Ông Nguyễn Chí Trường - Ảnh: CTV
Ngày mai 14-8, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) sẽ làm lễ xuất quân đoàn Việt Nam dự Kỳ thi tay nghề thế giới 2019 diễn ra tại Nga. Đoàn Việt Nam sẽ tham dự với 18 nghề.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Chí Trường - vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), đại biểu kỹ thuật của Việt Nam tại kỳ thi - cho biết kỳ thi năm nay nhiều doanh nghiệp đưa ra những nghề của lương lai như kỹ năng trong nhà máy kỹ thuật số, trang trại thông minh, công nghệ lượng tử, điều khiển thiết bị bay không người lái, kết nối vạn vật, giải pháp dựa vào blockchains…
Thí sinh Nguyễn Xuân Lực - học sinh lớp công nghệ sơn ôtô K03 khoa công nghệ ôtô Trường trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội - chuẩn bị cho kỳ thi tay nghề thế giới 2019 - Ảnh: VŨ MẠNH HIẾU
* Trong 18 nghề đoàn Việt Nam dự thi năm nay, ngoài những nghề công nghệ cao còn có những nghề rất truyền thống. Điều này có mang đến thông điệp nào không, thưa ông?
- Đó là phải phát triển đồng bộ kỹ năng nghề công nghệ cao và nghề truyền thống. Có những nghề truyền thống vẫn cần được phổ biến vì sát sườn với nền công nghiệp và đời sống việc làm hằng ngày của người dân.
Chẳng hạn nghề xây gạch. Chúng ta gặp nghề này ở khắp nơi từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến khu công nghệ cao đều cần xây dựng. Cũng đừng nghĩ xây gạch đơn giản vì nó liên quan đến an toàn và chất lượng công trình xây dựng.
Ngoài xây dựng còn có ốp tường và sàn, nghề mộc (dân dụng, mỹ nghệ, dựng khung nhà)… Những nghề này vẫn phổ biến và các nước phát triển như Mỹ, Anh, Thụy Điển… vẫn tham gia dự thi.
TS Trương Anh Dũng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thứ hai từ phải qua) - kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tay nghề thế giới tại Trường CĐ Cơ điện Hà Nội - Ảnh: K.H.H.
* Qua các kỳ thi, ông đánh giá thế nào về thí sinh nước ta so với các nước?
- Bảy lần đưa đoàn đi thi kỹ năng nghề thế giới và cũng bảy lần với ASEAN với tư cách đại biểu kỹ thuật của Việt Nam, tôi thấy thí sinh Việt Nam về kỹ năng và sự khéo léo không thua bất kỳ quốc gia nào.
Tuy nhiên, thi tay nghề thế giới ngoài kỹ năng nghề xuất sắc, cần có kỹ năng bổ trợ thiết yếu khác nữa như ngoại ngữ, kỹ năng mềm, sức khỏe, tâm lý, bản lĩnh kỳ thi và khả năng thích nghi. Chẳng hạn đề thi là một dự án với khối lượng công việc cực lớn với độ khó, độ phức tạp cao đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng tổ chức, lập kế hoạch, phối hợp, xác định và giải quyết vấn đề, xử lý tình huống…
Đó là chưa kể khi thí sinh phải di chuyển hàng chục ngàn cây số, chịu ảnh hưởng do thay đổi múi giờ, khí hậu, thức ăn và đặc biệt là thi công bài thi trong điều kiện áp lực do khách rất đông là các học sinh, sinh viên, các nhà quan sát và người dân vào tham quan theo dõi, cùng sự giám sát gắt gao của chuyên gia.
Thí sinh phải đủ sức khỏe, bản lĩnh mới vượt qua những áp lực này. Có những năm thí sinh chúng ta tưởng đã có huy chương nhưng lại hụt hơi về cuối.
Tóm lại, nhược điểm cơ bản của thí sinh Việt Nam vẫn là khả năng dứt điểm để xuất sắc vươn tới đỉnh cao, mà trở ngại chính là ngoại ngữ, kỹ năng bổ trợ, thể lực và bản lĩnh vượt qua những áp lực.
* Nếu một bạn trẻ mong muốn được dự thi kỹ năng nghề thế giới, bạn ấy cần phải làm gì, thưa ông?
- Đầu tiên bạn hãy chọn học nghề yêu thích và nỗ lực mỗi ngày để đạt được mong ước của mình. Ngoài ra, hàng năm chúng tôi công bố danh sách các nghề sẽ thi quốc gia, ASEAN và thế giới. Ở địa phương, quốc gia và ASEAN, cứ hai năm một lần vào các năm chẵn sẽ tổ chức thi kỹ năng nghề. Năm chẵn sẽ tổ chức thi tay nghề thế giới.
Kỳ thi sẽ thông báo rộng rãi đến các trường, các Bộ ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp cũng như các phương tiện truyền thông. Bạn hãy phấn đấu để trở thành thành viên trong đội tuyển của trường, rồi đến Bộ, ngành, địa phương rồi đến quốc gia. Việc chọn thi quốc gia sẽ rất cạnh tranh vì mỗi Bộ, ngành, địa phương cấp tỉnh, thành phố trung ương chỉ cử 1-2 thí sinh tham gia.
Hiện nay, đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi kỹ năng nghề thế giới có những nghề từ ngân sách nhà nước và nghề do nhà trường, doanh nghiệp hỗ trợ. Với nghề từ ngân sách nhà nước, chúng tôi chọn thí sinh xuất sắc nhất từ cuộc thi tay nghề quốc gia và ASEAN. Còn với nghề do nhà trường, doanh nghiệp hỗ trợ chi phí, chúng tôi sẽ phối hợp với nhà trường, doanh nghiệp tuyển chọn thí sinh. Thí sinh được chọn sẽ có chuyên gia huấn luyện trước khi tham dự kỳ thi.
Năm 2019 Việt Nam dự thi ở 18 nghề
Thi kỹ năng nghề thế giới đã diễn ra hơn 70 năm (1946), nước ta tham gia từ năm 2007. Kỳ thi nhằm phát triển, công nhận kỹ năng cho người lao động và chỉ ra kỹ năng quan trọng như thế nào đối với thành tựu tăng trưởng kinh tế và thành công cá nhân.
Kỳ thi là sân chơi lớn của không chỉ của lao động trẻ có kỹ năng nghề đỉnh cao, các mô hình đào tạo mới, hiệu quả từ các nhà trường mà còn là nơi trình diễn công nghệ mới, tiên tiến của doanh nghiệp. Năm nay, doanh nghiệp tham gia vào kỳ thi sâu hơn bao gồm việc ra đề thi, quản lý, giám sát và cả chấm, đánh giá bài thi...
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, kỳ thi kỹ năng nghề thế giới 2019, đoàn Việt Nam dự thi 18 nghề bao gồm: điện tử, điện lạnh, lắp đặt điện, xây gạch, ốp lát tường và sàn, thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD, cơ điện tử, phay CNC, công nghệ nước, sơn ôtô, kỹ thuật khuôn đúc nhựa, khuôn mẫu, gia công kim loại tấm, công nghệ web, hàn, giải pháp phần mềm CNTT, lắp cáp mạng thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận