11/01/2023 19:49 GMT+7

Nhật Bản 'lao sâu' xuống 6.000m dưới biển để khai thác đất hiếm

Động thái của Nhật Bản nhằm cắt giảm sự phụ thuộc đến 60% đất hiếm vào Trung Quốc và có thể "tự cung tự cấp" vào cuối thập kỷ này.

Nhật Bản lao sâu xuống 6.000m dưới biển để khai thác đất hiếm - Ảnh 1.

Tàu nghiên cứu Hakurei - Ảnh: MITSUBISHI HEAVY INDUSTRIES

Trung Quốc đang thống trị việc sản xuất và khai thác đất hiếm. Nước này hiện cung ứng khoảng 85% đất hiếm cho toàn thế giới.

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố kim loại nặng, một số trong đó có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc sản xuất máy móc như động cơ xe điện (dysprosium), máy phát điện gió (neodymium) và các thiết bị điện tử khác. 

Chúng còn được sử dụng trong nam châm, pin, laser và nhiều sản phẩm với quy trình công nghiệp khác.

Nhật Bản hiện nhập khẩu khoảng 60% đất hiếm từ Trung Quốc, trong khi nước Nhật lại có sẵn đất hiếm với số lượng lớn dưới đáy biển - nếu có thể tiếp cận được.

Tháng 8 và 9-2022, dưới sự bảo trợ của "Chương trình xúc tiến đổi mới chiến lược liên bộ" của chính phủ, các kỹ sư hàng hải Nhật đã thành công trong việc bơm đất hiếm dưới đáy biển lên từ độ sâu gần 2.500m, ở vùng biển gần đảo Minami-Torishima.

Hiện hệ thống bơm đã được mở rộng đến độ sâu 6.000m, nơi tìm thấy những mỏ bùn lớn chứa đất hiếm. Việc bơm khai thác đất hiếm từ độ sâu này dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2024.

Chính phủ Nhật đã phân bổ 45 triệu USD cho dự án khai thác đất hiếm này. Cuối tháng 12-2022, chính phủ nước này cũng quyết định chỉ những tổ chức được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) cấp phép mới được khai thác đất hiếm trên lãnh thổ Nhật Bản.

Ngoài ra, Tổ chức An ninh kim loại và năng lượng Nhật Bản (JOGMEC) được phép đầu tư 75% vào các dự án khai thác đất hiếm.

Vào tháng 8-2020, JOGMEC thông báo họ lần đầu tiên thành công khi khai quật lớp vỏ đáy biển. Lớp này thường có bùn chứa coban và niken, nằm gần đảo Minami-Torishima.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ủy quyền cho đoàn thám hiểm sử dụng tàu nghiên cứu Hakurei và thiết bị khai quật đặc biệt để đi khai phá.

Vào năm 2018, phó giáo sư Yutaro Takaya của Đại học Waseda và các đồng nghiệp báo cáo họ đã tìm thấy mỏ đất hiếm gần đảo Minami-Torishima. Mỏ này có thể cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản trong hàng trăm năm.

Đảo Minami-Torishima, nằm cách Tokyo gần 1.900km về phía đông nam, là một khu vực có nhiều rạn san hô. Đây là lãnh thổ cực đông và xa xôi nhất của Nhật Bản với vùng đặc quyền kinh tế riêng.

Phương pháp mới sản xuất Phương pháp mới sản xuất 'nam châm vũ trụ', không cần đến đất hiếm

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một phương pháp mới tiềm năng để chế tạo nam châm hiệu suất cao được sử dụng trong tuabin gió và ô tô điện mà không cần đến đất hiếm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên