17/04/2015 16:24 GMT+7

Lần đầu tiên doanh thu nhạc số bằng đĩa hát

THANH TRỰC
THANH TRỰC

TTO - Ngành công nghiệp âm nhạc đánh dấu bước chuyển mình lớn khi doanh thu trên toàn cầu năm 2014 của nhạc số chạm mốc các album, đĩa hát.

Thói quen nghe nhạc qua thiết bị di động như smartphone của người dùng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhạc số và các dịch vụ liên quan - Ảnh: Thanh Trực
Thói quen nghe nhạc qua thiết bị di động như smartphone của người dùng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhạc số và các dịch vụ liên quan - Ảnh: Thanh Trực

Theo báo cáo thường niên từ Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI), doanh thu nhạc số và các album, đĩa hát cùng nắm giữ 46% tổng doanh thu 14,97 tỉ USD của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu năm 2014. 

Cụ thể, doanh thu nhạc số tăng 6,9%, ở mức 6,9 tỉ USD, tương đương 46% doanh thu thị trường âm nhạc toàn cầu. 

Số 6% còn lại là doanh thu đến từ bản quyền, tăng 8,3%, tạo ra 948 triệu USD.

Tổng doanh thu năm 2014 là 14,97 tỉ USD, giảm 0,4% so với năm 2013 (15,03 tỉ USD).

Đĩa nhựa hồi sinh

Về phía các album và đĩa hát, doanh thu đĩa nhựa (vinyl) tiếp tục "hồi sinh" với doanh thu tăng đến 54,7%, chiếm 2% (346,8 triệu USD) trong 14,97 tỉ USD tổng doanh thu.

Người tiêu dùng vẫn chuộng đĩa hát hơn các dịch vụ nhạc số tại nhiều thị trường lớn của ngành công nghiệp âm nhạc. Mỹ vẫn là thị trường đĩa nhựa (đĩa than) tạo ra doanh thu lớn nhất, 181,6 triệu USD.

Số liệu từ Hiệp hội Ngành công nghiệp ghi âm Mỹ (RIAA) cũng cho thấy số album nhạc phát hành qua đĩa nhựa tại Mỹ tăng 49,4% năm 2014, thu về 314,9 triệu USD.

Đồ họa MBW - Nguồn số liệu: RIAA
Đồ họa MBW - Nguồn số liệu: RIAA

Danh sách "chuộng đĩa nhựa" của IFPI tiếp tục gồm Đức (34 triệu USD), Anh (31,7 triệu USD), Nhật (16,3 triệu USD), Hà Lan (14,1 triệu USD), Pháp (12,2 triệu USD), Canada (9,2 triệu USD), Ý (6,2 triệu USD), Úc (6 triệu USD) và Thụy Điển (3,7 triệu USD).

Nhóm 10 thị trường đĩa nhựa hàng đầu này đều tăng trưởng so với năm 2013, trong đó có mức tăng trưởng mạnh nhất là Úc (127%), Nhật (81,4%) và Ý (76,5%).

Album Frozen trong phim hoạt hình cùng tên đứng đầu bảng danh sách bán chạy nhất, với 10 triệu bản bán ra trên thế giới (4 triệu tính riêng tại Mỹ). Nghệ sĩ Pharrell Williams thắng lớn với 13,9 đĩa đơn (single) Happy bán ra.

Nghệ sĩ Pharrell Williams thắng lớn với 13,9 đĩa đơn (single)
Nghệ sĩ Pharrell Williams thắng lớn với 13,9 đĩa đơn (single) Happy bán ra năm 2014 - Ảnh: Thanh Trực

Nhà nhà, người người làm nhạc số

Số lượng các nhà cung cấp dịch vụ nhạc trực tuyến gia tăng đã thúc đẩy sự phát triển của nhạc số. Và xu hướng dịch chuyển từ các album, đĩa hát vật lý chuyển sang các dịch vụ truyền tải, thuê bao nhạc số vẫn tiếp tục. 

Thói quen nghe nhạc qua thiết bị di động như smartphone của người dùng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhạc số và các dịch vụ liên quan - Ảnh minh họa: Flickr
Thói quen nghe nhạc qua thiết bị di động như smartphone của người dùng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhạc số và các dịch vụ liên quan - Ảnh minh họa: Flickr

Trong đó, doanh thu từ tải nhạc (download) giảm 8% so với mức tăng 39% của các dịch vụ thuê bao nhạc số (subscription). Số thuê bao dịch vụ nhạc số tăng 46,4%, vào khoảng 41 triệu người dùng.

* XemNgười dùng thích nghe nhạc trực tuyến hơn tải về

Các dịch vụ thuê bao nhạc số trở thành "con cưng" của ngành công nghiệp âm nhạc, chiếm giữ 23% thị trường nhạc số, tạo ra 1,6 tỉ USD doanh thu. Xu hướng này thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông (nhà mạng di động) với các công ty nhạc số, khai thác hạ tầng sẵn có của nhà mạng, đưa dịch vụ truyền tải nhạc đến người dùng.

Ba đại diện được giới phân tích dự kiến làm bùng nổ thị trường này gồm Music Key của YouTube, TIDAL của ca sĩ Jay Z và dịch vụ truyền tải nhạc đang được Apple tích cực chuẩn bị ra mắt.

* Cần biết: Dịch vụ "đám mây" nào hay để lưu nhạc?

Tại thị trường Mỹ, doanh thu từ dịch vụ truyền tải nhạc trực tuyến (streaming) vượt qua doanh thu CD nhạc. Theo RIAA, doanh thu năm 2014 của các dịch vụ streaming (bao gồm thuê bao nhạc) như Spotify, Apple Beats Music, Pandora, Sirius XM, Vevo, YouTube ở mức 1,87 tỉ USD, so với 1,85 tỉ USD của CD.

Kho tải nhạc Apple iTunes vẫn đóng góp phần lớn doanh thu mặc dù tăng trưởng âm, giảm 8,7%, doanh thu 2,58 tỉ USD.

Cuộc chiến bản quyền nhạc số

Tỉ lệ thưởng thức âm nhạc có bản quyền gia tăng đáng kể. Khảo sát của IFPI từ 13 thị trường âm nhạc hàng đầu thế giới trong năm 2015 cho thấy có đến 69% người dùng Internet sử dụng dịch vụ nhạc số có bản quyền. 

Khoảng 20% người dùng Internet vẫn thường sử dụng các dịch vụ nhạc số không bản quyền, như truy xuất đến dịch vụ chia sẻ lậu qua mạng ngang hàng (P2P), dịch vụ lưu trữ trực tuyến... (giảm so với 26% năm 2013).

Ước tính của Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế dựa trên số liệu của comScore và Nielsen

Doanh thu trên toàn cầu do các công ty ghi âm thu về trong năm 2014 từ những nền tảng nội dung như YouTube hay Daily Motion chỉ ở mức 641 triệu USD, ít hơn phân nửa so với tổng số tiền mà các dịch vụ thuê bao nhạc số như Spotify hay Deezer chi trả cho các công ty ghi âm.

THANH TRỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên