7-5-1954, tin chiến thắng vang động mặt trận Điện Biên Phủ, ngay cả các thương binh cũng quên vết thương của mình. Đại tá Cao Văn Khánh được phân công chỉ huy thu dọn chiến trường, bàn bạc với phía Pháp phương án trao trả thương binh, tù binh...
858 thương binh quân viễn chinh Pháp
Khánh viết thư cho người yêu: "Anh mới nhận một nhiệm vụ mới của Tổng Quân ủy giao, phụ trách giải quyết xong mọi việc trước khi về: Chỉ huy bộ đội phòng ngự Điện Biên Phủ; chỉ huy các bộ phận chuyên môn và cả tù binh phải vào làm việc trong Điện Biên (bộ phận chuyên môn như công binh, lái xe tăng, thợ nhà máy); trao trả 1.500 thương binh ở Điện Biên Phủ cho Pháp.
Công việc tuy nặng nhưng anh cũng cố làm hoàn bị trong thời gian ngắn, còn việc đi về của chúng ta hãy để lại sau. Không lâu đâu, khoảng một tháng là cùng".
Toản cất lá thư. Kế hoạch đưa người yêu về ra mắt mẹ như vậy là phải hoãn, nhưng không sao, chiến dịch đã chiến thắng rồi thì đợi thêm một tháng có là gì. Cô lại vùi mình vào công việc ở trạm quân y. Chiến thắng rồi, vết thương của bộ đội càng phải mau lành hơn.
Đại đoàn phó Cao Văn Khánh bận rộn hơn lúc nào hết. Đội điều trị 8 của Đại đoàn 308 nhận nhiệm vụ gấp ngày 8-5-1954 vào cứu chữa thương binh Pháp. Thật là một "địa ngục trần gian" trong các hầm cứu thương của quân Pháp đã bị bao vây nhiều ngày. Một bệnh viện dã chiến trên cánh đồng Mường Thanh được dựng lên.
Các y bác sĩ được tăng cường thêm một đại đội vận tải, hai đại đội dân công và sử dụng cả số nhân viên quân y Pháp còn lại để giúp săn sóc thương binh.
Sau hai ngày đêm, tất cả thương binh loại trung thương và trọng thương người Pháp, Bắc Phi đã được đưa lên khỏi hầm và chiến hào, tập trung dưới những chiếc dù dã chiến, được ăn nghỉ, được xử trí, săn sóc.
Các vết thương được cắt lọc, dẫn lưu, thoát mủ, cắt đoạn chi, mở dẫn lưu màng phổi, chống nhiễm khuẩn, chảy máu thứ phát... Những người mới hôm qua còn là đối thủ, đối địch, tìm cách tiêu diệt nhau xuyên qua các chiến hào nay đã đổi thành quan hệ bác sĩ - bệnh nhân.
Một thương binh Pháp cảm động nói với bác sĩ Trần Lưu Khôi: "Tôi được chăm sóc rồi tôi ngủ, trong khi các ông làm việc. Tỉnh dậy, tôi vẫn lại thấy các ông đang làm việc...". Trên chiến trường vừa tắt tiếng súng, các y bác sĩ đã làm tất cả trong khả năng của mình.
Báo Cứu Quốc ra ngày 18-5-1954 tường thuật: "12 giờ trưa ngày 13-5, một máy bay trực thăng của Pháp mang dấu hiệu Hồng thập tự chở viên bác sĩ Huy-a (Dr Huard), một số sĩ quan và nhân viên quân y người Pháp đã được phép hạ cánh xuống trường bay Điện Biên Phủ.
Đại đoàn phó Cao Văn Khánh, ủy viên quân sự trong Ủy ban giải phóng Điện Biên Phủ, cùng bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu được Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cử đến tiếp xúc.
Ông Khánh cho biết: "Căn cứ vào chính sách nhân đạo của Hồ Chủ tịch và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với tù binh và thương binh, quân đội nhân dân Việt Nam đã hết sức chăm nom cho các thương binh Pháp, Bắc Phi, lê dương ở Điện Biên Phủ trong điều kiện khó khăn của mặt trận và sẵn sàng thả những thương binh ấy.
Sau khi phía Việt Nam thông tri với Pháp về việc thả thương binh, bộ chỉ huy quân đội Pháp chưa có trả lời chính thức về việc này, ngay ông Huard cũng chưa có giấy ủy nhiệm chính thức về tư cách đại diện.
Tuy nhiên, để việc chuyên chở thương binh được nhanh chóng, Đại đoàn phó Cao Văn Khánh sẵn sàng trao đổi ngay về những cách thức cụ thể để thực hiện việc chuyên chở thương binh...
Bác sĩ Huard tỏ lời nhiệt liệt cảm ơn Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã vì nhân đạo mà hết sức chăm nom những thương binh quân đội Pháp, và còn cố gắng sửa chữa trường bay Điện Biên Phủ.
Bác sĩ Huard đề nghị hai điểm: 1. Vì tình hình sân bay, việc vận chuyển thương binh sẽ phải hoàn toàn dùng phi cơ trực thăng; 2. Bộ chỉ huy quân đội Pháp xin chính thức trả lời trên đài phát thanh".
Bản thỏa thuận đã được ký với 3 điều: 1. Thả thương binh làm ba đợt; 2. Mỗi ngày thả 80 - 100 người; 3. Pháp phải đình chỉ mọi hoạt động không quân từ Sơn La về Điện Biên Phủ trong thời gian này.
Mặc dù có rất nhiều khó khăn vì phía Pháp trì hoãn việc nhận thương binh, tìm cách tiếp tục uy hiếp quân sự, ném bom đường 41... nhằm lấy lại vị thế khi bước vào hội nghị Gèneve nhưng đại tá Cao Văn Khánh vẫn bằng mọi cách hoàn thành nhiệm vụ.
Ông cho sửa sân bay, gỡ mìn, để máy bay Hồng thập tự hạ cánh; kiên trì đưa thương binh Pháp đến chờ tiếp nhận, đồng thời cũng kiên quyết không cho Pháp được quyền chọn thương binh như họ đòi hỏi...
Báo Nhân Dân ngày 27-5-1954 công bố: "Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam giữ vững chính sách nhân đạo của chính phủ, tôn trọng những cam kết đã ký, qua ba đợt đã thả 858 tù thương binh quân viễn chinh Pháp, thuộc tổng cộng 21 quốc tịch Âu - Phi...".
Đó không phải là lần đầu Cao Văn Khánh chủ trì thả tù binh. Với các tù binh Pháp, ông còn có ấn tượng sâu đậm hơn từ trước đó nữa.
Đêm lửa trại sau Chiến dịch biên giới
Mùa thu đông 1950, Đại đoàn 308 đứng mũi chủ công chiến dịch quy mô lớn đầu tiên sau bốn năm kháng chiến - Chiến dịch biên giới - nhằm phá thế cô lập của chiến khu Việt Bắc.
Tròn một tháng, chiến dịch thành công, làm nên bản lề thay đổi cục diện cuộc kháng chiến: quân đội Việt Nam đã nắm được quyền chủ động chiến lược trên chiến trường Bắc Bộ.
Số tù binh và thương binh nặng của Pháp rất đông, Đại đoàn phó 308 Cao Văn Khánh được giao giải quyết vấn đề thương binh và thu dọn chiến trường. Ông thông báo với phía Pháp sẽ trao trả toàn bộ thương binh tại Thất Khê (Lạng Sơn).
Ông Phạm Y, trưởng trạm quân báo Thất Khê lúc đó, kể: "Ông Cao Văn Khánh bàn với Ban chính trị địch vận của Đại đoàn tổ chức một đêm lửa trại thật sôi nổi, hùng tráng để chào mừng chiến thắng và gây ấn tượng với tù thương binh Pháp trước khi trao trả. Tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị một đài lửa thật lớn, đảm bảo cháy được liên tục 4 - 5 giờ đồng hồ".
Đêm lửa trại ấy thật là kỳ lạ. Đống củi chất cao, lửa hồng rực sáng trong đêm mùa đông. Những người tham dự ngồi xung quanh thành hai vòng tròn đồng tâm: vòng trong là thương binh của ba cánh quân Pháp thất trận cùng với các vệ quốc đoàn và một ban nhạc, vòng ngoài là dân công tải thương và nhân dân địa phương.
Mọi người vừa sưởi lửa vừa đàn, vỗ tay và hát. Những bài hát cách mạng, những bài ca Tày, Nùng địa phương, rồi đến những bản nhạc Pháp, Áo, Đức, Phi nối tiếp nhau vang rộn cả núi rừng. Các tù binh bị thương nặng đang nằm ở nhà thương Thất Khê gần đó nghe âm vang cũng xin tham gia.
Anh chị em dân công bằng lòng khiêng cáng cho họ xuyên qua vòng người, đi vòng quanh đống lửa, hết lượt thương binh này đến lượt thương binh khác...
Một người tù binh bỗng hô to: "Viva Ho Chi Minh". Lan như sóng. Vang dậy là những tiếng hô "Viva Ho Chi Minh", "Hồ Chủ tịch muôn năm". Một anh lính ôm mỏm tay cụt nhổm lên trên cáng nghẹn ngào: "Tôi là người Đức bị Pháp bắt làm tù binh rồi đưa sang đây làm lính 5 năm rồi.
Nay lại bị bắt, nhưng người Việt Nam đối xử với tôi rất tốt. Tôi sẽ không bao giờ quên những ngày này và buổi tối hôm nay. Hôm nay chúng tôi bại trận nhưng khóc vì sung sướng...".
Trong cuộc trao trả tù binh của Đại đoàn 308, Ngọc Toản cũng có một nhiệm vụ. Cô thành thạo tiếng Pháp nên được giao đến trao đổi với nữ y tá Geneviève de Galard - nguyên là tiếp viên hàng không, nữ tù binh Pháp duy nhất.
Toản cho người đồng nghiệp phía đối phương biết Hội Phụ nữ Việt Nam đã đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh ân xá cho cô. Galard rất xúc động, và khi được Toản cho biết thêm rằng chỉ hai ngày nữa là đến ngày kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch, cô đã viết thư cảm ơn Cụ.
Sau này, Geneviève de Galard đã trở lại thăm Việt Nam, đã viết một cuốn sách với nhan đề Điện Biên Phủ 1954 và lời đề tặng: "Thân tặng bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản để kỷ niệm những ngày gian khó mà mỗi chúng ta đã trải qua ở Điện Biên Phủ, với tất cả lời cầu chúc chân thành cho Việt Nam".
----------------------
Nhiều năm sau, thư tướng Cao Văn Khánh vẫn bâng khuâng: "Em có nhớ lúc anh và em âu yếm bước vào chỉ huy sở De Castries để làm lễ không?".
Kỳ tới: Đám cưới trong hầm De Castries
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận