Phóng to |
Nhật muốn sở hữu loại máy bay trinh sát không người lái Global Hawk do Mỹ chế tạo - Ảnh: aurora.aero |
Ngày 9-1, Nhật tuyên bố sẽ chi thêm 2,1 tỉ USD để nâng cấp hệ thống tên lửa, máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng. Đây là một động thái nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trước mối đe dọa từ Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật cho biết đây là khoản chi quốc phòng thường lệ năm 2012-2013 và sẽ diễn ra trong vài tháng tới. “Chúng tôi sẽ cần 180,5 tỉ yen (2,063 tỉ USD) chi tiêu quân sự từ gói kích thích kinh tế. Một số trong số này sẽ dùng mua hệ thống tên lửa chống đạn đạo đất đối không PAC-3 và hiện đại hóa bốn máy bay chiến đấu F-15” - Bộ Quốc phòng Nhật khẳng định. Nhật cũng đang muốn mua ba máy bay trực thăng tuần tra SH-60K và thêm một khẩu đội tên lửa cho hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung.
Bộ Quốc phòng Nhật còn có kế hoạch sử dụng 60,5 tỉ yen (691 triệu USD) chuẩn bị việc thay đổi “môi trường an ninh quanh Nhật vốn đang trở nên khắc nghiệt, khi CHDCND Triều Tiên liên tục thử tên lửa và căng thẳng với Trung Quốc tiếp tục leo thang”.
Bắn cảnh cáo thay cho xua đuổi
Thủ tướng Nhật Bản Abe đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera tăng cường giám sát xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và “đáp trả kiên quyết”, sau khi các tàu hải giám Trung Quốc luẩn quẩn trong khu vực này hơn 13 giờ. Theo Kyodo News, Bộ Quốc phòng Nhật đã lên kế hoạch phối hợp với lực lượng tuần duyên tăng cường tuần tra trên biển và sẵn sàng triển khai máy bay chiến đấu ngăn chặn bất cứ máy bay nào xâm phạm không phận quần đảo này.
Theo báo Sankei, số máy bay của Trung Quốc ở gần lãnh thổ Nhật đã tăng kể từ khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lực lượng phòng không Nhật đang xem xét khả năng cho phép các máy bay chiến đấu của mình bắn cảnh báo khi máy bay Trung Quốc bay đến gần quần đảo này, thay vì chỉ đơn thuần ngăn chặn, xua đuổi như trước đây.
Cuộc đua UAV
Các nguồn tin quân sự cho biết Bắc Kinh đang khẩn cấp mở rộng chương trình phát triển máy bay không người lái (UAV) của mình. Trong khi đó Nhật đang chuẩn bị mua UAV Global Hawk của Mỹ. Cả hai nước đều tuyên bố sẽ sử dụng UAV tuần tra biển.
Nhật Báo Trung Quốc mới đây đưa tin quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ sớm thử nghiệm UAV đầu tiên do nước này tự sản xuất. “Những công nghệ chiến đấu quan trọng cũng sẽ được thử nghiệm” - báo này viết. Chuyên gia Andrei Chang, tổng biên tập tạp chí quốc phòng Đông Á Kanwa, nhận định Trung Quốc có thể phát triển nhiều UAV do thám đến tận đảo Guam, nơi Mỹ đóng quân. Theo báo Guardian, giới phân tích phỏng đoán UAV của Trung Quốc có thể được chế tạo dựa trên mẫu máy bay X-47B của Mỹ.
Thời Báo Hoàn Cầu cuối tháng 10-2012 cho biết Trung Quốc sẽ sử dụng UAV giám sát các vùng ven biển. Bắc Kinh sẽ nghiên cứu xây dựng căn cứ không quân tại hai thành phố duyên hải thuộc tỉnh Liêu Ninh. Theo báo này, các UAV sẽ giám sát, theo dõi tình trạng ô nhiễm và hoạt động trên biển Bột Hải và Hoàng Hải.
Trả lời Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, nhà nghiên cứu Đỗ Văn Long thuộc Học viện Khoa học quân sự của PLA khẳng định: “Ở những quần đảo tranh chấp như Senkaku/Điếu Ngư, chúng tôi chẳng thua kém ai về số lượng tàu tuần tra hay tần suất tuần tra. Vấn đề của chúng tôi nằm ở hệ thống trinh sát”.
Trong khi đó, Nhật đang cấp thiết cải thiện hệ thống trinh sát từ cuối năm 2012, sau khi phát hiện máy bay tuần tra Trung Quốc xâm nhập vùng trời Senkaku/Điếu Ngư. Ngày 1-1-2013, báo Yomiuri đưa tin Chính phủ Nhật sẽ sớm triển khai các máy bay trinh sát hiện đại Global Hawk của Mỹ đến hoạt động tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, muộn nhất là năm 2015.
Global Hawk được trang bị bộ cảm biến độ chính xác cao và rađa có thể theo dõi các tàu khả nghi hoặc thu thập thông tin tình báo. Tuy nhiên Global Hawk không có khả năng tấn công và chỉ chuyên hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát. Global Hawk được điều khiển từ xa có thể bay liên tục trong 30 giờ và đạt độ cao tối đa 18km.
Trả lời Hãng tin Kyodo, một quan chức quốc phòng Nhật Bản khẳng định việc điều động Global Hawk là biện pháp “đối phó với những hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc trên biển, đặc biệt là xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”.
Chuyên gia an ninh Ron Huisken thuộc Đại học Quốc gia Úc nhận định khả năng xảy ra một cuộc chạm trán giữa các UAV của Nhật và Trung Quốc trong những năm tới là “rất cao”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận