02/09/2021 11:00 GMT+7

Nhớ một thời 'tô-ly-điếu-tờ'

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Mỗi sáng đi qua nhà sách Bến Ngự (Huế), nhìn ông chủ lúi húi treo những tờ báo lên quầy, bà chủ đon đả trao tờ báo cho khách, chợt thấy nao lòng trước một hình ảnh đã trở nên hiếm hoi.

Nhớ một thời tô-ly-điếu-tờ - Ảnh 1.

Công việc đều đặn trong suốt 35 năm qua của ông chủ quầy báo 3 Chi Lăng (Huế) - Ảnh: MINH TỰ

Là người viết báo từ thuở mỗi sáng mai quầy báo rộn ràng, tôi thầm cảm ơn họ, những người đã gắn bó từ thời hoàng kim của báo giấy.

Niềm vui của 40 năm

Nhà sách Bến Ngự nằm đầu đường Phan Bội Châu, nhà sách duy nhất và cũng là nơi duy nhất còn bán báo giấy ở khu phố chợ Bến Ngự nhộn nhịp sách báo thuở nào. Cứ tưởng là xa xưa lắm, nhưng thời ấy chỉ cách nay khoảng 10 năm.

Đó là những năm 2005 - 2010, báo Tuổi Trẻ và các báo chính trị, thể thao đều ra nhật báo, cả bản tin chiều; tạp chí giải trí, làm đẹp, nội trợ, tiếp thị, gia đình... treo rợp các sạp.

Đầu đường Phan Bội Châu gần chợ Bến Ngự có hai hiệu sách báo, từ lưng chừng dốc Bến Ngự đến chỗ nhà cụ Phan có thêm bốn quầy. Manchette báo Tuổi Trẻ dán đầy các bảng hiệu của đoạn đường sách báo này.

Ghé lại hiệu sách Bến Ngự của vợ chồng nhà giáo Lê Hữu Đạt - Nguyễn Thị Bùi, trước cửa vẫn phất phơ vài tờ báo treo như mấy chục năm trước. Cô Bùi cho biết hiệu sách Bến Ngự ra đời từ năm 1981, khi cô con gái Lam Thảo mới học lớp bảy nay đã ngoài năm mươi, thay thế cha mẹ tiếp tục duy trì.

Mấy năm đầu bán sách vở, đồ dùng học tập, vài năm sau thì báo từ Sài Gòn bắt đầu lần lượt xuất hiện: Văn Hóa & Thể Thao, Thể Thao (TP.HCM), Tuổi Trẻ Cười, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Phim, Điện Ảnh, Sân Khấu, Mực Tím, Áo Trắng...

Người Huế làm quen với ấn phẩm đầu tiên của Tuổi Trẻ là báo Tuổi Trẻ Cười, khoảng giữa năm 1984, vài tháng sau khi tờ báo ra đời (1-1984). Độc giả Huế háo hức là vì lần đầu tiên sau ngày đất nước hòa bình mới có tờ báo cười vui tươi. Tuổi Trẻ Cười ra số nào bán hết vèo số đó, đợi cả tháng sau mới tới kỳ báo mới. Có người đọc xong mang bán lại còn có lời.

Từ năm 2000, đầu báo nhiều lên, khoảng 2005 - 2010 nhiều vô kể, đủ loại báo ngày, báo tuần, báo tháng, từ tin nhanh bốn trang đến tạp chí dày cộp, mùa World Cup, Euro thì đủ loại tin nhanh. Đầu buổi sáng ở hiệu Bến Ngự, cả hai vợ chồng và mấy đứa con cùng bán mới kịp.

Nhờ quầy sách báo mà những năm ấy vợ chồng nhà giáo Bùi mới theo đuổi được nghề giáo và nuôi đàn con sáu đứa học hành. Còn bây giờ, nguồn thu nhà sách chủ yếu nhờ bán sách vở, dụng cụ học tập, văn phòng phẩm, thu nhập từ bán báo chỉ còn rất nhỏ, nhưng vui. Niềm vui mỗi ngày và đã 40 năm.

Nhớ một thời tô-ly-điếu-tờ - Ảnh 2.

Sạp báo ngày Sài Gòn giãn cách - Ảnh: PHÚC TIẾN

“Tô - ly - điếu - tờ”

Từ chợ Đông Ba qua cầu Gia Hội, ngay đầu con đường đi vô khu phố cổ là ai cũng có thể nhìn thấy tấm bảng màu xanh quầy sách báo số 3 Chi Lăng. Manchette Tuổi Trẻ nằm trên tấm bảng hiệu này đã 20 năm rồi mà vẫn còn khá mới. Đây cũng là quầy duy nhất ở đoạn đầu phố Gia Hội còn bán báo.

Những nhà sách lớn một thời ở đây, nơi mà tôi đã từng mua tờ báo Tuổi Trẻ Cười năm 1985, giờ đều đã nghỉ bán. Chủ nhân quầy số 3 Chi Lăng là ông Lương Kim Bình, người đã đều đặn mỗi sớm mai thức dậy nhận báo và bán báo suốt gần 35 năm qua, từ khi báo ở Huế bắt đầu bán chạy.

Lúc đó nguồn báo vẫn chủ yếu đưa từ Sài Gòn ra bằng máy bay, tàu hỏa. Quầy của ông Bình chủ yếu bán các loại báo tuần và tạp chí, như: Thể Thao & Văn Hóa, Phim, Điện Ảnh, Tuổi Trẻ Cười, Tuổi Trẻ Chủ Nhật...

Đến khoảng năm 1994 thì báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên mới bắt đầu ra Huế nhờ mở điểm in Đà Nẵng. Tiếp đó là báo Lao Động, Phụ Nữ TP.HCM, Người Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng, và nhiều nhất là các loại tin nhanh bóng đá World Cup, Euro. Ông Bình nói báo chí hồi đó tin tức nóng hổi và in ấn đẹp, lượng báo bán ra tăng lên mỗi ngày.

Mạng chưa phát triển, tin tức thời sự chỉ trông chờ tờ báo. Các đại lý ở Huế tăng nhiều, mỗi đại lý lại tổ chức cả đội quân phân phối. Đầu mỗi buổi sáng, báo từ Đà Nẵng chở ra, đội quân này nhanh chóng chia báo rồi phóng xe máy vun vút đến các quầy. Độc giả đang chờ mua.

Những người ghiền báo, bao giờ cũng điểm tâm sáng bằng “tô - ly - điếu - tờ” (tô bún - ly cà phê - điếu thuốc - tờ báo). Nếu bây giờ vào quán cà phê sáng, mỗi người một cái điện thoại thì ngày ấy mỗi người một tờ báo, có người mua cả 4 - 5 tờ, đọc tin tức trước, đến tối đi làm về đọc phóng sự, bình luận.

Chỉ vài năm thôi, mọi sự đã thay đổi quá nhanh. Bây giờ mỗi ngày chỉ còn vài ba người ghé mua báo của ông Bình, trong đó có ba độc giả thâm niên với tờ Tuổi Trẻ suốt mấy chục năm. Đó là nhà nghiên cứu Vĩnh Cao, chuyên gia dịch lý học.

Một độc giả khác là người từ Sài Gòn hồi hương Huế đã quen đọc Tuổi Trẻ từ trong ấy. Một người trẻ tuổi hơn là con trai của giáo sư nhân chủng học Dương Đình Khôi. Giáo sư Khôi đã mua tất cả ấn phẩm của Tuổi Trẻ từ ngày quầy báo ông Bình mới mở, lưu trữ đầy đủ.

Sau này, giáo sư Khôi qua đời, người con trai vẫn tiếp tục mua báo Tuổi Trẻ. Mỗi sáng trước khi chờ khách hàng ruột của mình đến, ông Bình đã đọc xong tin tức nóng hổi trên các trang giấy thơm mùi mực in.

Ông Bình hỏi tôi không biết tờ báo giấy sẽ còn in đến khi nào? Tôi cảm ơn người độc giả đầu tiên mỗi ngày, và động viên ông: “Tờ báo thơm mùi giấy mực đã trở nên quen thân với anh từ 35 năm nay sẽ còn tiếp tục vào mỗi buổi sáng. Nó là một vật dụng của văn minh vật chất loài người, máy móc không thay thế được!”.

Tuổi Trẻ vẫn đến với bạn đọc Tuổi Trẻ vẫn đến với bạn đọc

TTO - Quá trình làm báo, in ấn và phát hành báo chí trong những ngày này gặp rất nhiều khó khăn, song Tuổi Trẻ vẫn nỗ lực để báo vẫn đến với bạn đọc mỗi ngày.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên