Du khách làm thủ tục xuất ngoại tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: NGỌC THƠ
Nhiều bạn đọc cho rằng để xảy ra tình trạng nhân viên sân bay vô cảm, trách nhiệm đầu tiên thuộc về những người quản lý. Vì thế, nếu nhận được phản ảnh nhân viên sân bay có thái độ không tốt, nên xử lý quản lý đơn vị.
Quản lý nhân viên kém?
Theo bạn đọc Hà Phú, đây không phải lần đầu dư luận phản ứng trước tình trạng nhân viên sân bay vô cảm. Tuy nhiên, những góp ý này được ai đọc, ai tiếp thu và ai sửa đổi mới là điều quan trọng.
Bởi nói chua chát như bạn đọc Đoàn Thế Hùng: "Những điều mà các bạn phản ảnh không phải là mới, thật ra những hành động không tế nhị, không thân thiện và thậm chí là bất lịch sự trong giao tiếp... đã tồn tại từ rất lâu rồi.
Không biết đã tốn bao nhiêu là giấy mực rồi mà có cải thiện được gì đâu. Có lẽ đó là nét đặc trưng, khuôn mẫu của nhân viên sân bay ở Việt Nam chăng?".
Bạn đọc tên Đức chỉ rõ: "An ninh sân bay có ứng xử kém chủ yếu là do yếu kém ở khâu quản lý, tuyển dụng và đào tạo, đi với đó là chế độ thưởng phạt. Thử cho hành khách chấm điểm hài lòng với từng người xem là biết ngay".
Đồng tình, bạn đọc Dương Đức Thọ viết: "Lãnh đạo ngành (hải quan, hàng không, ngoại giao...) có thấy bài báo và độc giả phản ánh đúng không? Nếu họ nói đúng (nhưng chưa đủ) thì hãy tiếp thu và chấn chỉnh. Đừng để thái độ, cung cách phục vụ như vậy trong thời đại này!".
Còn bạn đọc Vu đặt câu hỏi: "Mình muốn hỏi là ông tổng giám đốc của Tân Sơn Nhất làm sao để khắc phục, ông cũng biết và đã nhận thấy sự việc. Nên giải quyết liền vấn đề này vì nó rất xấu xí".
Đó cũng là mong muốn của bạn đọc có nick name Lukaku: "Mong các cán bộ lãnh đạo, người có trách nhiệm đọc được bài viết này và có biện pháp giải quyết triệt để".
Xử lý ngay để cải thiện tình hình
Kiểm tra an ninh trước khi hành khách lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Để trị dứt căn bệnh nhân viên sân bay mặt khi nào cũng khó đăm đăm, bạn đọc cho rằng phải xử lý cán bộ, lãnh đạo quản lý nếu nhân viên "mắc bệnh" này.
"Trách nhiệm thuộc về những người quản lý. Theo ý tôi, khi họp giao ban nên nhắc nhở nhân viên của mình thân thiện với hành khách. Có thang điểm thi đua, ai cao điểm có mức thưởng khích lệ tinh thần, ai không đạt yêu cầu trừ điểm thi đua hoặc chuyển sang bộ phận khác", bạn đọc đưa ra ý kiến.
Tương tự, bạn đọc Dung cũng cho rằng không có quản lý giám sát nhân viên trong giờ làm nên mới xảy ra tình trạng như hiện nay. Nhân viên không có áp lực khi làm sai nên chẳng quan tâm.
"Các bạn đang làm một công việc cũng rất bình thường như bao công việc khác nhưng các bạn nhân viên sân bay cứ nghĩ mình đang làm một công việc ghê gớm lắm nên có thái độ không vui vẻ, chuẩn mực.
Người ta không nói vì người ta muốn cho xong việc vì lâu lâu mới đi ra sân bay một lần. Nhân viên không được đào tạo tốt", bạn đọc Dung viết thêm.
Cùng hy vọng các cấp lãnh đạo sớm chỉnh đốn thái độ phục vụ của nhân viên sân bay, bạn đọc Linh Nguyễn bày tỏ: "Cảm ơn bài viết đã cảnh báo một thực trạng quá đúng.
Hy vọng các cấp quản lý của ngành hàng không và hải quan quan tâm, đề cao tinh thần phục vụ của nhân viên. Bởi suy cho cùng, nhân viên sân bay hay nhân viên hải quan làm việc tại sân bay cũng là đang làm việc trong ngành dịch vụ.
Ngành này cần lắm một thái độ thân thiện, vui vẻ chứ chắc chắn không có quy định riêng nào. Và khách hàng thì cả tây và ta đều có nhu cầu được phục vụ khi sử dụng dịch vụ.
Trong giá vé máy bay đã bao gồm chi phí cho tất cả các dịch vụ ấy. Vì vậy mong các bạn làm việc ở đây hiểu là khách hàng đang trả lương cho các bạn. Hãy nâng cao giá trị nghề nghiệp của mình bằng một nụ cười.
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì về vấn đề trên? Theo bạn, phải làm gì để nêu cao trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc trị dứt căn bệnh mặt nhân viên sân bay lúc nào cũng khó đăm đăm?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến phản hồi trong ngày qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận