29/03/2023 21:36 GMT+7

Nhân chứng Do Thái đến Việt Nam kể chuyện thoát nạn diệt chủng

Bà Better Eppel - nạn nhân sống sót từ thảm họa diệt chủng người Do Thái (Holocaust) - lần đầu tiên đến Việt Nam, trực tiếp kể lại câu chuyện lịch sử của mình trong lễ tưởng niệm các nạn nhân ở Hà Nội.

Nhân chứng Do Thái đến Việt Nam kể chuyện thoát nạn diệt chủng - Ảnh 1.

Nghi thức thắp nến tưởng niệm các nạn nhân Do Thái của Holocaust - Ảnh: HIỀN NGUYỄN

Ngày 29-3, Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, Đại sứ quán Israel và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đồng tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân trong nạn diệt chủng Holocaust.

Sự kiện truyền đi thông điệp "Không bao giờ được lãng quên và học lấy bài học hòa bình". Tại lễ tưởng niệm, 6 học sinh Việt Nam đã tiến hành nghi thức thắp 6 ngọn nến tưởng niệm 6 triệu nạn nhân Do Thái, theo truyền thống của Israel.

Thay tên họ để sống sót khỏi Holocaust

Tâm điểm của lễ tưởng niệm là buổi trò chuyện với bà Betty Eppel - nạn nhân sống sót từ thảm họa diệt chủng Do Thái, năm nay 88 tuổi.

Bà Eppel đã sống sót kỳ diệu sau khi được một gia đình Cơ Đốc giáo ở miền nam nước Pháp che giấu khỏi cuộc đàn áp của Đức quốc xã vào những năm 1942 - 1945.

"Gia đình tôi đến từ Ba Lan, chúng tôi sinh sống ở Pháp. Họ trước khi kết hôn của tôi là Lewkowitz. Khi tôi 5 tuổi, Đức quốc xã bắt đầu xâm chiếm nước Pháp. Tôi và gia đình đã cầu nguyện mỗi ngày", bà Eppel bồi hồi nhớ lại tuổi thơ của mình.

Bà Eppel lúc đó sống cùng cha mẹ và hai người em trai. Tháng 6-1940, Pháp đầu hàng trước Đức quốc xã, khiến một nửa nước Pháp rơi vào tay quân Đức.

Một ngày tháng 9-1942, cha của bà trở về, dồn bà vào một góc và hét lên: "Con đã có một cái tên mới, họ của con không phải là Lewkowitz. Nếu có ai hỏi, hãy nói con không phải người Do Thái".

Bà và người em trai 5 tuổi sau đó được đưa đến một khu vực gần biên giới với một chút bánh và nước trong đêm tối. Trải qua một chặng đường dài, đói và lạnh, họ đến sống cùng cặp vợ chồng Victor và Josephine Guicherd tại một trang trại ở miền nam nước Pháp.

Từ đây, bà được đi học tại một trường Cơ Đốc giáo, đi đến nhà thờ Cơ Đốc. Nhưng bà không bao giờ quên việc mình là một người Do Thái.

Trong thời gian đó, khi mới 7 tuổi, bà mất liên lạc với mẹ và người em trai út. Hơn hai thập kỷ sau, bà mới được biết cả hai đã qua đời ở trại Auschwitz, nhiều khả năng bị sát hại trong phòng hơi ngạt.

Bà Eppel sau này đã trở về Israel, kết hôn và có con. Cha của bà vẫn sống sót sau chiến tranh và tái hôn.

Bà Eppel không bao giờ quên công ơn của những người cha mẹ nuôi đã che giấu bà trong thảm họa: "Họ đã được đề nghị trao huân chương, nhưng bố mẹ nuôi tôi đã từ chối chúng. Họ nói rằng được nhận nuôi tôi đã là phần thưởng rồi".

Nhân chứng Do Thái đến Việt Nam kể chuyện thoát nạn diệt chủng - Ảnh 2.

Bà Betty Eppel chia sẻ trước bức tường ghi lại cảm xúc của người tham dự sự kiện tưởng nhớ ngày 29-3 - Ảnh: THANH HIỀN

Lịch sử sẽ không bị lãng quên

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Đức tại Việt Nam Gildo Hidner cho biết những gì liên quan đến Holocaust sẽ không bị lãng quên.

"Holocaust là một phần đen tối trong lịch sử của nước Đức. Đối mặt với Holocaust là một phần quan trọng trong văn hóa chính trị của Đức. Chúng ta không thể để sự kiện như Holocaust diễn ra thêm bất cứ lần nào trong tương lai", Đại sứ Hidner bày tỏ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer cho biết ông trân trọng phát biểu của đại sứ Đức.

"Tôi trân trọng việc nước Đức nhận trách nhiệm cho quá khứ, cùng tham gia những sự kiện tưởng nhớ như hôm nay và học những bài học cho cả nhân loại", Đại sứ Mayer chia sẻ.

Tại sự kiện, ông Trần Đắc Lợi - phó chủ tịch thường trực Ủy ban Hòa bình Việt Nam - cho rằng những sự kiện như Holocaust chứng minh tầm quan trọng của việc chung sống hòa bình giữa các dân tộc.

"Là một dân tộc trải qua nhiều đau khổ, nhân dân Việt Nam đồng cảm sâu sắc và chia sẻ nỗi đau với dân tộc Do Thái. Ủy ban Hòa bình Việt Nam mong muốn đóng góp cho một thế giới hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc", ông Lợi nhấn mạnh.

Người đàn ông qua đời tặng lại 2 triệu euro trả ơn cứu mạng khỏi Đức Quốc xãNgười đàn ông qua đời tặng lại 2 triệu euro trả ơn cứu mạng khỏi Đức quốc xã

TTO - Người đàn ông quốc tịch Áo tên Eric Schwam đã để lại 2 triệu euro cho xã Le Chambon-sur-Lignon ở Pháp, nơi che giấu gia đình của ông khỏi Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên