Thứ 7, ngày 25 tháng 6 năm 2022
Nhật muốn nhận thêm hộ lý người Việt
TTO - Nhật Bản đang cần rất nhiều hộ lý, điều dưỡng viên để chăm sóc người già, người bệnh tại các bệnh viện, cơ sở dưỡng lão với mức lương cao.

Hộ lý Nguyễn Thị Liên hỗ trợ người già ăn uống ở cơ sở chăm sóc người già Kofukai (tỉnh Yamanashi) - Ảnh: Đ.BÌNH
Hộ lý, điều dưỡng viên người Việt rất thân thiện, chăm chỉ, tận tình, trách nhiệm nên được lòng các cơ sở tiếp nhận của chúng tôi. Họ thông minh, học tiếng Nhật và nắm bắt công việc nhanh...
Ông Takahashi Naoto
Trên 1.100 hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam đã, đang làm việc tại Nhật. Con số này sẽ tăng trong những năm tới khi Nhật Bản đang có những chính sách "cởi mở" hơn để tiếp nhận lao động Việt Nam...
Nhu cầu rất lớn
"Lao động Việt Nam nói chung, nhất là các hộ lý, điều dưỡng viên người Việt rất thân thiện, chăm chỉ, tận tình, trách nhiệm nên được lòng các cơ sở tiếp nhận của chúng tôi. Nhật Bản đang trong quá trình già hóa dân số, lao động thiếu hụt nhiều nên lúc nào cũng có nhu cầu lao động ngoài nước. Chúng tôi rất thích lao động Việt Nam bởi họ thông minh, học tiếng Nhật và nắm bắt công việc nhanh..." - ông Takahashi Naoto, cán bộ của Chính phủ Nhật Bản phụ trách lao động nước ngoài tại tỉnh Yamanashi, trao đổi về Chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản (EPA).
Ông Itironu Oda, giám đốc Bệnh viện Đại học Y khoa tỉnh Saitama, cho biết ngày càng nhiều người bệnh từ Việt Nam sang cũng như cộng đồng người Việt tại Nhật tới khám, điều trị tại bệnh viện của ông nên việc có 10 hộ lý, điều dưỡng viên người Việt làm ở nơi này đã hỗ trợ tích cực cho bệnh viện.
"Các bạn trẻ Việt Nam rất cần cù, chịu khó học hỏi. Chúng tôi luôn có nhu cầu và mong được tiếp nhận nhiều hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam" - giám đốc bệnh viện nhấn mạnh.
Ông Vũ Hồng Nam, đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, vui mừng cho hay: "Tỉ lệ điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam thi đậu chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản sau một thời gian làm việc khá cao (đạt trên 90%), các điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản thi cũng chỉ 70% đạt, còn Indonesia hay Philippines khoảng 50%.
Năng lực vượt trội cộng với bản tính siêng năng, thân thiện... nên lao động của ta được các đối tác yêu quý, mong được tiếp nhận nhiều hơn. Chúng tôi cùng các cơ quan chức năng Nhật Bản - Việt Nam đang bàn thảo nhiều chương trình, tháo gỡ những vướng mắc, tăng thêm nhiều ưu đãi để có nhiều hơn lao động đến Nhật Bản làm việc".
Lương 35 - 52 triệu đồng/tháng
Nguyễn Thị Thu Hoài, cô gái nghèo quê biển Hoằng Hóa (Thanh Hóa), tham gia chương trình EPA khóa đầu tiên.
Sau 6 năm làm việc tại cơ sở chăm sóc người già Kofukai (tỉnh Yamanashi), từ hộ lý cô đã thi đậu chứng chỉ điều dưỡng viên. Ngoài ra Hoài cũng thi đậu chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch để có thể làm hướng dẫn viên, phiên dịch cho tỉnh.
Trong quá trình làm việc, Hoài và con trai của ông chủ tập đoàn Kofukai đã nảy sinh tình cảm và nên duyên vợ chồng. Hiện tại, họ cùng quản lý chuỗi 14 cơ sở chăm sóc người già tại Yamanashi và vùng lân cận.
Hoài kể năm 2012, khi cô tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên thì rất khó tìm kiếm việc làm. Đúng thời điểm đó, cô biết chính phủ hai nước mới có chương trình EPA, tuyển chọn, đào tạo điều dưỡng, hộ lý sang Nhật làm việc mà không mất một đồng chi phí nào nên cô đã nộp đơn ứng tuyển.
Sau một năm học tiếng Nhật tập trung tại Việt Nam, năm 2014 cô chính thức sang Nhật và làm hộ lý ở cơ sở chăm sóc người già Kofukai với mức lương 150.000 yen/tháng (khoảng 30 triệu đồng). Sau 3 năm làm hộ lý, Hoài thi đạt chứng chỉ điều dưỡng viên tỉnh Yamanashi và mức lương được tăng lên 260.000 yen/tháng.
"Nhà nghèo, bố mẹ chỉ làm nghề biển, nên tôi tích cóp, trừ chi tiêu để gửi về nhà 20 triệu đồng/tháng hỗ trợ gia đình. Về sau, tôi dồn lại vài ba tháng, nửa năm gửi một khoản 150 - 200 triệu. Giờ thì tôi quá ổn định. Không chỉ tôi, 22 bạn hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam làm trong các cơ sở của gia đình tôi cũng ổn định công việc, thu nhập. Tôi mong một ngày nào đó được về nước để mở cơ sở chăm sóc người già theo đúng mô hình Kofukai" - Thu Hoài tâm sự.
Trường hợp khác, Nguyễn Hồng Yến là một trong 22 người thi đạt chứng chỉ quốc gia Nhật Bản nghề điều dưỡng viên, hiện thu nhập thuộc loại cao nhất trong số các hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam tại Kofukai. Lương của cô ngang bằng lương của người Nhật làm cùng công việc, với mức 260.000 yen/tháng (chưa kể tiền làm thêm giờ).
"Trừ hết các chi phí, mỗi tháng tôi để ra được ít nhất 50 triệu. Tôi đã mua ôtô riêng để tiện đi lại ở Nhật, mơ ước tiếp theo sẽ có một ngôi nhà riêng để thoải mái tinh thần, an cư lạc nghiệp".
Chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản (EPA) là kết quả của Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản được ký kết từ năm 2012.
Sau khi được chọn, ứng viên được hỗ trợ chi phí đào tạo tiếng Nhật trong vòng 12 tháng (tại Việt Nam) cùng chi phí ăn ở, đi lại.
Sau thời gian làm việc tại Nhật, điều dưỡng viên và hộ lý người Việt tham gia các kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia. Nếu có chứng chỉ quốc gia Nhật Bản, ứng viên nhận mức lương bằng với mức lương người Nhật làm cùng công việc, có thể ở lại Nhật làm việc lâu dài (theo nhu cầu, nguyện vọng của lao động và cơ sở tiếp nhận lao động).
Mức lương của hộ lý, điều dưỡng viên tại Nhật (làm 8 tiếng/ngày) từ 28 - 30 triệu đồng/tháng.
Tìm hiểu thông tin tại trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn) hoặc Bộ Lao động - thương binh và xã hội (www.molisa.gov.vn).
-
TTO - Tối nay, 25-6, 41 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 tiếp tục tranh tài ở đêm chung kết của cuộc thi, diễn ra tại Trung tâm hội chợ triển lãm Sài Gòn - SECC, quận 7, TP.HCM. Tuổi Trẻ Online cập nhật.
-
TTO - Nói với hàng trăm nhà đầu tư có mặt tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 chiều 25-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắn nhủ nhà đầu tư an tâm trước diễn biến trồi sụt của thị trường chứng khoán thời gian qua và kêu gọi tiếp tục đầu tư.
-
TTO - Theo chính quyền Ukraine, đợt oanh tạc vào miền bắc nước này xuất phát từ nước láng giềng Belarus và diễn ra ngay trước thềm một cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Belarus ngày 25-6.
-
TTO - Tính từ 16h ngày 24-6 đến 16h ngày 25-6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 657 ca nhiễm mới trong nước (tăng 4 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 512 ca trong cộng đồng).
-
TTO - Ngày 25-6, Công an TP.HCM đã làm việc với 3 người là trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng là ông Huỳnh Công Tân, bà Lê Thị Thu Hà (Ha Lee), bà Nguyễn Thị Mai Nhi (Hoàng Nhi). Ông Tân, bà Nhi, bà Hà đang bị nhiều người tố giác, đề nghị khởi tố.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận