19/01/2023 08:56 GMT+7

Nhân chứng Hoàng Sa kể chuyện với tổng biên tập báo Pháp

Tờ tạp chí Pháp ngữ Francophonie đã dành nhiều ngày ở Đà Nẵng để gặp các nhân chứng sự kiện Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Ông Lê Đình Rê được tổng biên tập của tờ tạp chí này mời gặp gỡ nhiều lần.

"Tôi đã trả lời với họ rằng người Pháp và cả người Mỹ đã từng ở Hoàng Sa, họ đều biết rằng quần đảo này thuộc về Việt Nam và sẽ mãi mãi không thuộc về Trung Quốc" - ông Rê nói.

Nhân chứng Hoàng Sa kể chuyện với tổng biên tập báo Pháp - Ảnh 1.

Ông Lê Đình Rê xuất hiện trên tờ tạp chí Pháp ngữ Francophonie nói về vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Lên báo tiếng Pháp

Bước vào tuổi 80, ông Lê Đình Rê (trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn nhớ như in những sự kiện xảy ra trên vùng đảo thiêng liêng vào thời điểm này gần nửa thế kỷ trước. Cùng với nhiều nhân chứng từng sống, làm việc tại quần đảo Hoàng Sa, ông Rê trực tiếp có mặt trong sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa ngày 19-1-1974.

Lần giở từng trang báo tiếng Pháp, ông Lê Đình Rê giới thiệu những tấm hình vào thời điểm ông làm nhiệm vụ trên các tàu ra Hoàng Sa. 

Vào năm 2016, tờ tạp chí Francophonie đã xuất bản số đặc biệt với các hình ảnh, bài viết, tham luận và các bài phỏng vấn liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Nổi bật trên trang bìa là hình ảnh chiến sĩ hải quân đứng gác bên bia chủ quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Trường Sa. Còn bên trong tờ tạp chí này tập hợp các bài viết, tham luận, các trả lời phỏng vấn của giới chuyên môn và các nhân chứng về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhân chứng Hoàng Sa kể chuyện với tổng biên tập báo Pháp - Ảnh 2.

Là nhân chứng Hoàng Sa, ông Lê Đình Rê thường xuyên đồng hành với UBND huyện Hoàng Sa trong các sự kiện đấu tranh bảo vệ chủ quyền - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Ông Rê kể vào thời điểm ấy, tổng biên tập tờ tạp chí này là Joseph Alakoe đã đến nhà ông cùng với một số phóng viên, thông dịch viên để lắng nghe câu chuyện mà ông chứng kiến ở Hoàng Sa năm 1974.

"Câu cuối cùng trước khi ông Joseph Alakoe ra về, ông hỏi tôi về cảm xúc và phản ứng khi biết tin quần đảo Hoàng Sa đã bị mất? Tôi nói mình là một người thuyền trưởng, là một người yêu nước nên đã vô vùng đau buồn khi biết điều đó. 

Người Pháp và cả người Mỹ đã từng ở Hoàng Sa, họ đều biết rằng quần đảo này thuộc về người Việt Nam và sẽ mãi mãi không thuộc về Trung Quốc" - ông Rê nói.

Ông Rê dẫn lại thời kỳ Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, một tấm bia đánh dấu sự có mặt của người Pháp ở Hoàng Sa cũng đã ghi rõ Hoàng Sa là của Việt Nam. Vì vậy chẳng có lý do gì để công lý không nghiêng về Việt Nam bởi người Việt đã có mặt ở đó, khai phá và xác lập chủ quyền liên tục trong hàng trăm năm.

Sau khi tờ tạp chí được xuất bản, tổng biên tập của Francophonie có gởi tặng ông Rê mấy cuốn để giữ làm kỷ niệm. Ông Rê đã sai người con út của mình dẫn đến các thầy cô Pháp ngữ ở Đà Nẵng để dịch thuật lại từng nội dung có liên quan đến Hoàng Sa trong cuốn tạp chí này.

Ông nói mình hài lòng nhất là khi Francophonie đã hiểu đúng những gì ông nói và đăng tải đúng phát biểu mà ông cần nhấn mạnh: "Đối với tôi, dù Trung Quốc mạnh như thế nào đi chăng nữa, quần đảo Hoàng Sa vẫn mãi mãi thuộc về người Việt chúng tôi, đất nước có chủ quyền về mặt lịch sử và pháp lý duy nhất ở Hoàng Sa".

Nhân chứng Hoàng Sa kể chuyện với tổng biên tập báo Pháp - Ảnh 3.

"Đối với tôi, dù Trung Quốc mạnh như thế nào đi chăng nữa, quần đảo Hoàng Sa vẫn mãi mãi thuộc về người Việt chúng tôi" - ông Rê trả lời báo Pháp - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Số phận kỳ lạ

Trong số những nhân chứng Hoàng Sa mà chúng tôi tiếp cận, có lẽ ông Lê Đình Rê là người có số phận đặc biệt nhất. Ông Rê sinh ra ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mẹ ông Rê là bà Trần Thị An, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 

Hai anh trai ông Rê đều là liệt sĩ hy sinh trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (năm 1952) và kháng chiến chống Mỹ (năm 1969). 

Cha ông và hai người chị đều theo cách mạng. Nhưng số phận lịch sử, khi đang là sinh viên ở Huế, ông Rê bị chế độ miền Nam bắt tham gia vào lực lượng hậu cần hải quân.

Thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, ông Rê là trung úy tàu quân vận QV 9708 tham gia cứu hộ người bị thương trong quá trình giữ đảo Hoàng Sa. 

Nhắc nhớ đến sự kiện Hoàng Sa ngày 19-1-1974, ông Rê nói đó là ký ức không thể nào quên. Bởi vào chiều 27 tháng chạp năm ấy, ông Rê đang cùng người vợ có bầu 5 tháng đi chợ Tết thì nhận lệnh ra Hoàng Sa cứu nạn. Ông Rê tức tốc lên tàu, mang luôn cả hàng Tết để dự phòng cho những tình huống bất trắc trên biển.

Nhân chứng Hoàng Sa kể chuyện với tổng biên tập báo Pháp - Ảnh 4.

Bước sang tuổi 80, ông Rê vẫn nặng lòng với những trang viết về Hoàng Sa - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đêm đó tàu QV 9708 bắt đầu ra khơi và chứng kiến tất cả hành động phi pháp của Trung Quốc khi cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay người Việt. 

Ông Rê nói mỗi khi có đoàn nhà báo quốc tế đến tìm hiểu thông tin, dù có mệt mấy đi nữa ông đều tranh thủ nói hết những gì mình trải qua để góp sức bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

"Tôi đã nói với họ và những bè bạn quốc tế rằng Hoàng Sa được khai phá và xác lập chủ quyền bởi người Việt từ rất lâu đời và sự thật này không có gì phải tranh cãi. Và tôi ước mơ một ngày nào đó lại ra khơi, có mặt ở Hoàng Sa.

 Dù lúc đó không còn sức, phải nằm lại Hoàng Sa tôi cũng cam lòng" - ông Rê bộc bạch.

Thêm nhiều tư liệu quý về Hoàng Sa

Phóng viên báo Tuổi Trẻ trao tặng báo xuân đến ông Lê Đình Rê - Ảnh: BÌNH PHÚ

Trong những năm qua, ông Lê Đình Rê thường xuyên có những đóng góp tư liệu cho của Nhà trưng bày Hoàng Sa (TP Đà Nẵng). Vào dịp 19-1 hằng năm, UBND huyện Hoàng Sa thường xuyên đến thăm các nhân chứng sống này. Có một điều khiến ông Rê rất vui trong lần gặp gỡ này chính là việc gần đây nhiều bạn bè của ông đã cùng tham gia đóng góp thêm các hình ảnh, tư liệu liên quan đến Hoàng Sa.

"Nhiều người bạn đọc báo và nhận ra tôi. Có người ở trong nước, có người ở nước ngoài. Thông qua tôi, họ cũng đã gởi nhiều hình ảnh, sách báo về Hoàng Sa với mong muốn có nhiều tư liệu để đấu tranh bảo vệ chủ quyền" - ông Rê nói.

Hoàng Sa, không ai quên lãngHoàng Sa, không ai quên lãng

TTO - Đã thành lệ, cứ 1-2 tháng, những người lính già từng tham gia trận hải chiến Hoàng Sa mấy chục năm trước lại góp với nhau ít tiền dưỡng già, tụ họp một buổi, ôn chuyện cũ bên lon bia, ly nước ngọt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên