu không quen, rất đau chân nhưng nay anh cũng đã quen với công việc. Chúng tôi sẽ ở Đức cho đến khi hết chiến tranh hoặc tình hình yên ổn mới có thể trở về Ukraine yêu dấu.

Nhớ Tết Việt ở Ukraine - Ảnh 9.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Kherson. Bố và mẹ tôi cùng quê Thanh Hóa, sang Ukraine lao động trong những năm 1980 và ở lại lập nghiệp. Hiện nay tôi đang sống ở thủ đô Warsaw của Ba Lan. Tôi rời nhà mình ở Kiev ngày 1-3 sau khi Nga tấn công Ukraine.

Bố mẹ và em gái tôi thì mãi đến tháng 5-2022 mới cùng một nhóm người Việt từ Kherson đi di tản. Do đi cùng nhau, họ đến Đức vì đó là nơi có cộng đồng người Việt đông và mạnh nhất ở châu Âu.

Nói đến ngày Tết Việt Nam, tôi nhớ nhất là gói bánh chưng, mở tivi xem kênh VTV4, xem Táo quân, cùng gia đình làm các món Việt Nam như giò chả, nem… và cùng bố mẹ gọi điện về Việt Nam chúc Tết mọi người.

Nhớ Tết Việt ở Ukraine - Ảnh 10.

Việt Nam và Ukraine cách nhau 7 tiếng. Hồi còn đi học, tôi phải xin về sớm, khoảng lúc 16h ở Ukraine và phải rất vội về nhà để kịp xem Táo quân vì rất thích chương trình này.

Ở Ukraine và phương Tây, dịp Giáng sinh người ta tặng quà cho nhau nhưng người Việt thì lại lì xì bằng tiền. Khi còn nhỏ, tôi nhất định phải ở nhà ngày mùng 1 để chờ các bác các chú đến chơi và được nhận mừng tuổi.

Các bạn Ukraine của tôi hay nói: "Người Việt sướng nhỉ, được lì xì bằng tiền thích thế, muốn mua cái gì thì mua".

Tôi muốn được sớm cùng bố mẹ ăn Tết ở Việt Nam để cảm nhận cái Tết trên quê hương. Ở nước ngoài, gia đình tôi không có nhiều người thân, họ hàng ở gần nên tôi rất mong được biết không khí ngày Tết Việt Nam thực sự, không phải xem qua màn hình.

Nhớ Tết Việt ở Ukraine - Ảnh 11.

Thời gian đầu mới sang Ba Lan, tôi khóc rất nhiều vì đó là tâm trạng chung của một người đang có tất cả mà bỗng mất đi tất cả. Nhưng chiến tranh cũng đã làm người dân Ukraine, trong đó có tôi, mạnh mẽ hơn để đương đầu với nghịch cảnh.

Tôi mong một ngày gần nhất được trở về Ukraine và cùng người dân xây dựng đất nước. Tôi tin là sau chiến tranh Ukraine cần những người trẻ để xây dựng đất nước và 100% tôi sẽ trở về.

Khi đến Ba Lan, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan, tôi may mắn tìm được nhà và có công việc tại một văn phòng luật sư của người Ba Lan gốc Việt ở Warsaw trong vòng một tuần.

Tôi đang cố gắng làm việc càng nhiều càng tốt để giúp đỡ người dân Ukraine, cả người dân thường và quân nhân.

Hiện nay, công việc chiếm rất nhiều thời gian của tôi vì tôi muốn có nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống của mình và giúp đỡ người dân ở Ukraine.

Còn Tết này, tôi sẽ sang thăm bố mẹ bên Đức.

Nhớ Tết Việt ở Ukraine - Ảnh 12.
HỒNG VÂN
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0