19/11/2022 05:30 GMT+7

Nhà vệ sinh là thứ 'không thể thiếu', sao không thể sạch đẹp?

LÊ VĂN CẢI
LÊ VĂN CẢI

TTO - Nhân Ngày Toilet thế giới 19-11, tôi có vài ý kiến về chuyện "giải tỏa nỗi buồn" nơi công cộng. Mong mọi người cùng quan tâm hơn nữa đến nhu cầu này.

Nhà vệ sinh là thứ không thể thiếu, sao không thể sạch đẹp? - Ảnh 1.

Cây xăng góc Hai Bà Trưng - Trần Cao Vân (quận 3, TP.HCM) có nhà vệ sinh rất sạch sẽ - Ảnh: H.TIÊN

Đời sống kinh tế phát triển, nhiều công trình công cộng được nâng cấp sửa chữa xây mới rất khang trang, sạch đẹp. Nhà vệ sinh (NVS) là thứ không thể thiếu ở bất kỳ nơi chốn sinh hoạt nào. Nhiều nơi người ta không ngần ngại đầu tư NVS sang xịn không kém gì chỗ ở.

Có những NVS đã vào không muốn ra. Nhiều trường học, bệnh viện đã chăm chút nhiều hơn trong việc giữ sạch đẹp, thơm mát cho NVS.

Ngay tại TP.HCM, có trường phổ thông có hơn 100 phòng vệ sinh luôn sạch sẽ đến từng cái khóa cửa, mỗi cái vòi nước và bồn cầu đều được kiểm tra hằng tuần và bảo trì thường xuyên. Giữ sạch NVS trường học cần được lưu tâm hơn vì liên quan đến sức khỏe của một thế hệ thanh thiếu niên học bán trú ở trường.

Thế nhưng, thực tế, chưa có nhiều nơi NVS được chăm lo đúng mức.

Ở bệnh viện cũng vậy. NVS thiếu và cũ là một thực tế. Còn có một thực tế khác từ phía người dùng, bao người xả rác bôi bẩn và vứt đầy tàn thuốc lá ở chốn này. NVS nhưng mất vệ sinh, đó là thực tế. Có nhiều lý do khác nhau, trong đó có quan niệm sống giản đơn hời hợt về chuyện giữ vệ sinh nơi công cộng.

NVS dơ bẩn là khởi nguồn của ô nhiễm môi trường, là nguyên nhân của nhiều thứ bệnh tật nguy hiểm. Một nơi kinh doanh buôn bán dịch vụ để NVS dơ thì không khác nào đẩy đuổi khách một đi không trở lại. NVS sạch sẽ còn đem lại cảm giác thân thiện, dễ chịu cũng như làm cho cuộc sống trở nên có chất lượng hơn. Một công trình lộng lẫy đến đâu mà NVS không sạch cũng thành phản cảm.

Muốn có NVS đẹp thì phải đầu tư nhiều công sức tiền của, nhưng để sạch thì chủ yếu vẫn là cách nghĩ cách làm hay đúng hơn là từ cái đầu. Hiện nay rất nhiều nơi có NVS rất rộng rãi, khang trang, sạch đẹp, luôn tạo điều kiện cho nhiều người kể cả khách vãng lai.

Ngược lại cũng không ít nơi kinh doanh đón khách nhưng làm NVS qua loa đại khái, sơ sài, chật hẹp, hôi hám, dơ bẩn. Phần nhiều những NVS công cộng có hệ thống thoát nước tắc nghẽn thường xuyên, bồn rửa tay thiếu hoặc hư hỏng không thèm sửa.

Với người nước ngoài, nhất là với những nước tiên tiến, họ rất dị ứng với NVS dơ bẩn. Nên đưa sạch sẽ vào nội dung chương trình quảng bá du lịch, cũng là cách làm thiết thực, chi phí ít nhưng rất hiệu quả.

Để kết thúc bài viết, theo tôi nên có một quy định nhà hàng, quán ăn, cửa hiệu có quy mô phục vụ từ 10 khách trở lên phải có NVS đáp ứng những yêu cầu cần thiết. Đây là điều kiện cần và đủ để được kinh doanh. Các cây xăng, các trạm dừng nghỉ dọc đường và những nơi nhiều người lui tới phải có NVS sạch sẽ và càng nhiều càng tốt.

Nhìn vào NVS là có thể đánh giá được sự văn minh và ý thức xã hội. Tôi dẫn lại ý kiến của một quan chức ngành thể thao từng nói rằng: xây được một trung tâm thể thao giảm được 10 bệnh viện.

Và theo tôi, làm thêm được một NVS đạt chuẩn sẽ giảm được rất nhiều bệnh nhân. Và NVS công cộng vẫn là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", nhưng sự thay đổi chậm quá.

Ai làm khổ ai?

Ai hay đi đường xa sẽ thấy chuyện NVS ở các trạm dừng chân, các cây xăng nay đã tốt hơn xưa nhiều. Trước đây, việc xây NVS cho khách đường xa được xem như hảo tâm, làm ơn làm phước. Nay điểm dừng chân có NVS gắn liền với nhiều kiểu kinh doanh buôn bán (bán xăng dầu, bán cơm phở, giải khát, quà bánh...) với lượng khách rất lớn, nguồn thu rất lớn.

Nhưng chuyện NVS cho người đi đường ở phố xá vẫn là chuyện đáng buồn. Có rất nhiều cái chợ lớn hàng ngàn người lui tới nhưng không có NVS. Có những siêu thị (cỡ nhỏ) nhân viên phải đi vệ sinh nhờ nhà dân gần đó. Trường học, bệnh viện vẫn thiếu các phòng vệ sinh, cái mùi và cảnh lớp nhớp nước bẩn dưới sàn là chuyện không nói ra thì ai cũng biết.

Người giao hàng, thợ xây..., những người làm việc ngoài trời hằng ngày, rất khổ sở để tìm nơi "giải tỏa nỗi buồn". Và rất nhiều công viên, bụi cây, bờ tường, nơi công cộng thoang thoảng cái mùi quen thuộc.

Ai làm khổ ai khi nhiều người vẫn hồn nhiên xả thải cạnh NVS công cộng? Hành khách biết làm sao khi nhiều bến xe buýt không có NVS hoặc có nhưng rất cũ và bẩn? NVS nơi công cộng vốn đã ít nhưng nhiều nơi đóng cửa, khóa gỉ sét vì đã lâu không dùng?

Mọi thứ cần có một nhận thức mới. Và nhân ngày 19-11 lại mong ước mỗi người cùng thay đổi nhận thức và hành vi giữ vệ sinh ở nơi "chỉ có mình ta".

PHƯƠNG NGA

Thêm nhà vệ sinh công cộng ở cây xăng Thêm nhà vệ sinh công cộng ở cây xăng

TTO - Đi khắp nẻo đường về tỉnh, hành khách có thể ghé các cây xăng để "giải quyết nỗi buồn". Chuyện này không mới. Nhưng ở đô thị như TP.HCM, chuyện này còn hiếm.

LÊ VĂN CẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên