30/12/2014 11:14 GMT+7

​Nhạc số 2014: con hổ đã thức giấc

LÊ TÂN SƠN
LÊ TÂN SƠN

TT - Trong năm 2014, nhiều tác phẩm nhạc số đã “làm mưa làm gió” trên thị trường nhạc Việt, trở thành nhiều câu hát cửa miệng của khán giả trẻ.

Ca sĩ Trúc Nhân và Trương Thảo Nhi trình diễn ca khúc Bốn chữ lắm tại lễ trao giải thưởng Làn sóng xanh lần thứ 17 diễn ra tối 19-12 ở trung tâm ca nhạc Lan Anh (TP.HCM) - Ảnh: Quang Định

Với cái kết của giải thưởng âm nhạc trực tuyến POPs Awards, giải Làn sóng xanh (LSX) và những gương mặt trong tốp đầu của Zing Music Awards (ZMA - trao giải vào ngày 5-1-2015), có thể nói con hổ tên gọi nhạc số đã thức giấc...

Tiệm cận với đại chúng

Trong danh sách các tác phẩm nổi bật nhất của ZMA năm nay, khán giả đã quá quen thuộc với những Mình yêu nhau đi, Trót yêu, Gạt đi nước mắt, Bốn chữ lắm, Nắm lấy tay anh...

Ở các quán cà phê, nhiều chàng trai gân cổ: “Người nói yêu anh đi! Người nói thương anh đi!”.

Ở các phòng karaoke, những cô gái thanh xuân ôm micro cao giọng: “Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi anh!”. Những câu chữ ấy cũng liên tục xuất hiện trong các dòng trạng thái cảm xúc trên mạng xã hội Facebook.

Khi chuyện tình không vui, các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi cũng lên mạng hét lên với cả thế giới: “Yêu lắm, thương lắm, mà đau lắm! Ai buồn? Em buồn vì ai”.

Bốn chữ lắm qua tiếng hát của Trúc Nhân và Thảo Nhi cũng chính là tác phẩm đoạt giải Bài hát hiện tượng ở LSX 2014.

Cùng với ca khúc này, Trúc Nhân còn giành thêm giải Ca sĩ triển vọng ở LSX đầy thuyết phục bên cạnh nữ ca sĩ Vũ Cát Tường. Ðoạn “Nắm tay anh thật chặt! Giữ tay anh thật lâu!” còn được danh hài Trường Giang đưa vào tiểu phẩm hài của mình cùng Việt Hương và Chí Tài, mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả.

MV Nắm lấy tay anh của Tuấn Hưng cùng lời hẹn “Hứa với nhau một câu sẽ đi trọn đến cuối con đường” đồng thời là MV có lượt xem cao nhất phát qua hệ thống POPs trên mạng chia sẻ video YouTube.

Trên mạng âm nhạc Nhaccuatui, ca khúc có lượt nghe nhiều nhất thuộc về tác phẩm Thật lòng anh xin lỗi của cố ca sĩ Wanbi Tuấn Anh.

Kỳ thật, nếu không bị loại khỏi hệ thống nghe nhạc Zing Mp3 và chương trình Bài hát yêu thích (BHYT - nên không còn cơ hội tranh giải); không bị ban tổ chức LSX gạt khỏi danh sách đề cử ngay từ đầu (đều vì các nghi án đạo nhạc), khả năng lớn là những bài hát của Sơn Tùng M-TP sẽ giành chiến thắng cách biệt trước các đối thủ trẻ còn lại.

Ðơn giản: nếu Mình yêu nhau đi của Bích Phương với 83 triệu lượt nghe được dự báo là có thể thắng ở ZMA, hạng mục Ca khúc của năm thì cũng chính trên hệ thống này, bản Em của ngày hôm qua do Sơn Tùng thể hiện có hơn 180 triệu lượt nghe, chỉ riêng với bản chính thức do Zing Mp3 tải lên.

Từ việc chiếm được cảm tình của khán giả trực tuyến, các nghệ sĩ trẻ và những tác phẩm nêu trên đã giành được vị thế riêng ở sân khấu đại chúng, không hề kém cạnh so với những ngôi sao đã thành danh, cả về tên tuổi và tầm ảnh hưởng, dù họ không hề có các live show hoành tráng như lớp đàn anh, đàn chị.

Vẫn âu lo chất lượng

Nghe lại những tác phẩm đã đoạt giải hoặc đang làm mưa làm gió trên thị trường của các tác giả trẻ, điều có thể rút ra là những ngôn từ gây sốc hay kiểu nói ngô nghê một thuở đã dần nhường chỗ cho những ca từ sạch sẽ, lối hát nhẹ nhàng, dễ chiếm cảm tình số đông - đối tượng khách hàng mà ca sĩ trẻ hướng đến.

Tuy nhiên công bằng mà nói thì âu lo của các nghệ sĩ tên tuổi nhiều năm qua về chất lượng của những tác phẩm này vẫn còn đó. Thời đại công nghệ và sự xuất hiện của quá nhiều ca sĩ mới đã khiến “xu hướng sáng tác mới” trở nên dễ dãi hơn khi không ít tác giả chọn cách sử dụng các đoạn nhạc mẫu có sẵn làm nền ca khúc của mình.

Kết quả là những bài hát mang dấu ấn sáng tạo cá nhân không còn mấy. Nếu có “sáng tạo”, chúng cũng chỉ nằm trên ca từ; mà điều đó cũng không nhiều bởi sự giới hạn của chính họ trong những đề tài dễ “ăn công chúng”.

Kết quả là cả một năm 2014, những sáng tác “mới” (kể cả những bài đoạt giải ở Bài hát Việt) đều không nhiều yếu tố mới. Chiến thắng được báo trước của Phương Mỹ Chi ở BHYT không phải nhờ vào sáng tác mới mà chủ yếu do em được khán giả yêu thích quá nhiều.

Kiểu sáng tác “xay sinh tố” - hòa trộn nhiều thứ học được từ nước ngoài đã cho ra đời những tác phẩm na ná nhau, dẫn đến việc hàng loạt ca khúc bị nghi ngờ đạo nhạc.

Bản Chắc ai đó sẽ về (nhạc phim Chàng trai năm ấy) dù bị cơ quan chức năng buộc phải thay nhạc nền, bị các nhạc sĩ trong hội đồng thẩm định của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN cho là đạo nhạc, vẫn tiếp tục gây ồn ào khi lực lượng hâm mộ của Sơn Tùng quay sang chỉ trích chính giới nhạc sĩ, đánh bùn sang ao khi quy kết các nhạc sĩ cựu trào là “dìm hàng” tài năng trẻ.

Một khi khán giả vẫn còn dễ dãi với thần tượng, sẽ thật khó trông mong chuyện tác giả nghiêm khắc với chính mình.

Nhạc số - với hệ thống định lượng công khai, tức thời của mình - đã cho phép tác giả rút kinh nghiệm nhanh cho những sáng tác tiếp theo, phù hợp với nhu cầu đại chúng. Nhưng cũng chính ở hệ thống định lượng ấy đã khoanh vùng “ăn” và “không ăn” cho tác giả, để rồi cuối cùng nhiều tác phẩm cùng lao vào vùng “dễ tạo hit” mà chia thị phần.

Tiếng gầm của con hổ nhạc số đã vang lên. Nhưng liệu chừng ấy có đủ để át đi những tiếng kêu đòi một nền âm nhạc đa dạng, nhiều dấu ấn sáng tạo cá nhân chưa hay khi muốn thưởng thức một cái-gì- khác, khán giả phải tìm đến âm nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc hoặc tiếp tục vào phòng trà để nghe nhạc xưa. Mà, nhạc xưa thì cũng đâu có mới!

Điểm đen bản quyền

Tuy phát triển với tốc độ chóng mặt và nay đã thành một thế lực chi phối thị trường nhạc Việt so với thuở mới khai sinh, bản quyền nhạc số vẫn đang là một vấn nạn làm đau đầu những người quan tâm, gây bức xúc cho các chủ sở hữu.

Vụ kiện Công ty VNG (đơn vị chủ quản trang Zing Mp3) của ca - nhạc sĩ Trần Lập chỉ là một vụ “nổ” trên truyền thông, còn những khiếu nại bản quyền khác thì vẫn đầy rẫy khiến VN sau bao nhiêu năm vẫn chưa thoát khỏi “danh sách đen” các quốc gia phải đặc biệt chú ý về bản quyền của thế giới.

Nếu ở cấp độ toàn cầu, mạng YouTube liên tục bị khiếu nại, phải gỡ bỏ hàng loạt tác phẩm khỏi hệ thống của mình, thậm chí hủy tư cách thành viên của người đăng sản phẩm vi phạm thì ở cấp độ VN, nhiều trang mạng âm nhạc cũng phải gỡ bỏ các tác phẩm bị cáo buộc vi phạm bản quyền.

Có điều khác với YouTube - dữ liệu được tải lên, được hệ thống xử lý trực tiếp không qua can thiệp của con người (trừ các chương trình đặc biệt, phát trực tiếp như sô thời trang Victoria’s Secret vừa qua là một ví dụ), các mạng âm nhạc VN có nhân viên kiểm tra, duyệt tác phẩm trước khi đăng tải và đây chính là mấu chốt của các khiếu nại.

Ðã có tiền kiểm nhưng vi phạm vẫn tràn lan để rồi mỗi khi có khiếu nại, các nơi lại đổ lỗi cho thành viên - người sử dụng hệ thống của mình.

Các trang “có tóc” đã thế, những trang “trọc đầu” không đăng ký, tải nhạc lên mạng như một món cơm thêm “phục vụ” độc giả gần như không trang nào thực hiện nghĩa vụ bản quyền.

Thế nên nhiều năm qua nhạc Việt vẫn phát triển một cách méo mó khi sản phẩm âm nhạc làm ra chẳng phải để bán mà chỉ để quảng bá giọng hát, khai thác nhạc chuông, nhạc chờ, khai thác quảng cáo trên MV (Bốn chữ lắm thực chất là một MV quảng bá cho một loại điện thoại di động) và để ca sĩ đi hát sô.

 

LÊ TÂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên