30/04/2021 07:44 GMT+7

Nhà tình báo Tư Cang hồi ức giờ phút trùng phùng ngày 30-4 sau 28 năm chờ đợi

NGUYỄN VĂN TÀU
NGUYỄN VĂN TÀU

TTO - Ngày 30-4-1975 - ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Với riêng tôi, đó còn là ngày đầu tiên tôi thật sự có một gia đình.

Nhà tình báo Tư Cang hồi ức giờ phút trùng phùng ngày 30-4 sau 28 năm chờ đợi - Ảnh 1.

Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) - Ảnh: Tự Trung

Người vợ chung thủy của tôi, con gái yêu quý của tôi. Chúng tôi đã phải chờ đợi suốt 28 năm. Đến đêm 30-4 ấy.

Ngày 30-4 thật dài

30-4-1975 với tôi là một ngày thật dài. Đà tiến công của năm cánh quân vào Sài Gòn rầm rập như lũ cuốn. Lữ đoàn 316 đặc công biệt động mà tôi vừa nhận nhiệm vụ chính ủy được vài ngày đã trấn giữ được cầu Rạch Chiếc, cầu Rạch Bà, đã rải khắp các cửa ngõ sẵn sàng mở đường, dẫn đường, đón các cánh quân.

Chính quyền Sài Gòn đã thay đổi nội các ba lần trong hai tuần, từ tổng thống đến tướng, đến sĩ quan, lính đều đã và đang tìm đường di tản. Kết cục đã thấy rõ trước mắt nhưng chúng tôi vẫn phải chuẩn bị cho những phương án xấu nhất. 

Suốt đêm di chuyển từ Củ Chi về phía Sài Gòn, sáng hôm đó chỉ huy sở đóng tại sân đình ấp Thới Tứ, xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn, sau khi tổng hợp tin tức các hướng, một đại đội trưởng pháo binh đến họp với tôi, thảo luận việc đặt pháo trên các cao điểm của thành phố trong trường hợp đối phương tử thủ.

Nhà tình báo Tư Cang hồi ức giờ phút trùng phùng ngày 30-4 sau 28 năm chờ đợi - Ảnh 2.

Người Sài Gòn đón mừng ngày hòa bình - thống nhất - Ảnh tư liệu

Sống ở Sài Gòn từ thời đi học, bao năm ra vào hoạt động tình báo ở Sài Gòn, có địa điểm nào tôi không nắm trong lòng bàn tay. Xác định các điểm trọng yếu rất nhanh mà lòng tôi nhói buốt. Tôi yêu thành phố này biết bao nhiêu.

Vì thế khi điện đài của chúng tôi bắt được bản tin đầu tiên của Hãng thông tấn UPI: "Hỏa tốc - Chánh phủ Sài Gòn đầu hàng. Tổng thống Dương Văn Minh đã ra thông báo Nam Việt Nam đầu hàng, ra lệnh binh sĩ thuộc quyền ngừng chiến đấu", và sau đó nghe rõ tiếng của Tổng thống Dương Văn Minh trên đài Sài Gòn lúc 9h30: 

"Tôi, Tổng thống Dương Văn Minh. Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sanh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu (thì) ở đó...".

Chúng tôi ôm nhau trào nước mắt. Tôi bắt tay anh đội trưởng pháo binh: "Thôi, khỏi cần đặt pháo gì nữa nghen đồng chí". Chiến tranh kết thúc thật rồi, súng đạn của chúng tôi sẽ không còn phải nổ ở thành phố này thêm lần nào nữa. Mừng quá!

Tìm xe về Sài Gòn. Cờ giải phóng đã bay phất phới mọi nơi. Tìm một điểm hẹn mới. Đi chiếm lĩnh các trụ sở, tổ chức việc phòng thủ, bảo vệ, tiếp quản, đóng quân... Mãi đến khuya tôi mới thu xếp được một giờ đồng hồ cho việc riêng trước khi tập trung về đơn vị.

Nhà tình báo Tư Cang hồi ức giờ phút trùng phùng ngày 30-4 sau 28 năm chờ đợi - Ảnh 3.

Ông Tư Cang sum họp cùng vợ, con gái, cháu ngoại sau ngày 30-4-1975 - Ảnh: tư liệu gia đình

Phút hội ngộ

Một giờ cho việc riêng ấy, tôi đã mong ngóng suốt 28 năm dài.

Đi xuôi đường Hồng Thập Tự, qua cầu Thị Nghè, chợ Thị Nghè xuống khu Thạnh Mỹ, con hẻm nhỏ dẫn vào khu cư xá Việt Nam Thương Tín. 

Đoạn đường ngắn tôi thuộc nằm lòng, đã bao lần đi qua, liếc nhìn nhưng phải kiềm lòng lại, chưa bao giờ rẽ vào để đi đến điểm cuối. Rẽ vào hẻm tối, một căn nhà còn ánh đèn. Tôi dừng xe, gọi khẽ "Nhồng ơi". 

Một người đàn ông bước ra khiến tôi giật mình: "Ông tìm ai?". "Tôi tìm nhà bà Ảnh sống với cô con gái". "À, bà Ảnh với cô Giang, cách đây hai căn". Tôi lại lần bước sang, mạnh dạn hơn: "Nhồng ơi, Nhồng".

Đây rồi, vợ tôi bước ra bật điện. "Anh, anh đã về, mẹ con em trông quá đi tìm từ trưa mà không gặp. Nhồng ơi, ba về này con". Con gái tôi ra khỏi giường, nó bế thêm một bé gái nữa. "Thưa ông ngoại đi con". Ôi, con gái tôi đã có chồng, có con.

Năm 1947 tôi ra đi, là một chàng trai 19 tuổi, học trò gặp thời loạn phải bỏ bút sách cầm cây tầm vông vạt nhọn đi theo tiếng gọi Lên đàng: "Nào anh em ta cùng nhau xông pha...". 

Là trai trưởng nên mẹ tôi bắt phải lấy vợ, yên bề gia thất rồi mới được đi. Vợ tôi năm ấy 18, cưới được 7 tháng, mang thai 4 tháng. Chúng tôi hẹn nhau đặt tên con là Nhồng, tên loài chim biết nói tôi yêu thích thuở thiếu thời. 

Chia tay nhau biền biệt đến hôm nay tôi về nhà lần đầu, con gái đã 28 tuổi, cháu ngoại 3 tuổi. Còn ngày nào hạnh phúc hơn trong đời tôi được nữa. Nước mắt cứ vậy mà trào ra.

Hồi ấy trước khi đi, tôi đã dành hẳn một ngày chẻ một đống củi to chất trước nhà, gánh đầy mấy lu nước, giã đầy một khạp gạo, hẹn với má, với vợ: "Đun hết đống củi này con lại về thăm, chẻ củi cho má, giã gạo cho vợ nghen". 

Lời hứa trai trẻ tưởng như đinh đóng cột đã bị chiến tranh cuốn mất. Tôi nào có biết cuộc chiến sẽ dài đến thế, dữ dội đến thế, cuồn cuộn lôi bước chân tôi đi chẳng cho trở về đúng hẹn.

Trải qua 28 năm tôi may mắn được về nhà, gặp vợ con, còn bao nhiêu đồng đội tôi đã nằm lại nơi rừng xanh, nơi đáy sông, nơi hầm sâu, nơi góc phố. 

Mâm cơm gia đình đầu tiên được con gái tôi dọn ra, đồng hồ điểm 12 giờ khuya mà trong mắt tôi như thấy một bình minh huy hoàng của mùa xuân mới. Phải, mùa xuân mới của đất nước đã đến, thức dậy những yêu thương đã bao năm bị khuất lấp bởi đau khổ của chiến tranh.

Hòa bình thật rồi. Cháu ngoại tôi sẽ lớn lên mà không phải chứng kiến, trải qua chiến tranh nữa.

Nhà tình báo Tư Cang hồi ức giờ phút trùng phùng ngày 30-4 sau 28 năm chờ đợi - Ảnh 4.
Nhà tình báo Tư Cang hồi ức giờ phút trùng phùng ngày 30-4 sau 28 năm chờ đợi - Ảnh 5.

Đường của hòa bình

Những ngày trong chiến tranh, những gì tốt đẹp nhất trong ước mơ của chúng tôi thường bắt đầu bằng "Hòa bình, mình sẽ...". Thế rồi hòa bình cũng đã đến, nhưng hòa bình lại không trải hoa hồng như những giấc mơ. Biên giới chưa yên lại kéo bước chân quân nhân của tôi ra đi, rồi cuộc mưu sinh nhọc nhằn cũng chiếm trọn tâm trí. Cho đến ngày tôi được nghỉ hưu.

Thảnh thơi một chút, mỗi dịp 30-4 lữ đoàn 316 lại tổ chức tưởng niệm 52 anh em hi sinh ở cầu Rạch Chiếc. Những gương mặt của đồng đội như hiện về, trách móc: "Hòa bình rồi, các anh đã quên chúng tôi...". Tôi bật dậy. Không. Quên làm sao được. Tôi nhất định không quên. Nhưng không quên thì phải làm gì, làm gì đây để xứng với những đồng đội tôi đã không được nhìn thấy hòa bình?

Tôi chọn việc phù hợp nhất với mình: viết. Viết lại về đồng đội tôi, về những ước mơ mà chúng tôi đã cùng nuôi dưỡng, cùng xây đắp trong sinh tử. Những ước mơ về ngày thống nhất, ngày hòa bình, ngày độc lập.

Nhà tình báo Tư Cang hồi ức giờ phút trùng phùng ngày 30-4 sau 28 năm chờ đợi - Ảnh 6.
Nhà tình báo Tư Cang hồi ức giờ phút trùng phùng ngày 30-4 sau 28 năm chờ đợi - Ảnh 7.

Tôi quay về những khu căn cứ cũ. An Phú Đông, Bến Dược, Bời Lời, Lò Gò. Tôi đi khắp vòng những nơi chốn thân thương trong thành phố. Quận 1, quận 3, Bến Thành, Vườn Chuối, Bàn Cờ, Bảy Hiền... Đi đến đâu các má, các chị lại vẫn tay bắt mặt mừng đón tôi như ngày xưa. Đi đến đâu hình ảnh đồng đội hiện lên đến đó, những chàng trai cô gái tuổi 20 "đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép" của chúng tôi.

Đây là nơi Sáu Ẩn hi sinh. Chàng trai dũng cảm của đội tình báo H63 đã vượt qua bao nhiêu trận càn, bảo vệ an toàn căn cứ - điểm hẹn, và nhất là bảo vệ những tài liệu chúng tôi quý hơn sinh mạng. Thế mà ở nhà lại là út cưng của một bà má. Dù nghèo, những gì tốt đẹp nhất má vẫn dành cho con. Hôm ấy Sáu Ẩn đạp trúng một trái mìn Claymo, máu tuôn xối xả từ hai chân bị tiện cụt. Nhìn sắc mặt, tôi biết khó qua khỏi. Cậu nắm tay tôi, mấp máy câu cuối cùng: "Anh Tư về dưới, gặp má nói giùm tôi bị thương, đi viện vài ngày sẽ về. Đừng nói tôi chết, má sẽ buồn lắm..".

Đây là nơi Ghém bị đạn vào bụng. Đội có một y sĩ, tất cả sự tập trung dồn vào ca mổ. Ánh đèn leo lét, ca mổ vẫn thành công, viên đạn được gắp ra, đoạn ruột được nối lại. Khi mũi khâu cuối cùng vừa kéo chỉ, tiếng súng lại rộ lên, một trận càn mới bắt đầu. Chúng tôi phải xuống địa đạo, mà hầm thì nhỏ hẹp, nước ngập lấp xấp. Buộc phải đưa Ghém xuống trong tư thế đứng. Nhắc tới mà đau. Đến khi trận càn chấm dứt cũng là lúc Ghém không chịu đựng được nữa, anh thầm thì "Chúc anh em mạnh khỏe để thấy hòa bình" rồi nhắm mắt...

Nhà tình báo Tư Cang hồi ức giờ phút trùng phùng ngày 30-4 sau 28 năm chờ đợi - Ảnh 8.
Nhà tình báo Tư Cang hồi ức giờ phút trùng phùng ngày 30-4 sau 28 năm chờ đợi - Ảnh 9.

Căn nhà giữa khu chợ Vườn Chuối này là nơi tôi trải qua một đêm căng thẳng, buồn thương khi nghe tin cậu giao liên thân thiết hơn ruột thịt bị bắt ngay cửa ngõ thành phố. Theo nguyên tắc bảo mật, tôi sẽ lập tức phải rời đi, điểm hẹn mà anh đã biết buộc phải hủy. Thế nhưng tôi không đành. Tôi tin đồng đội tôi sẽ không bao giờ phản bội. 

Đêm ấy tôi đã ở lại điểm hẹn, thắt ruột nghĩ đến cậu ấy ắt đang phải chịu đòn tra tấn dã man. Tay tôi cầm quả lựu đạn sẵn sàng. Nếu anh ấy không giữ được khí tiết, dẫn đối phương đến tìm thì tôi cũng liều thân. Người giao liên của tôi đã không hở môi, bị ném ra tận Phú Quốc và hi sinh ở đó. Đồng đội của tôi là như thế.

Lại nơi này nữa, trụ sở một sứ quán nơi mà nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn đã buộc phải lộ mặt trong một nhiệm vụ đặc biệt, nhiệm vụ mà cấp trên xác định đinh ninh với tôi: "Phải làm, dù có phải hi sinh". 

"Tôi với anh sẽ cùng vào trận", tôi cam kết với Phạm Xuân Ẩn, và tự tay lái xe đưa anh đến dự buổi tiệc chiêu đãi ấy. Ẩn lên, mẩu giấy bắt liên lạc trong túi áo. Tôi đứng dưới, hai khẩu súng ngắn đã lên nòng. Chỉ có 30 phút mà như thế kỷ, bởi trên đó là sinh mệnh của cả đường dây điệp báo H63.

Tôi đã viết lại những câu chuyện về đồng đội, về cuộc chiến đấu của chúng tôi như thế. Đau đớn, hi sinh, mất mát là không đong đếm được, nhưng cũng không đong đếm được là nghĩa tình, là trung thành son sắt, là hi vọng, ước mơ. 

May mắn được hưởng niềm hân hoan như bất tận của hòa bình 30-4-1975, tôi buộc mình phải tập đong đếm những hạnh phúc của hòa bình sau đó. Đong đếm để mà nhới những điều đồng đội tôi đã mơ ước và đã hi sinh cho mơ ước.

Những câu chuyện cũ mà tôi kể lại nhiều năm nay - cho người lớn, cho thanh niên, cho trẻ nhỏ - không nằm ngoài mục đích ấy, là để những thế hệ như cháu ngoại tôi, cháu cố tôi hiểu được giá trị hòa bình mà sống xứng với giá trị ấy.

Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) quê ở Bà Rịa, Vũng Tàu, năm nay đã 93 tuổi. Tham gia kháng chiến từ 1947 cho đến sau ngày hòa bình, ông đã kinh qua nhiều vị trí công tác, trong đó nổi bật nhất là cụm trưởng Cụm tình báo H63 với nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn.

Những ngày cuối cùng trước hòa bình, ông nhận nhiệm vụ chính ủy lữ đoàn đặc công biệt động 316.

Sau hòa bình, ông đã viết nhiều tập sách kể về đồng đội mình: Tình báo kể chuyện, Sài Gòn Mậu Thân 1968, Trái tim người lính, Hoàng hôn trên chiến trường, Bến Dược vùng đất lửa, Nước mắt ngày gặp mặt...

Ngày 30-4 năm nay: Xem trước 5 tập Ngày 30-4 năm nay: Xem trước 5 tập 'Con đường đã chọn'

TTO - 5 tập trong bộ phim tài liệu dài 22 tập ‘Con đường đã chọn’ sẽ được phát sóng trước vào dịp 30-4 năm nay.

NGUYỄN VĂN TÀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên