13/07/2020 13:01 GMT+7

Nhà vườn lao đao vượt khó - Kỳ 4: Liên kết để làm giàu

THÀNH NHƠN - CHÍ CÔNG
THÀNH NHƠN - CHÍ CÔNG

TTO - Thời gian qua, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái đã liên kết với nhau thông qua các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nhằm tìm kiếm đầu ra cho nông sản, đồng thời tránh những tác động tiêu cực từ thị trường.

Nhà vườn lao đao vượt khó - Kỳ 4: Liên kết để làm giàu - Ảnh 1.

Nhà vườn mãng cầu xiêm tại Phụng Hiệp (Hậu Giang) tham gia HTX nhằm tránh rủi ro thị trường - Ảnh: CHÍ CÔNG

Trong mùa dịch COVID-19, khi giá trái cây xuống mức thấp nặng nề thì nông dân trong các HTX, tổ hợp tác vẫn đảm bảo thu nhập ổn định, gặp ít rủi ro hơn so với bà con nông dân bên ngoài.

Dịch kệ dịch, bán khỏe re

Đó là thời điểm giá ổi tại Đồng Tháp chỉ còn từ 1.000-2.000 đồng/kg khiến nhiều nhà vườn trồng cây trái này lao đao.

Tuy nhiên, giữa tình cảnh khó khăn, ông Trần Thành Nam (xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) cùng khoảng 10 hộ làm vườn khác trong Tổ hợp tác sản xuất ổi Minh Thọ lại bán được ổi với giá khoảng 5.000 đồng/kg, đảm bảo có lãi cho nhà vườn.

"Giá ổi trồi sụt bất thường lắm, có thời điểm hơn 10.000 đồng/kg nhưng cũng có lúc rẻ bèo không ai thèm mua. Thấm cảnh phải nhìn ổi chín rụng la liệt tại vườn không ai mua nên tôi tham gia tổ hợp tác để đảm bảo đầu ra cho nông sản" - ông Nam chia sẻ.

Vườn ổi khoảng 7 công của ông Nam hằng tháng thu hoạch khoảng 3 tấn ổi. Đều đặn khoảng 10 ngày ông cắt một lần, toàn bộ sản lượng được tổ hợp tác bao tiêu hết. "Mình chỉ cần tập trung vào sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP thì không sợ bí đầu ra" - ông Nam cho biết.

“Liên kết với nhau không chỉ lợi đầu ra sản phẩm, mà còn lợi cả đầu vào khi cùng nhau mua số lượng lớn vật tư nông nghiệp sẽ được giá rẻ hơn, và việc đồng loạt phòng chống sâu bệnh cũng hiệu quả hơn.

Anh NGUYỄN VĂN THIỆU (chủ nhà vườn huyện Đức Huệ, Long An)

Ông Nguyễn Hữu Minh, tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất ổi Minh Thọ, cho biết nhờ các mối liên kết tiêu thụ với hệ thống các siêu thị lớn nên những năm gần đây trái ổi được bao tiêu với giá cả ổn định, tránh diễn biến thất thường từ thị trường.

"Đợt dịch bệnh vừa rồi, nông dân mới thấm thía hết lợi ích từ câu chuyện hợp tác. Bên ngoài thị trường do không có nơi tiêu thụ nên giá rẻ như cho nhưng bà con trong tổ vẫn vui vì bán được hàng, giá tương đối ổn" - ông Minh hào hứng chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nguyên - tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất mận bao lưới Phong Hòa (huyện Lai Vung) - cũng cho biết lợi nhuận từ bà con trồng mận trong tổ hợp tác khoảng 50 triệu đồng/công.

"Giá mận trong tổ luôn ổn định, đợt dịch bệnh vừa rồi trong khi ở ngoài chỉ có 5.000-6.000 đồng/kg thì bà con tổ viên bán được 11.000 đồng/kg" - ông Nguyên thông tin.

Hiện toàn bộ diện tích mận của tổ hợp tác đều bao lưới hạn chế sâu bệnh, tổ viên ghi chép nhật ký theo dõi cây trồng, thường xuyên kiểm tra vườn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến mức tối đa.

Tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), kinh tế của lão nông La Văn Nhiều vài năm nay bắt đầu khấm khá hơn do mãng cầu của ông được bao tiêu đầu ra. Từ chỉ 3 công "trồng chơi" ban đầu, hiện ông đã mở rộng diện tích lên 1,2ha.

Nhờ liên kết với công ty, ông Nhiều và hơn 50 thành viên của HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ có thể yên tâm bán trái với giá tốt mà không sợ thương lái o ép.

"Vườn thu hoạch đến vài tấn nên không thể nào bán lẻ hết được. Thương lái thì nhiều khi ép giá mình nên tham gia HTX với chuỗi liên kết cho yên tâm đầu ra" - ông Nhiều chia sẻ.

Ông Phùng Văn Rở, giám đốc HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, cho biết hiện hằng năm HTX tiêu thụ cho bà con khoảng 500 tấn trái mãng cầu xiêm.

"Để ổn định và hướng đến làm ăn một cách chuyên nghiệp hơn thì HTX đang dự định lập trang web, giới thiệu sản phẩm trên mạng để tìm kiếm thêm đối tác" - ông Rở cho biết.

Hiện HTX cũng hỗ trợ nhiều xã viên phát triển các dòng sản phẩm từ trái mãng cầu xiêm như: mứt, nước ép, trà... để tăng giá trị nông sản sau chế biến, nâng cao lợi nhuận, ổn định kinh tế bà con nông dân.

Ông Trần Văn Tuấn - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp - cho biết trong bối cảnh giá cả nông sản lên xuống thất thường như hiện nay thì nông dân cần phải liên kết, hỗ trợ kỹ thuật lẫn nhau, ổn định đầu ra sản phẩm để hạn chế được rủi ro từ thị trường.

"Chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND huyện, tỉnh để giới thiệu trái mãng cầu xiêm thông qua các buổi triển lãm, xúc tiến thương mại đầu tư hay các điểm dừng chân du lịch nội địa để tìm kiếm thêm kênh tiêu thụ và công ty hợp tác lâu dài, giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định kinh tế gia đình" - ông Tuấn chia sẻ thêm.

Nhà vườn lao đao vượt khó - Kỳ 4: Liên kết để làm giàu - Ảnh 3.

Nhiều nhà vườn bắt đầu làm du lịch để tăng lợi nhuận - Ảnh: THÀNH NHƠN

Bán cả cây xoài... qua mạng

Được triển khai từ năm 2016, đến nay HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã bán trái được hơn 400 cây xoài thông qua mô hình "Cây xoài nhà tôi", đem lại thu nhập khá cho nhà vườn trồng xoài tại Đồng Tháp.

Theo đó, HTX sẽ đưa thông tin các cây xoài của bà con xã viên lên trên website để khách hàng gần xa có thể dễ dàng đặt mua. Đến vụ thu hoạch, HTX sẽ trực tiếp thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và giao đến tận tay khách hàng.

Tùy theo độ tuổi, năng suất cũng như giống xoài mà giá mỗi cây xoài dao động từ 4 triệu đến 6 triệu đồng (bán trái cả cây: loại xoài cát chu thì khoảng 100kg, cát Hòa Lộc 50kg). Sản lượng xoài khi thu hoạch cũng được thể hiện rõ trong hợp đồng để khách hàng yên tâm.

Ngoài hình thức mua qua mạng, khách hàng cũng có thể đến tận vườn để chọn cây xoài vừa ý với mình. Những năm qua, đã có nhiều khách hàng từ các vùng miền trong cả nước biết đến và đặt mua xoài của xã viên.

"Mô hình là cầu nối giúp kết nối giữa khách hàng và người trồng xoài" - ông Võ Việt Hưng, giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, cho biết.

Trong danh sách các khách hàng của HTX, có nhiều chính khách nổi tiếng. Chẳng hạn năm 2017, khi đến Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường từng đặt mua trái một cây xoài của mô hình và khen cách làm hay, ấn tượng của HTX xoài Mỹ Xương.

"Toàn bộ quá trình sinh trưởng, ra hoa, thu hoạch đều được báo cáo gửi đến khách hàng. Xoài sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, có bao trái" - ông Hưng cho biết.

Ông Lê Văn Tâm - chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Đồng Tháp - cho biết những năm gần đây thông qua truyền thông, website của HTX và các mối quan hệ bạn bè thì khách hàng biết đến mô hình "Cây xoài nhà tôi" ngày càng nhiều.

"Có những vị khách quý, những cán bộ cấp cao đến tham quan, biết đến mô hình đã đặt mua. Mỗi cây xoài bán ra đều có ghi bảng với thông tin đầy đủ để khách hàng nhận diện" - ông Tâm chia sẻ.

Nhà vườn chuyển hướng làm du lịch

Những năm gần đây, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái tại các tỉnh ĐBSCL đã tận dụng diện tích vườn để kinh doanh du lịch, điển hình là các vườn quýt hồng (Lai Vung), dâu xanh (Cần Thơ), chôm chôm (Vĩnh Long, Bến Tre)...

Ông Lê Văn Nghĩa, một nhà vườn chôm chôm mở cửa cho khách tham quan tại Long Hồ (Vĩnh Long), cho biết ngoài bán chôm chôm thì vườn cũng mở cửa cho khách tham quan để tăng thêm thu nhập.

"Nhiều vườn quanh đây cũng mở cửa để đón khách du lịch. Khách hàng có cơ hội trải nghiệm hái trái cây tại vườn, còn mình tiêu thụ được trái cây với mức giá tương đối ổn, lợi cả hai bên" - ông Nghĩa cho biết.

-------------------

Được mùa thì mất giá, gần đây lại thêm nạn hạn mặn khốc liệt vào mùa khô và dịch bệnh khiến nhiều nhà vườn lao đao. Những lời tâm huyết của bí thư tỉnh ủy một tỉnh cây trái nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ...

Kỳ tới: Phải thay đổi cách làm

THÀNH NHƠN - CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên