14/08/2022 12:11 GMT+7

Nhà văn Salman Rushdie cai máy thở, có thể nói chuyện

GIA MINH
GIA MINH

TTO - Tác giả 'Những vần thơ của quỷ Satan', nhà văn Salman Rushdie, đã được cai máy thở và có thể nói chuyện vào ngày 13-8, một ngày sau khi ông bị đâm khi chuẩn bị thuyết trình ở ngoại ô thành phố New York (Mỹ).

Nhà văn Salman Rushdie cai máy thở, có thể nói chuyện - Ảnh 1.

Nhà văn Salman Rushdie - Ảnh: AP

Ông Salman Rushdie, 75 tuổi, bị tổn thương gan và đứt dây thần kinh ở một cánh tay và có khả năng bị mất một mắt do vụ tấn công. Đại diện của nhà văn Rushdie, ông Andrew Wylie, đã xác nhận thông tin mà không cung cấp thêm chi tiết, theo Hãng tin AP.

Cảnh sát xác định kẻ tấn công Salman Rushdie là Hadi Matar, 24 tuổi, đến từ bang New Jersey.

Matar, bị buộc tội tấn công nhà văn Salman Rushdie, đã không nhận tội cố ý giết người.

Luật sư bào chữa cho Hadi Matar đã thay mặt anh ta đứng ra nhận tội tấn công trong một cuộc dàn xếp ở một tòa án phía Tây New York. Nghi phạm xuất hiện tại tòa với bộ áo liền quần đen trắng và đeo khẩu trang trắng, hai tay bị còng.

Vụ tấn công đã gây bàng hoàng và phẫn nộ ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều người cũng dành lời tri ân và khen ngợi dành cho nhà văn Salman Rushdie, người trong hơn 30 năm qua đã nhiều lần bị dọa giết vì viết tác phẩm The Satanic Verses (Những vần thơ của quỷ Satan).

Trong tuyên bố ngày 13-8, Tổng thống Joe Biden cho biết ông và đệ nhất phu nhân Jill Biden "sốc và đau buồn" vì vụ tấn công nhà văn Salman Rushdie (ông chính thức trở thành công dân Mỹ vào năm 2016).

Trên Twitter, thống đốc New York Kathy Hochul chia sẻ: "Lúc này, mọi sự quan tâm của chúng tôi hướng về Rushdie và những người thân yêu của ông, sau sự cố kinh hoàng vừa qua”.

Tổ chức văn bút thế giới PEN International cũng lên án vụ tấn công và cầu mong ông Rushdie mau chóng hồi phục.

Nhà văn và người bạn lâu năm Ian McEwan gọi Salman Rushdie là "người bảo vệ truyền cảm hứng cho các nhà văn và nhà báo bị đàn áp trên khắp thế giới". Nhà văn Stephen King đăng trên Twitter: "Tôi mong Salman Rushdie bình an".

Salman Rushdie được đào tạo tại Đại học Cambridge và lấy bằng thạc sĩ lịch sử vào năm 1968.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông là Grimus, xuất bản năm 1975. Cuốn tiểu thuyết tiếp theo của Salman Rushdie, Midnight's Children (1981), đoạt giải thưởng Booker 1981. Tiểu thuyết Shame (1983), dựa trên nền chính trị đương đại ở Pakistan, cũng gây tiếng vang.

Salman Rushdie bị dọa giết kể từ khi phát hành cuốn tiểu thuyết thứ tư với tiêu đề The Satanic Verses (Những vần thơ của quỷ Satan). Nhiều người Hồi giáo cho biết một số đoạn trong tác phẩm của ông mang ý báng bổ. The Satanic Verses bị nhiều nước Hồi giáo cấm kể từ khi xuất bản năm 1988.

Ngày 14-2-1989, lãnh tụ tối cao Iran, ông Ayatollah Ruhollah Khomeini, đã ra một sắc lệnh tôn giáo kêu gọi người Hồi giáo giết Salman Rushdie và những ai liên quan đến việc xuất bản The Satanic Verses "vì tội báng bổ".

Bất chấp các mối đe dọa về cái chết thường trực, Salman Rushdie vẫn tiếp tục viết, cho ra đời những tác phẩm như Imaginary Homelands (1991), một tuyển tập các bài tiểu luận và phê bình; tiểu thuyết thiếu nhi Haroun and the Sea of ​​Stories (1990); tập truyện ngắn Đông, Tây (1994); và tiểu thuyết The Moor's Last Sigh (1995).

Năm 1998, Chính phủ Iran tuyên bố họ sẽ không tìm cách thực thi các hành động chống lại ông Salman Rushdie nữa. Tuy nhiên, đến năm 2019, người kế nhiệm ông Khomeini là lãnh tụ tối cao Ali Khamenei đã tuyên bố sắc lệnh tôn giáo là "không thể thay đổi".

Nhà văn Salman Rushdie bị đâm vào cổ ngay trên sân khấu Mỹ Nhà văn Salman Rushdie bị đâm vào cổ ngay trên sân khấu Mỹ

TTO - Ông Salman Rushdie, tiểu thuyết gia nổi tiếng gốc Ấn, bị đâm nhiều nhát vào cổ và thân trên ngay trong một buổi diễn thuyết trên sân khấu sự kiện ở bang New York (Mỹ) ngày 12-8.

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên