Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn khiến người khác bất ngờ - Ảnh: REUTERS
Phản ứng đầu tiên của gần như tất cả những người nghe tin Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là bất ngờ. Sự ngạc nhiên đó, không ngạc nhiên khi đẩy người ta đến chuyện tìm câu trả lời.
Chưa có một cuộc khảo sát chính thức nào được tiến hành sau quyết định đưa ra vào sáng 24-5 (giờ Mỹ) của ông Trump.
Mà thật ra, cho dù có đi hỏi lỗi thuộc về ai trong chuyện thượng đỉnh bị hủy, người ta cũng chỉ hỏi những người muốn hỏi và đọng lại những điều muốn nghe - vốn đã có sẵn trong đầu từ trước. Nói ngắn gọn, đó gọi là thiên kiến.
Cái thiên kiến đó tất nhiên sẽ dẫn tới chuyện hoặc "tại anh", hoặc "tại ả", hoặc "tại cả đôi bên".
Canh bạc của ông Trump
Không thể phủ nhận việc Tổng thống Trump đã có cách tiếp cận hoàn toàn mới với Triều Tiên. Khi ông ta chỉ trích các chính quyền tiền nhiệm đã thất bại trong vấn đề Triều Tiên, ông Trump đã hoàn toàn đúng.
Không phải vì tổng thống Trump có các phát ngôn gây sốc, đầy bốc đồng mà người khác có quyền xem nhẹ các nỗ lực và tính toán của ông.
Lần duy nhất ông Trump xuất hiện trong phòng họp báo của Nhà Trắng là vào ngày 8-3-2018. "Hàn Quốc sắp sửa có một tuyên bố lớn vào 7h ngày hôm nay", ông Trump ghé đầu vào phòng qua cánh cửa mở hờ một nửa. Phó Tổng thống Mike Pence đứng im lặng đằng sau.
"Nhưng là về chuyện gì?" - một phóng viên hỏi.
"Về vấn đề lớn nhất" - ông Trump trả lời, sự cau có từ từ chuyển thành nụ cười khi từng chữ được buông ra: "Triều Tiên".
Trong vòng một vài tiếng sau đó, cũng tại căn phòng đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders tuyên bố Tổng thống Mỹ chấp nhận lời mời tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên.
Khi thời gian dần trôi về mốc 12-6, Tổng thống Trump đứng trước cơ hội lịch sử mà chưa một tổng thống đương nhiệm nào của Mỹ làm được trong 65 năm: gặp đương kim lãnh đạo Triều Tiên.
Nhiều người tin rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ là "trục trặc nhỏ trong quá trình lớn" và sẽ sớm được tổ chức vào thời điểm khác - Ảnh: REUTERS
Việc ông Trump đồng ý gặp ông Kim Jong Un đã khiến vấn đề Triều Tiên đặc biệt nóng trong vòng 2 tháng gần đây. Thực tế, đây là hệ quả của một quá trình mà khi gom lại, người ta nhận thấy nó y như cách ông Trump mua một miếng đất có giá.
Miếng đất đó, ở đây nên được hiểu là "kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên" và nếu chiến lược mua đất thành công cũng đồng nghĩa ông Kim Jong Un sẽ từ bỏ tất cả để đổi lấy sự giàu có.
Vậy nên ông Trump bắt đầu bằng những đe dọa kiểu như "lửa và cuồng nộ", gây áp lực tối đa về kinh tế rồi chuyển sang gây bất ngờ bằng các sáng kiến và cuối cùng dành những lời dịu ngọt để xoa dịu nhà lãnh đạo Triều Tiên.
"Ông ta sẽ an toàn. Ông ta sẽ hạnh phúc. Đất nước của ông ta sẽ giàu có", tổng thống Trump từng nói trong cuộc họp báo ngày 22-5. Triều Tiên cần tiền, các khoản đầu tư và công nghệ - đó là điều chắc chắn, nhưng chưa đủ.
"Đối với Triều Tiên, giàu có chỉ đứng vị trí thứ hai trong các cân nhắc", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry, một trong những người cuối cùng đàm phán với Triều Tiên về các hiệp ước hòa bình, giải trừ hạt nhân và tên lửa năm 1999, nhận định.
"Với những gì tôi học được từ việc đàm phán với họ, an ninh mới là ưu tiên tối thượng. Họ biết nước Mỹ có đủ khả năng đánh bại họ và họ luôn tin rằng chúng ta có ý định đó", ông Perry viết trên New York Times.
Vậy nên, dù luôn khẳng định ông Kim Jong Un sẽ an toàn, chế độ của ông sẽ không bị lật đổ, việc thiếu đi các bước đi thực tế chứng minh đã khiến những cam kết của ông Trump trở thành sáo rỗng.
Một số người tin rằng tổng thống Trump đã bắt đầu quay trở lại bước đầu tiên trong quá trình "mua đất" khi tuyên bố Mỹ có kho hạt nhân lớn hơn Triều Tiên nhưng không mong sẽ sử dụng đến nó.
Hủy một cuộc gặp không có kết quả gì còn hơn để một cuộc gặp không có kết quả diễn ra
Chuyên gia Whit Ayres nói với hãng tin Reuters
Moon Jae In - nhân tố không ngờ tới
Vai trò ngày càng lớn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong các cuộc đối thoại Mỹ - Triều là điều ai cũng thấy. Điều này có thể xuất phát từ chính quyết tâm của ông ấy: dân tộc Triều Tiên phải dẫn dắt các vấn đề liên quan tới bán đảo Triều Tiên.
Thực tế, những bước đầu tiên trong chiến lược "mua đất" của ông Trump đã giúp ông Moon có đất diễn. Lo sợ những lời đe dọa có thể trở thành một cuộc chiến thật sự trên bán đảo Triều Tiên, tổng thống Hàn Quốc như con thoi trong các nỗ lực trung gian hòa giải giữa các bên.
Nói như báo New York Times, vai trò nổi lên của ông Moon trong thương vụ "mua đất" này là một bất ngờ với ông Trump.
Tổng thống Moon rốt cuộc đã có chỗ đứng trong vụ lần này. Giờ là lúc xem tài ngoại giao kiến tạo hòa bình của ông.
Triều Tiên "mềm nắn, rắn buông"
Triều Tiên xem vũ khí hạt nhân là "bảo kiếm hộ quốc" - Ảnh: AFP
Vài giờ sau tuyên bố hủy thượng đỉnh của ông Trump, Triều Tiên phát đi thông báo cho biết vẫn cho tổng thống Mỹ "thời gian và cơ hội" để cân nhắc lại quyết định, nhấn mạnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un đặc biệt trông chờ vào cuộc gặp.
"Quyết định đơn phương hủy cuộc gặp là ngoài mong đợi và rất đáng tiếc", Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan nêu quan điểm trong tuyên bố được phát đi bởi Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA).
"Nhưng chúng tôi vẫn sẽ không thay đổi thiện chí trong việc làm tất cả những gì có thể vì hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như nhân loại. Và với tinh thần cởi mở, phóng khoáng, chúng tôi sẵn sàng cho nước Mỹ thêm thời gian và cơ hội", tuyên bố có đoạn nêu rõ.
Thái độ của Bình Nhưỡng đã thay đổi chóng vánh chưa đầy 24 tiếng. Những từ ngữ thận trọng với thái độ dịu giọng đã thay cho các câu từ chỉ trích phó tổng thống Mỹ và đe dọa chiến tranh hạt nhân với Washington.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên giãi bày "sự giận giữ và thái độ thù địch rõ ràng" mà Tổng thống Mỹ nhắc trong thư gửi ông Kim Jong Un là cách Bình Nhưỡng phản đối yêu sách "đơn phương từ bỏ hạt nhân" của Washington.
"Triều Tiên sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện với Mỹ vào bất kỳ lúc nào, bằng bất kỳ hình thức nào, để giải quyết các vấn đề. Chủ tịch của chúng tôi vẫn đang chuẩn bị cho cuộc gặp đó, nói rằng nếu có gặp tổng thống Trump, đó sẽ là một khởi đầu tốt".
Mọi chuyện tới bước này xem ra lại quay về hai chữ an ninh. Nói như một nhà bình luận quốc tế, người Mỹ rốt cuộc nên học Trung Quốc chuyện đảm bảo an ninh cho Triều Tiên là như thế nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận