Dịch bệnh kéo dài đã khiến cho một bộ phận người dân lâm vào tình thế kiệt quệ, nhất là đối với những người lao động tự do. Lúc này đây rất cần sự chung tay hỗ trợ của xã hội để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các kênh này kêu gọi thêm những tấm lòng để cùng đến với người nghèo.
Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu
Đây là trung tâm do Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM vừa mới thành lập. Trung tâm đặt tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM do bà Tô Thị Bích Châu - chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - làm giám đốc và ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - làm phó giám đốc.
Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý các nguồn tài trợ hàng hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đồng thời, phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện rà soát các khó khăn và nhu cầu cần được hỗ trợ của người dân nghèo, cận nghèo, người gặp khó khăn do COVID-19 phải tạm thời nghỉ việc. Từ đó, trung tâm sẽ tổ chức phân phối nguồn hàng tài trợ đến các đối tượng.
Ngoài ra, trung tâm cũng phối hợp với Sở Y tế rà soát các khó khăn và nhu cầu cần được hỗ trợ của các bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung, trung tâm cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 và bệnh viện hồi sức COVID-19 để kịp thời điều phối nguồn hàng hóa và vật tư y tế hỗ trợ đến các đối tượng này. Trung tâm cũng có chức năng kiểm tra, giám sát việc điều phối, phân phối hàng tài trợ đến các đối tượng theo nguyên tắc "đúng đối tượng, đúng nhu cầu".
Bà Dương Thị Huyền Trâm - trưởng ban phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - cho biết ngày 3-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã chuyển 5.400 phần quà đến các hộ dân thông qua hệ thống MTTQ quận, huyện, TP Thủ Đức.
Đây là số quà đầu tiên nằm trong đợt vận động, hỗ trợ 250.000 phần quà (trị giá 500.000 đồng/phần, mỗi hộ một phần gồm các loại nhu yếu phẩm thiết yếu: gạo, dầu ăn, nước mắm, sữa, đường...) cho các hộ dân cần hỗ trợ khẩn cấp, "đảm bảo không một hộ dân nào bị thiếu đói".
Trong tuần đầu tiên sẽ có hơn 150.000 phần quà được chuyển tới các hộ dân. Nguồn kinh phí thực hiện sẽ được trích từ nguồn do TP chuyển về địa phương, vận động các doanh nghiệp đặt hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà cung ứng lương thực thực phẩm hoặc từ Quỹ Vì người nghèo, nguồn vận động hỗ trợ hợp pháp khác của địa phương...
Chiều 4-8, các cá nhân, đơn vị đã hỗ trợ gần 100 phần rau củ, trái cây cho người dân xóm trọ đang thực hiện phong tỏa, cách ly ở tổ 13, khu phố Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức - Ảnh: HOÀNG AN
Báo Tuổi Trẻ là một kênh hỗ trợ người nghèo
Anh Doãn Trường Quang - trưởng ban mặt trận Thành đoàn TP.HCM - cho biết một dự án tổng thể với tên gọi chung là Tổng đài khẩn cấp tiếp nhận và giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP đang được nhiều đơn vị cùng kết nối thực hiện trong những ngày này.
Các thành viên sẽ gồm: Thành đoàn TP.HCM, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM phối hợp với báo Tuổi Trẻ, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Công ty cổ phần Be Group, Công ty TNHH công nghệ XTEK, nhóm Người Việt thương nhau.
"Báo Tuổi Trẻ sẽ là kênh quan trọng trong tiếp nhận, phản ánh thông tin của người dân khó khăn, cùng với các kênh thông tin tiếp nhận trên các hình thức khác để kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ, giúp đỡ lời yêu cầu của bà con nhân dân. Thông tin từ báo Tuổi Trẻ sẽ được chuyển đến các bộ phận liên quan (cơ sở Đoàn, chính quyền địa phương) để cùng phối hợp làm rõ nhu cầu, hoàn cảnh cần hỗ trợ. Từ đó, chuyển thông tin cho các bộ phận trong tổ hỗ trợ để lên phương án cụ thể, phù hợp từng đối tượng" - anh Doãn Trường Quang chia sẻ thêm.
Đồng thời, Tuổi Trẻ sẽ là một kênh tiếp nhận đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các đơn vị để có thể tham gia cùng với các đơn vị hỗ trợ khẩn cấp cho các trường hợp hộ dân khó khăn.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - đến thăm hỏi, tặng quà và động viên người dân tại “vùng xanh” thuộc chung cư 21-41 Tản Đà (P.10, Q.5) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Người dân gọi, chúng tôi kết nối
Khi những tin nhắn, cuộc gọi của người dân cần hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến Tuổi Trẻ ngày càng dày thêm, ban công tác xã hội của báo đã kết nối với Thành đoàn TP.HCM - nơi đang thực hiện hỗ trợ cho người dân ở toàn bộ 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Một group Zalo được lập ra để hai bên cùng thông tin cho nhau. Thông tin liên tục được trao qua đổi lại những ngày này, rất ngắn gọn nhưng ai cũng có thể hiểu ngay. Chẳng hạn: "Các hộ dân quận Bình Thạnh xin hỗ trợ. Họ đang rất cần hỗ trợ gạo"; "Anh Trần Văn Quang là người Bình Định, thất nghiệp một tháng rưỡi, không còn gì ăn"; "Vợ chồng bạn đọc làm phụ hồ, ngụ tại P.Bình Chiểu, TP Thủ Đức, nhà có con nhỏ, đang bị mất việc cả tháng nay"...
Từ đó, những chuyến xe hàng hỗ trợ đầu tiên cũng bắt đầu chạy và thông tin từ nhóm Zalo vẫn báo về: "Trường hợp 1: đã xác minh, hỗ trợ; trường hợp 2: chiều nay 17h30, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM xuống hỗ trợ 9 hộ dân...".
Đồng thời có không ít tin phản hồi từ địa phương: "Nhà Bè có thông tin là do giai đoạn đầu thực hiện chỉ thị 16 chưa có hướng dẫn rõ ràng về việc di chuyển của shipper, hiện nay đã có hướng dẫn cụ thể cũng như quy định các loại giấy tờ cần thiết cho shipper di chuyển nên tình trạng không mua được thực phẩm đã được khắc phục"; "Hộ này là hộ nghèo, nhà ngay sau lưng nhà tổ trưởng. Có nguồn lực hỗ trợ đều có chuyển tới hộ này, địa phương thông tin là cách đây 2 ngày vừa hỗ trợ 10kg gạo"...
Trực tiếp chở 9 túi quà xuống khu trọ của chị Hồ Thị Mai tại quận 7, anh Lê Thanh Vũ - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM (Thành đoàn TP.HCM) - lần lượt trao quà cho các anh chị trong khu trọ. Chỉ vào chiếc xe, anh bảo đây cũng là "xe từ thiện".
"Trung tâm không có xe nhưng cần xe gì cũng có đủ loại. Xe tải nhỏ, xe 16 chỗ được các nhà hảo tâm cho mượn chạy suốt mùa dịch tới nay. Một anh tài xế tình nguyện lái xe 16 chỗ cho trung tâm mấy bữa nay còn chuyển hẳn vào trung tâm ở vì khu nhà chỗ anh ở bị phong tỏa" - anh Vũ cho biết.
Những ngày vừa qua, không ít chuyến đi hỗ trợ khiến anh và đồng đội xúc động. "Xe chở hàng tới nơi, người dân vỗ tay mừng vì họ nói không biết xoay xở thế nào, gửi tin nhắn xin hỗ trợ mà không biết được hay không. Nhận được thì họ mừng lắm" - anh Vũ tâm sự.
Mọi đóng góp khẩn cấp cho người nghèo thông qua báo Tuổi Trẻ có thể gửi về
- Báo Tuổi Trẻ, số tài khoản: 113000006100 tại Ngân hàng Công thương, chi nhánh 3 TP.HCM (chuyển đồng Việt Nam).
- Bạn đọc ở nước ngoài có thể chuyển khoản về chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ, số tài khoản: USD: 0071370195845, EUR: 0071140373054, Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh TP.HCM, swift Code: BFTVVNVX007.
Các khoản hỗ trợ ghi rõ nội dung chuyển khoản: Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19 - ủng hộ nhu yếu phẩm.
Theo anh Doãn Trường Quang - trưởng ban mặt trận Thành đoàn TP.HCM, tổng đài khẩn cấp tiếp nhận và giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP sẽ nhanh chóng hỗ trợ người khó khăn qua nhiều kênh.
- Người dân có thể gọi đến đường dây nóng 1022 (bấm phím 2 để gửi thông tin cần được hỗ trợ).
- Đường dây nóng hỗ trợ người dân của báo Tuổi Trẻ: 0918.033.133.
- Đường dây nóng hỗ trợ người dân của dự án "Chợ nghĩa tình": 0963.870.058 (chị Sơn - phụ trách dự án).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận