Gaza đang bị bóp nghẹt
Gia đình anh Abusada đã sơ tán khỏi thành phố Gaza hôm 13-10 và đi về phía nam Dải Gaza, hướng tới khu vực biên giới với Ai Cập vì lo sợ Israel có thể đổ bộ vào vùng này. Nhưng bây giờ họ dần cảm nhận nỗi sợ hết thức ăn và nước uống.
Trước đó hôm 16-10, anh Mkhaimar Abusada (58 tuổi) đã chia sẻ hàng chục chai nước nửa lít với khoảng 50 thành viên trong gia đình và cả bạn bè, báo Wall Street Journal đưa tin ngày 17-10.
Gia đình Abusada là một trong số hơn nửa triệu người Palestine đã rời miền bắc Dải Gaza sau khi Israel thông báo cho người dân ở khu vực đông dân nhất lãnh thổ này di tản về phía nam, trước nguy cơ Israel tiến hành một cuộc đổ bộ vào Gaza.
Theo báo Wall Street Journal, mặc dù những người dân Gaza có thể tránh xa nguy cơ bị tổn thương từ các đợt giao tranh nhưng những gia đình này cũng tiết lộ điều kiện sống ở miền nam đang trở nên cực kỳ tồi tệ.
"Gaza đang bị bóp nghẹt", ông Philippe Lazzarini, người phụ trách Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA), cho biết trong một bài phát biểu hôm 15-10 tại khu vực Đông Jerusalem.
"Nơi này chẳng có một giọt nước nào, không có lấy một hạt lúa mì, không một ít nhiên liệu nào được phép đưa đến Dải Gaza trong tám ngày qua", ông Lazzarini nói thêm.
Điều kiện sống đầy thiếu thốn
Tại hầu hết cơ sở tị nạn, các đường dây điện bị đứt và nguồn nước sinh hoạt thì đang cạn dần. Nhận thấy hàng trăm ngàn người chen chúc ở miền nam, một số người thậm chí còn mang theo nước từ nhà ở miền bắc Gaza.
"Điều kiện vệ sinh ở đây thật kinh khủng, chúng tôi đã báo cáo lên trung tâm hậu cần về nơi mà hàng trăm người chỉ có thể dùng chung một nhà vệ sinh", một báo cáo của UNRWA ghi nhận.
Đoạn đường từ miền bắc đến miền nam Dải Gaza chỉ dài khoảng 6km nhưng những trận giao tranh trong hơn một tuần qua đã khiến đường sá bị hư hỏng, đất đá ngổn ngang, không có điện và nguy cơ tiếp tục bị pháo kích khiến việc đi đến miền nam Gaza càng khó khăn hơn.
Những ngày gần đây, các gia đình ở Gaza đã phải trả tới 1.000 shekel (khoảng 250 USD) cho một chuyến taxi để di tản xuống miền nam, nếu họ may mắn có thể tìm được tài xế.
Trong khi đó, một số người chọn đi bộ, đi theo xe tải hoặc thậm chí là đi xe lừa kéo.
Mặt khác, hàng nghìn người trong số đó có hộ chiếu nước ngoài đang hy vọng có thể rời khỏi vùng này để sang Ai Cập, nơi duy nhất có chung đường biên giới với Dải Gaza dành cho người dân thường mà Israel không kiểm soát.
Không ít người chọn trở về nhà
Bà Maha Hosseini nói với Đài Al Jazeera từ thị trấn Zawayda, miền trung Gaza rằng ba gia đình khác ở cùng nhà với bà đã quay trở về miền bắc Gaza.
"Tôi đang ở trong một căn nhà với 70 người khác", bà Hosseini kể. Người phụ nữ này cũng cho biết thêm họ chỉ có một nguồn cung cấp nước hạn chế và chỉ có thể sử dụng điện một giờ đồng hồ mỗi ngày.
"Nỗi sợ lớn nhất của chúng tôi là hết nước. Khi bọn trẻ xin nước, chúng tôi chỉ có thể cho chúng đúng một ngụm", bà Hosseini nói thêm.
"Ba gia đình trong số những người ở chung với tôi đã trở về nhà hôm 16-10, bởi khu vực mà họ đang trú ẩn được phía Israel gọi là nơi an toàn nhất nhưng những cuộc không kích vẫn diễn ra xung quanh ngôi nhà", bà Hosseini nói.
Theo chị Amal, một số gia đình nhận thấy điều kiện sống ở thành phố Dier al-Balah, miền trung Gaza "không đảm bảo vệ sinh, không có chỗ ngủ, không có điện, không có nước, không thể sinh sống" và điều này đã thúc giục họ quay trở về nhà ở miền bắc Gaza.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận