Một nhân viên an ninh đứng gần poster phim The interview trước cổng nhà hát United Artists ở Los Angeles - Ảnh: Reuters |
Sau nhiều ngày kín tiếng, hôm 18-12 Nhà Trắng chính thức tuyên bố cuộc tấn công mạng nhắm vào Hãng Sony Pictures và bộ phim The interview nói về lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un là một “vấn đề nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia”. Hơn thế, phía Mỹ dọa sẽ thực hiện “những đáp trả thích đáng”.
Vẫn chưa xác định hung thủ
The interview do Sony Pictures sản xuất, là bộ phim hài viễn tưởng kể về câu chuyện hai nhà báo (do James Franco và Seth Rogen thủ vai) xin phỏng vấn Kim Jong Un và thực hiện nhiệm vụ ám sát ông này. Theo một đoạn video rò rỉ trên Internet, cao trào của bộ phim là đoạn cận cảnh cái chết của lãnh đạo Kim.
Nhóm tin tặc sau khi công bố các thông tin không có lợi cho Sony Pictures và các sao Hollywood còn dọa cả người xem phim và các rạp chiếu phim. Vì thế Sony Pictures buộc phải hủy buổi công chiếu, dự kiến diễn ra ngày 25-12, khiến cả Hollywood phải sững sờ.
Hẳn vì lẽ đó, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest phải lên tiếng cho biết đây là những hành động phá hoại với mục đích thâm độc và đáng nhận lấy những đáp trả thích đáng từ phía Mỹ. Theo ông Earnest, tình báo Mỹ tin rằng đây là hành động của kẻ thù nước Mỹ và đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.
Mỹ thua trận đầu! Quyết định ngưng chiếu phim theo lịch hẹn của Sony cũng bị xem là hèn nhát trước một kẻ thù giấu mặt. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng sự nhượng bộ của Sony cũng như các rạp chiếu phim ở Mỹ đã tạo ra một tiền lệ xấu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do ngôn luận. “Với sự nhượng bộ của Sony, nước Mỹ đã thua trong trận chiến mạng đầu tiên. Đây là một tiền lệ rất nguy hiểm” - cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich cho biết. |
Ông Earnest từ chối xác nhận các báo cáo cho rằng Triều Tiên đứng sau vụ này. Và hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ có biện pháp gì để đáp trả trong trường hợp Bình Nhưỡng đứng đằng sau vụ tấn công vào Sony.
Trước đó, hôm 16-12, một quan chức Mỹ từng ám chỉ rằng Washington sẽ sớm chính thức công bố sự liên quan của Bình Nhưỡng trong cuộc tấn công này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không chỉ có Triều Tiên bị nghi ngờ thực hiện vụ tấn công trên. Một nguồn tin tình báo của Fox News cho biết Triều Tiên chưa từng đạt đến trình độ tấn công tinh vi với phần mềm độc hại như kiểu này.
Dù Nhà Trắng từ chối xác nhận Triều Tiên có liên quan đến vụ tấn công mạng trên, nhưng một nguồn tin của AFP cho biết Bình Nhưỡng đứng đằng sau tất cả những chuyện này.
“Chúng tôi không biết chắc nhưng tình thế cho thấy như vậy” - nguồn tin cho biết.
Đội quân tin tặc 121
Jang Se Yul, chuyên gia máy tính từng làm việc cho chính quyền Triều Tiên, tiết lộ với CNN rằng Bình Nhưỡng có một mạng lưới tin tặc khổng lồ góp mặt vào cuộc chiến mạng chống lại các nước thù địch.
Jang ước tính Bình Nhưỡng có đến 1.800 chiến binh mạng phân bổ trên toàn thế giới. Đây là một nhóm bí mật có tên Cục 121. Nhiệm vụ của Cục 121 là thực hiện các vụ tấn công mạng ở nước ngoài và các nước thù địch.
Jang cho biết ông vẫn còn liên hệ với ít nhất một thành viên trong Cục 121. Jang từng theo học ngành khoa học máy tính tại Học viện Quân sự Triều Tiên, thuộc Đại học Automation và làm dịch vụ thông tin cho chính quyền Bình Nhưỡng trước khi ông đào tẩu bảy năm về trước.
Ông Jang cho biết nhiều người vẫn tự hỏi vì sao một đất nước thuộc dạng nghèo nhất thế giới như Triều Tiên lại nuôi một đội quân chiến tranh mạng hùng mạnh. Lý do đơn giản là chi phí chi cho đội quân này khá rẻ.
Cũng theo CNN, một quan chức Hàn Quốc tiết lộ Seoul cho rằng Cục 121 là nơi xuất phát của nhiều cuộc tấn công hệ thống mạng tại một số nước. Dù Cục 121 có dính dáng tới vụ tấn công Sony hay không, các quan chức tình báo Hàn Quốc vẫn tin cơ quan này đứng đằng sau các vụ tấn công trước đó.
Đơn cử là vụ tấn công lớn nhất có tên “Dark Seoul” (từ tháng 3 đến tháng 6-2013) nhắm vào các ngân hàng và truyền thông Hàn Quốc. Hơn 48.000 máy tính đã bị tấn công, hệ thống máy tính bị chậm lại và ngừng hoạt động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận