
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tổ địa bàn TP Thủ Đức, TP.HCM kiểm tra một nhà trọ đã lắp thêm cửa chống cháy, ngăn giữa khu vực để xe và các tầng phía trên - Ảnh: MINH HÒA
Hơn 10 ngày qua, nhiều phòng trọ đang nỗ lực cải tạo, trang bị hệ thống báo cháy và chữa cháy. Đây cũng là điều tất nhiên, vì hiện nay người có nhu cầu thuê chỗ ở luôn chú ý đến khâu PCCC và phương án thoát hiểm, thoát nạn, khi xảy ra hỏa hoạn.
Cơ quan chức năng thường khuyến cáo mỗi hộ gia đình nên thực hiện đủ "nhà tôi ba có": mặt nạ chống khói, thiết bị báo cháy, lối thoát nạn thứ hai. Đối với những khu phòng trọ, hai yêu cầu đầu tiên rất dễ thực hiện, chỉ cần mua sắm. Riêng chi tiết thứ ba là "khó" nhất.
Những dãy phòng trọ có tuổi đời hơn 15 năm, ba mặt đều áp sát vách tường của những hộ dân bên cạnh, không còn khoảng trống để mở lối đi thứ hai.
Nhiều khu phòng trọ cấp bốn, xung quanh giáp với nhà hai tầng trở lên, càng khó tìm lối thoát phụ khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
Nhưng với các nhà trọ "hình ống", trở ngại duy nhất nằm ở việc mở lối đi thứ hai, vì phụ thuộc vào khoảng trống bên ngoài.
Giải pháp khả thi chính là chịu khó hy sinh một phần diện tích phía trong cùng để tháo dỡ một vách tường, cải tạo thành lối thoát hiểm với thang sắt gắn cố định bên ngoài để có thể trèo lên mái nhà, di chuyển sang những hộ dân bên cạnh.
Nhiều phòng trọ chỉ có một lối ra - vào chung, do muốn chống trộm nên làm cổng kiên cố, xung quanh xây tường cao. Vì vậy, rất cần trang bị thang xếp, di động được, giúp người dân có phương tiện thoát hiểm trong lúc nguy cấp. Hành lang khu nhà trọ nên đặt sẵn dụng cụ đục tường, phá cửa.
Bên cạnh những bình chữa cháy, cần có thêm thùng đựng cát, xẻng để chữa cháy cho xe điện, kể cả xe xăng.
Cư dân ở trọ cần tham gia đầy đủ các buổi tập huấn về PCCC, thoát hiểm, thoát nạn trong đám cháy. Mùa hanh khô, chỉ cần một người bất cẩn sẽ khiến cộng đồng thiệt hại. Tàn thuốc vứt bên đường còn bốc khói vẫn có thể gây ra đám cháy. Dùng chân dập tắt là chuyện đơn giản ai cũng làm được, nhưng ý nghĩa mang lại sẽ rất lớn.
Sáng sớm cắm nồi cơm điện, hoặc thắp nhang rồi khóa cửa đi làm vẫn có thể trở thành nguyên nhân cháy. Những thói quen thường ngày dễ gây hỏa hoạn cũng cần phải thay đổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận