25/05/2018 13:10 GMT+7

Nhiều cung bậc cảm xúc sau khi ông Trump hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Lúng túng, ngưỡng mộ hay quan ngại…là những từ có thể diễn tả cảm giác của các nước và các chính trị gia vào lúc này đối với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra ngày 12-6.

Nhiều cung bậc cảm xúc sau khi ông Trump hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 1.

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) về việc hủy cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore vào ngày 12-6 tới đã khiến giới quan sát bất ngờ - Ảnh: AFP

Ngày 24-5, Nhà Trắng đã phát đi thông báo cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Kim Jong Un vào ngày 12-6 tới. Trong công văn gửi tới Bình Nhưỡng, ông Trump nói thẳng việc bỏ cuộc gặp này xuất phát từ "sự giận dữ và thái độ thù địch" của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo các nước cũng như các chính trị gia Mỹ đã đưa ra phản ứng nhiều chiều đối với quyết định của ông Trump, từ việc gọi đây là một động thái tuyệt vời cho đến một thất bại có thể đoán trước.

Phản ứng quốc tế

"Tôi vô cùng bối rối và lấy làm tiếc khi thượng đỉnh Mỹ-Triều không được tổ chức vào ngày 12-6" - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In phát biểu trong sự ngỡ ngàng sau quyết định của ông Trump.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Xanh Kim Eui Kyeom cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực để hiểu được ý định của Tổng thống Trump và thông điệp chính xác của nó là gì".

Các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng đồng loạt đưa ra phản ứng sau quyết định bất ngờ của Mỹ.

"Chúng tôi thất vọng vì cuộc gặp không còn diễn ra như kế hoạch. Chúng tôi cần chứng kiến một thỏa thuận có thể giúp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hoàn toàn, có khả năng kiểm chứng và không thể đảo ngược. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác của chúng tôi để làm tới cùng" - Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố.

Nhiều cung bậc cảm xúc sau khi ông Trump hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 2.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về động thái của ông Trump - Ảnh: REUTERS

Ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) phát biểu: "Việc ông Trump hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều chắc chắn là một cú đòn đau nghiêm trọng đối với việc dàn xếp hòa bình trong khu vực".

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bày tỏ: "Tôi quan ngại sâu sắc về việc hủy cuộc gặp đã lên kế hoạch giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên ở Singapore… (Bình Nhưỡng và Washington phải) tìm cho ra một con đường hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình và có thể kiểm chứng".

Phe Cộng hòa

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đánh giá việc ông Trump hủy thượng đỉnh là một quyết định đúng đắn và Mỹ cùng các đồng minh cần tiếp tục phối hợp hướng tới một giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, theo ông, điều này yêu cầu sự nghiêm túc ở mức độ cao hơn từ phía Triều Tiên.

Thượng nghị sĩ Ben Sasse của bang Nebraska bình luận: "Ông Kim Jong Un là một người quen thói nói dối. Tổng thống đã đưa ra quyết định đúng đắn khi hủy thượng đỉnh. Nếu Triều Tiên muốn ngoại giao, nước này cần hiểu rằng biện pháp nửa vời và sự vòng vo về chương trình hạt nhân của họ sẽ không đủ điều kiện để hợp tác".

Thượng nghị sĩ bang Texas John Cornyn nhận định: "Điều đáng ngạc nhiên nhất là hai bên trước tiên đã có một thỏa thuận gặp mặt. Tôi luôn cho rằng đây sẽ là một quá trình đàm phán dài và khó khăn. Và quyết định của ông Trump là minh chứng đầu tiên cho điều đó".

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: "Trong nhiều ngày qua, chúng tôi đã nỗ lực thực hiện những gì mà Chủ tịch Kim Jong Un và tôi đã nhất trí, theo đó cho đội đại diện của hai bên cùng làm việc để bắt đầu chuẩn bị cho thượng đỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi đã không nhận phản hồi nào từ họ đối với yêu cầu của chúng tôi. Còn đội đại diện của Mỹ thì đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp này".

Nhiều cung bậc cảm xúc sau khi ông Trump hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 3.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) bắt tay với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp ở Bình Nhưỡng - Ảnh: REUTERS

Phe Dân Chủ

Thượng nghị sĩ Bob Menendez đến từ bang New Jersey nhận định: "Nghệ thuật ngoại giao khó hơn nhiều so với nghệ thuật đàm phán".

Lãnh đạo Đảng Dân chủ, bà Nancy Pelosi thì lại cho rằng: "Tôi cho rằng Kim Jong Un là người thắng cuộc. Khi ông ấy nhận lá thư từ Tổng thống Trump nói rằng 'Được rồi, không sao cả!', ông ấy hẳn đã cười rộ lên… Rõ ràng ông Trump đã không biết những gì ông Kim cần".

Nghị sĩ Adam Schiff, đại diện bang California, đánh giá: "Thật đáng tiếc khi chúng ta quay lại chuyện đánh giá kho vũ khí hạt nhân của chúng ta, nhưng quyết định hủy thượng đỉnh là kết quả tất yếu của một chiến lược đàm phán nghèo nàn, trong đó Tổng thống đã làm rõ với Triều Tiên rằng ông cần cuộc thượng đỉnh này hơn nhà lãnh đạo Triều Tiên cần".

Giới quan sát đánh giá sau quyết định của ông Trump, tình hình trên bán đảo Triều Tiên diễn biến thế nào trong những ngày tới sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách Triều Tiên phản ứng. Bình Nhưỡng hiện tại cho thấy một thái độ "thân thiện" sau quyết định của Trump, khi tuyên bố "chúng tôi để ngỏ khả năng giải quyết vấn đề với Mỹ vào bất cứ thời điểm nào và bằng bất kỳ cách nào".

"Nếu Triều Tiên muốn, đây có thể là cái cớ để nước này rút lại một số lời hứa mà họ đã đưa ra. Có thể sẽ có tác động lâu dài, tùy thuộc vào việc Triều Tiên muốn chơi tiếp như thế nào" - nhà báo Ben Tracy của Đài CBS News (Mỹ), người đang có mặt ở Triều Tiên để xem vụ phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri, bình luận.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên