Cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 phát tờ rơi tuyên truyền về tọa độ, vị trí vùng biển VN cho ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều địa phương có đội tàu cá đánh bắt xa bờ đã và đang áp dụng nhiều biện pháp mạnh để ngăn ngư dân đánh bắt trái phép ở vùng biển các quốc gia lân cận.
Vi phạm: cấm đánh bắt vĩnh viễn...
Tháng 1-2018, ông Trần Ngọc Căng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã có văn bản giao Sở NN&PTNT cùng các cơ quan và địa phương xử lý theo hướng cấm đánh bắt vĩnh viễn đối với những tàu cá tái phạm.
Thực tế, tàu cá QNg 90518 (do ông Nguyễn Văn Phú làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng) đã không được xem xét hỗ trợ vay vốn, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề khai thác thủy sản vĩnh viễn, không cho phép sang tên đổi chủ đối với tàu cá này.
Ngoài ra, tàu cá mang số hiệu QNg 90945 (do ông Lê Thanh Quang làm chủ tàu) và tàu cá QNg 96697 (do ông Phạm Hữu Trọng làm chủ) cũng bị chế tài bằng cách không xem xét hỗ trợ, không cho vay vốn, không cấp bằng thuyền trưởng, giấy phép khai thác thủy sản...
Ngoài ra, trước khi tàu xuất bến, các đồn biên phòng yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không xâm phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản...
Đồng loạt vào cuộc
Nhiều địa phương khác cũng vào cuộc rất mạnh tay. Đơn cử tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 2-3, ông Trần Văn Cường - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh - cho biết cơ quan này đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để chấm dứt việc ngư dân trên địa bàn đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước bạn.
"Chương trình này được làm theo hướng dẫn của bộ và sẽ được trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để phê duyệt và thực hiện trong những ngày tới" - ông Cường cho biết.
Cũng theo ông Cường, từ tháng 10-2017 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chỉ thị yêu cầu các sở, ngành chức năng tập trung ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá trên địa bàn sang vùng biển nước ngoài đánh cá trái phép.
Theo đó, tàu cá vi phạm lần đầu sẽ bị tước quyền khai thác thủy sản từ 6-12 tháng. Những tàu cá tái phạm sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn hoạt động đánh bắt hải sản. Chủ tàu cá tái phạm cũng không được phép đóng tàu mới.
"Đặc biệt, tàu cá khai thác hải sản xa bờ có công suất máy chính từ 90 CV trở lên (kể cả tàu dịch vụ hậu cần thủy sản) đều bị buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình và khi hoạt động trên biển phải bật thiết bị thông tin liên lạc 24/24 giờ để cơ quan chức năng quản lý.
Những tàu chưa lắp thiết bị giám sát không được cấp và gia hạn giấy phép khai thác" - ông Cường khẳng định.
Ông QUẢNG TRỌNG THAO (phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang):
Buộc ngư dân phải tuân thủ luật
Đội tàu đánh bắt xa bờ của Kiên Giang khoảng 6.000 chiếc và phần lớn sản phẩm đánh bắt đều bán lại cho các đầu nậu nhưng chỉ 1/3 số hải sản này được đưa vào chế biến xuất khẩu.
Chúng tôi đang làm mọi cách để ngư dân tuân thủ quy định về vùng khai thác, kích cỡ mắt lưới và phương pháp đánh bắt hải sản để đảm bảo khai thác nguồn lợi bền vững, hợp với quy định.
Trong đó, việc tuân thủ không xâm phạm vùng biển các nước lân cận là yêu cầu bắt buộc.
Với nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, dù sử dụng nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu đều phải chứng minh nguồn gốc rõ ràng với đối tác nước ngoài.
K.NAM
Đoàn cấp cao sang EU gỡ "thẻ vàng"
Ông Hà Công Tuấn - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết thời gian qua đã triển khai nhiều biện pháp để EU gỡ "thẻ vàng" từ tháng 4-2018, tức 6 tháng kể từ khi EU phạt thẻ vàng với hải sản nhập khẩu từ VN (nếu tháng 4-2018 VN không đáp ứng, EU có thể áp thẻ đỏ, xuất khẩu hải sản của VN sẽ đối mặt khó khăn rất lớn - PV).
"Chúng tôi cũng đã làm việc với Thái Lan và Campuchia xem các nước đã vận động gỡ bỏ "thẻ vàng" như thế nào. Đã có những đoàn cấp cao VN sang làm việc với EU và tới đây có thể có thêm các đoàn cấp cao" - ông Tuấn cho biết.
L.ANH
Cam kết mua hải sản nguồn gốc hợp pháp
Theo ông Trần Văn Cường - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu trên địa bàn đã cam kết chỉ mua hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chưa kể các doanh nghiệp đã chủ động việc này từ trước khi EU rút "thẻ vàng" với ngành thủy sản VN.
Ông Lê Văn Kháng (chủ tịch HĐQT Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Côn Đảo - Coimex) khẳng định từ trước khi ngành đánh bắt hải sản VN bị EU phạt "thẻ vàng", doanh nghiệp này đã thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản, với mục tiêu quan trọng hàng đầu là nhằm bảo vệ thương hiệu của chính doanh nghiệp.
ĐÔNG HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận