15/01/2022 07:29 GMT+7

Nhóm nghị sĩ Mỹ trình luật ngăn đất hiếm Trung Quốc len vào vũ khí Mỹ

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Dự luật được nhóm nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ yêu cầu các nhà thầu quốc phòng không sử dụng đất hiếm có nguồn gốc Trung Quốc. Động thái nhằm ngăn sự lệ thuộc vào Trung Quốc và hồi sinh ngành sản xuất đất hiếm của Mỹ.

Nhóm nghị sĩ Mỹ trình luật ngăn đất hiếm Trung Quốc len vào vũ khí Mỹ - Ảnh 1.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton - Ảnh chụp màn hình

Dự luật do thượng nghị sĩ Tom Cotton, một đảng viên Cộng hòa và Mark Kelly thuộc Đảng Dân chủ bảo trợ được đệ trình ngày 14-1 (giờ Mỹ).

Đây là động thái mới nhất trong chuỗi các dự luật - đạo luật mà các nghị sĩ Mỹ đã trình trong nỗ lực tăng cường nội lực trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Nếu được thông qua, đạo luật sẽ cấm các nhà thầu quốc phòng của quân đội Mỹ sử dụng đất hiếm Trung Quốc từ năm 2026.

Đại diện thương mại Mỹ sẽ được yêu cầu điều tra xem liệu Trung Quốc có đang thao túng thị trường đất hiếm và có cần các biện pháp trừng phạt thương mại hay không.

Theo Hãng tin Reuters, các nghị sĩ hiểu rõ lợi thế của họ trước các nhà thầu quốc phòng. Nếu đạo luật có hiệu lực và nhóm này bất tuân, họ sẽ không bán được bất cứ vũ khí gì cho Lầu Năm Góc nếu không làm rõ nguồn gốc đất hiếm.

"Dự luật lưỡng đảng của chúng tôi sẽ củng cố vị thế của Mỹ với tư cách là nước dẫn đầu toàn cầu về công nghệ bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các đối thủ như Trung Quốc về các nguyên tố đất hiếm", thượng nghị sĩ Kelly nêu lập luận.

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 kim loại, sau khi xử lý sẽ được sử dụng trong các thiết bị điện tử của xe điện, vũ khí và radar...

Mỹ là nơi khai sinh ngành công nghiệp này trong Thế chiến thứ II và cũng là nơi các nhà khoa học quân sự đã phát triển được loại nam châm đất hiếm ứng dụng đến tận ngày nay.

Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã từng bước chiếm ưu thế trong khai thác và sản xuất đất hiếm, trở thành nguồn cung lớn cho nhiều nước trên thế giới.

Điều này dẫn tới việc Bắc Kinh đã sử dụng đất hiếm như một công cụ gây sức ép và trừng phạt khi có căng thẳng, theo Reuters. Điển hình như lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 khi căng thẳng nổ ra vì tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông.

Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chưa đưa ra bình luận trước động thái của nhóm nghị sĩ Mỹ.

Chính quyền Trung Quốc muốn sáp nhập tạo Chính quyền Trung Quốc muốn sáp nhập tạo 'siêu' công ty đất hiếm

TTO - Bắc Kinh sẽ 'tái cơ cấu' 3 nhà khai thác đất hiếm để tạo ra một công ty thuộc sở hữu nhà nước duy nhất. Công ty này có thể chiếm khoảng 70% sản lượng nội địa của các loại đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong các sản phẩm công nghệ cao.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên