24/04/2019 06:57 GMT+7

Ngày 30-4 của tướng Lê Đức Anh

Đại tướng LÊ ĐỨC ANH (trích hồi ký Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng)
Đại tướng LÊ ĐỨC ANH (trích hồi ký Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng)

TTO - "Tối hôm đó, khi anh Phạm Hùng và anh Văn Tiến Dũng cho người xuống gọi tôi lên họp, tôi nói: "Giờ cho tôi ngủ chút đã, mệt quá!".

Ngày 30-4 của tướng Lê Đức Anh - Ảnh 1.

Một trang hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh

LTS: Tuổi Trẻ xin giới thiệu một đoạn trích trong hồi ký Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng do chính Đại tướng Lê Đức Anh chấp bút. 

Ngày 8-4, cuộc họp đông đủ Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ tư lệnh B2, phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, gồm có: Đại tướng Văn Tiến Dũng làm tư lệnh, Phạm Hùng làm chính ủy, Thượng tướng Trần Văn Trà và tôi - Trung tướng Lê Đức Anh làm phó tư lệnh. Riêng tôi lại kiêm phụ trách cánh quân phía tây - tây nam Sài Gòn.

Giấc ngủ "không gì cưỡng nổi"

Việc hóc búa nhất đối với hướng tây - tây nam là vấn đề công binh đảm bảo vượt sông cho các đơn vị tiến quân vào nội đô. 

Đoàn 232 được Bộ chỉ huy chiến dịch tăng cường thêm lực lượng bộ binh, pháo và cao xạ, cả pháo nặng 130 li, có đến một trung đoàn tăng và thiết giáp, trong đó 1/3 là tăng T54. Tất cả xe pháo các loại gần 800 chiếc, thế mà lâu nay Miền chỉ có 1/2 bộ cầu phà nặng TPP của Liên Xô. Thêm một vấn đề nữa: phải dự kiến để chiếm và giữ cho kỳ được các cầu trọng yếu trên các hướng tiến quân.

Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Các đơn vị hướng tây - tây nam chúng tôi tiến công. Đến 3 giờ sáng 27-4, Sư đoàn 5 đã cắt được đoạn từ Bến Lức tới Tân An. Sư đoàn 8 cùng quân và dân Tiền Giang thực hiện đánh cắt lộ 4 từ Mỹ Tho đến bờ sông Tiền. Sư đoàn 3 đánh chiếm khu vực An Ninh - Lộc Giang, tổ chức vượt sông Vàm Cỏ. Sư đoàn 9 vượt sông Vàm Cỏ Đông, các vị trí tập kết tại Cầu Bông, Mỹ Thạnh, Đức Hòa. Các trung đoàn 24 và 88 bám sát vào nội đô phía nam Sài Gòn.

Khi xe tăng, thiết giáp của ta vượt qua sông Vàm Cỏ thì trời đổ mưa, đoạn thuộc huyện Đức Huệ (Long An) sình lầy, xe không đi được. Nhân dân vác những bó cây và dỡ nhà mình ra lót đường cho xe tăng và pháo vượt qua. 

Lúc đó, tôi nói một số đồng chí trở lại giúp dân làm lại nhà, dù người dân không hề đòi hỏi. Sau này, anh Nguyễn Minh Châu - tham mưu trưởng Miền - đã chỉ huy bộ đội làm lại hầu hết nhà cho dân...

Ngày 30-4 và 1-5, chúng tôi ở sở chỉ huy cánh tây - tây nam tại một địa điểm phía nam huyện Đức Hòa, Long An. Khi nghe các nơi báo cáo: "Xong rồi", trong cơ thể có một cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái biết bao! Và lúc bấy giờ mới thấy thấm mệt, có thể nói là mệt rã rời sau bao ngày đêm toàn bộ cơ thể luôn căng ra như dây đàn.

Tối hôm đó, khi anh Phạm Hùng và anh Văn Tiến Dũng cho người xuống gọi tôi lên họp, tôi nói: "Giờ cho tôi ngủ chút đã, mệt quá!". Và tôi đã ngủ một giấc tới 9 giờ sáng. Trên đời này, ai vừa trải qua những thử thách nghiệt ngã, những ngày tháng căng thẳng thì hẳn sẽ hiểu và cảm thông cho giấc ngủ ngon lành, không gì cưỡng nổi của những người lính chúng tôi ngay khi vừa kết thúc cuộc chiến tranh.

Ngày 30-4 của tướng Lê Đức Anh - Ảnh 2.

Hồi ký Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh

Cú chết hụt

Đời tôi đã đi suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Biết bao kỷ niệm sâu sắc tưởng chừng không thể quên. Chiến tranh là thử thách cao nhất, nghiệt ngã nhất đối với con người. Nhiều lúc bom đạn ác liệt quá, tôi từng nói vui với anh em: "Bom đạn đầy trời thế này, chết là chuyện thường, sống mới là điều kỳ lạ". Bởi vậy, cú chết hụt ở giờ phút cuối cùng, khi mà chiến tranh sắp kết thúc thì tôi không thể nào quên được.

Sở chỉ huy của cánh quân hướng tây - tây nam nằm ngay bên bờ sông Vàm Cỏ thuộc huyện Đức Hòa. Suốt ngày đêm, tôi vẫn trụ trong cái chòi nhỏ sát mép sông. Sáng hôm đó, tôi vào ăn cơm, chỗ ăn là nhà họp của địa phương, làm nửa chìm nửa nổi. Chính ủy Hai Tưởng đặt vị trí ở đây. 

Vừa ăn xong, tự dưng anh Tưởng bảo tôi: "Anh hãy nán lại, nằm trên võng của tôi mà thở, nghỉ mươi phút rồi hẵng ra đó". 

Tôi nghe anh, vừa ngả lưng, thì ở ngoài chòi của tôi một quả bom từ máy bay địch ném trúng. Cái chòi bay mất, cậu lái xe của tôi hi sinh, cậu bảo vệ bị thương. 

Nếu hôm đó ăn xong tôi ra liền thì nhất định "cái chuyện thường" đã xảy ra với tôi, và hôm nay chẳng còn ngồi mà viết những dòng chữ này.

Chiến tranh có chừa ai, cái ngẫu nhiên, cái tất nhiên đều không thể mang tính quy luật ra mà giải thích.

Cái bắt tay của Chủ tịch nước trong giờ giải lao

lê đức anh

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm thầy cô giáo và học sinh Trường Phổ thông dân tộc vùng cao Lai Châu, tháng 3-1996 - Ảnh: TTXVN

Đó là năm 1994, ông được bầu đi dự Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân tại Hà Nội và lên đọc báo cáo thành tích trước đại hội.

Giờ giải lao, ông và khoảng chục cán bộ hải quân rất bất ngờ khi thấy Đại tướng Lê Đức Anh lúc đó đang là Chủ tịch nước đã xuống bắt tay từng người, ân cần hỏi han đời sống của chiến sĩ bởi khi ấy lực lượng hải quân còn hạn chế, khó khăn nhiều mặt.

Đại tướng nhắn nhủ các cán bộ hải quân làm sao để các công trình tại các đảo mà công binh xây dựng, phải như chiếc áo giáp chở che khi có tác chiến xảy ra, tạo niềm tin cho bộ đội Trường Sa.

"Chúng ta ở xa đất liền, các đảo đều cơ bản độc lập tác chiến, khi có tình huống xảy ra, có chi viện nhưng ở mức độ nhất định, công trình rất quan trọng, tạo sức mạnh phòng thủ và tạo niềm tin cho bộ đội. Trong điều kiện hiện nay chúng ta là một nước nhỏ, tiềm lực mọi mặt còn khó khăn nhưng luôn phải đối chọi với các nước lớn thì phải bình tĩnh, khôn khéo, cảnh giác, giữ gìn hòa bình...", Thiếu tướng Hoàng Kiền nhắc lại lời căn dặn ân cần của Chủ tịch nước lúc bấy giờ.

Ông bảo những lời sẻ chia chân thành và thân mật ấy của Đại tướng Lê Đức Anh đã khiến đoàn cán bộ hải quân năm ấy nhận thức rõ hơn trách nhiệm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Chủ tịch nước vẫn luôn dành sự quan tâm tình cảm với chiến sĩ hải quân và Trường Sa.

Một lần tình cờ gặp Đại tướng Lê Đức Anh ở khu nhà công vụ của Bộ Quốc phòng trên đường Phan Đình Phùng khoảng chục năm trước khiến ông Hoàng Kiền xúc động mãi.

Lần đó ông có việc vào khu nhà công vụ mà những người nhà binh thường gọi là Trạm 66, ông bất ngờ nhìn thấy Đại tướng Lê Đức Anh lúc đó đã nghỉ hưu, đang ngồi trên chiếc xe đẩy do một anh bộ đội đẩy đi. Ông Hoàng Kiền vội chạy lại chào vị tướng mà ông rất mực kính trọng.

Trò chuyện một hồi, Thiếu tướng Hoàng Kiền mới rụt rè hỏi: "Bác có việc gì mà vào đây?".

Đại tướng từ tốn đáp: "Tôi sống trong một căn hộ ở đây".

Ông Hoàng Kiền vô cùng cảm phục vị tướng suốt đời phục vụ cách mạng, nhân dân nhưng sống rất giản dị, khiêm nhường.

"Từ ngày ở chiến trường trở về Hà Nội, trải qua các chức vụ từ tổng tham mưu phó, tổng tham mưu trưởng, bộ trưởng Bộ Quốc phòng rồi Chủ tịch nước, cho tới tận cuối đời Đại tướng Lê Đức Anh vẫn chỉ ở trong căn hộ công vụ đơn sơ", Thiếu tướng Hoàng Kiền xúc động nói về vị tướng mà ông rất mực tôn kính.

Đến giờ Thiếu tướng Hoàng Kiền vẫn còn nhớ mãi lần được gặp Đại tướng Lê Đức Anh tại Hà Nội.

Ông Hoàng Kiền cho biết thêm đại tá Khuất Biên Hòa - thư ký của Đại tướng Lê Đức Anh suốt 7 năm - từng chia sẻ với ông: "Đại tướng là con người cách mạng không bao giờ dựa vào quyền chức của mình để đưa con cái vào chỗ này chỗ kia. Tất cả hoàn toàn phải noi gương bố phấn đấu".

THIÊN ĐIỂU

Đại sứ Israel gọi nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là Đại sứ Israel gọi nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là 'anh hùng trong chiến tranh'

TTO - Sau khi thông tin nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần được công bố, nhiều nhà ngoại giao tại các nước trên thế giới đã chia buồn với chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Đại tướng LÊ ĐỨC ANH (trích hồi ký Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên