09/02/2020 22:25 GMT+7

Nhiều chợ biên giới Trung Quốc đóng đến hết tháng, hàng nông sản càng hẹp cửa

N.AN
N.AN

TTO - Bộ Công thương xác nhận các chợ biên giới tiếp tục đóng cửa và tạm dừng trao đổi hàng hóa cư dân biên giới đến cuối tháng 2.

Nhiều chợ biên giới Trung Quốc đóng đến hết tháng, hàng nông sản càng hẹp cửa - Ảnh 1.

Nhiều chợ biên giới tiếp tục đóng cửa đến hết tháng 2 - Ảnh: B.N.

Thông tin vừa được Bộ Công thương đưa ra. Cơ quan này nhận được thông tin từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết chính quyền tỉnh Quảng Tây đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới, và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, trước mắt là tới cuối tháng 2. 

Về phía chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), hiện chưa có thông tin chính thức nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, nhiều khả năng chính quyền tỉnh Vân Nam cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh thông tin nhiều xe container chở hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua hình thức chính ngạch và trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) bị ùn tắc do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Một số chủ hàng đã được vận động chuyển từ hình thức trao đổi cư dân biên giới, nhưng không ít thương lái vẫn cố gắng chờ các chợ biên giới mở cửa trở lại vào ngày 9 và 10-2. Nguyên nhân là do chuyển đổi sang hình thức chính ngạch khiến các chủ hàng mất thêm chi phí đóng thuế, trong khi hầu hết chưa có hợp đồng chính thức. 

Vì vậy, xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các chợ biên giới vẫn là phương thức xuất khẩu chủ yếu đối với một số chủng loại nông sản của nước ta, trong đó có thanh long và dưa hấu. 

Bộ Công thương nhận định quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới của chính quyền 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam dự kiến sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các loại nông sản này.

Hiện lượng thanh long và dưa hấu đưa lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân đã chậm lại đáng kể. Tính đến sáng 9-2, tại Lạng Sơn còn tồn 173 xe thanh long, tại tỉnh Lào Cai là 152 xe, không tăng nhiều so với cuối tháng 1-2020.

Bộ Công thương cho biết đã có văn bản đề nghị Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam giao thiệp với chính quyền 2 tỉnh để trao đổi các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc đóng cửa các chợ biên giới và dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới. 

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và dự kiến còn kéo dài của dịch bệnh, khả năng 2 bên có thể sớm đưa ra những biện pháp hữu hiệu là không nhiều, nên bộ này khuyến nghị với nông sản dựa vào hình thức này, các doanh nghiệp và người dân có biện pháp để điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các biện pháp để gia tăng sản lượng vào thời điểm này.

Với những diện tích chưa gieo trồng, kiến nghị xem xét chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn như khuyến nghị ngày 3-2 của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Với sản lượng đã hoặc sắp thu hoạch, tiếp tục hạn chế đưa hàng lên biên giới trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch; liên hệ với chủ hàng để đàm phán chuyển đổi sang hình thức chính ngạch, sẵn sàng thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc... 

Bộ Công thương cho biết sẽ chỉ đạo các phòng giấy phép của bộ tại các địa phương ưu tiên cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức chính ngạch. Đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường tìm kiếm thị trường mới. 

Bộ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là có kho lạnh, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh nông sản thông qua việc ưu tiên bảo quản các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa... 

Các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị... tiếp tục hỗ trợ nông dân tiêu thụ các loại nông sản đang gặp khó khăn như thanh long, dưa hấu.

TP.HCM TP.HCM 'mai mối' các chuỗi siêu thị thu mua thanh long miền Tây

TTO - Ngoài việc "mai mối" một số hệ thống cửa hàng đến với địa phương đang có thanh long tồn đọng nhiều, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM lưu ý việc xây dựng tiêu chuẩn trồng nông sản để tránh việc phải "giải cứu" lặp lại trong tương lai.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên