Những người lính của hai phía bắt tay nhau tại tuyến giáp ranh thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vào tháng 4-1973, sau Hiệp định Paris - Ảnh: CHU CHÍ THÀNH
Trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - chia sẻ những điều của một người từng trải qua những năm tháng lịch sử và đã có một khoảng lùi để nhìn lại sự kiện chiến thắng ngày 30-4 cách đây 43 năm.
Khát vọng hòa bình mạnh hơn hận thù
* Nhìn nhận của ông khi 20 tuổi và bây giờ về sự kiện lịch sử ấy có gì khác nhau không?
Là người nghiên cứu lịch sử và hiện tham gia xây dựng bộ quốc sử ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tôi thấy rõ rằng dù có nhiều lý do để đối phương thúc đẩy chiến tranh nhưng đối với người Việt, cuộc chiến chống Mỹ khi ấy chỉ có một mục đích duy nhất là thống nhất nước nhà. Khát vọng hòa hợp dân tộc sau này thể hiện rất rõ ở việc gác lại quá khứ, xóa bỏ hận thù.
Cụ thể mới đây nhất là việc báo Tuổi Trẻ cho đăng bức ảnh của hai người lính của phóng viên chiến trường Chu Chí Thành, một thuộc quân VN cộng hòa, một thuộc quân giải phóng.
Hai người từng ở hai chiến tuyến nhưng họ không muốn nổ súng bắn giết nhau. Cái khoác tay của họ đã hóa giải những mâu thuẫn và nhiều thập kỷ sau, họ gặp lại nhau để khẳng định một điều rằng họ đã đúng khi cùng muốn hướng đến hòa bình, chấm dứt chiến tranh.
Những người lính cộng hòa hay quân giải phóng cũng đều là người con đất Việt. Họ sẽ không phải là kẻ thù nếu đất nước liền một dải.
* Vậy là khát vọng hòa hợp có trong máu mỗi người Việt, kể cả khi họ ở hai bên chiến tuyến?
Đúng. Có một hình ảnh khác mà tôi còn nhớ là cảnh một anh bộ đội rót nước cho anh lính cộng hòa vừa bị bắt làm tù binh. Khi không phải ở chiến trận, họ là những con người có chung mong ước. Ở đây tôi cũng muốn nói đến một đặc tính của người Việt là không muốn giữ sự thù hằn.
Nhiều cựu binh Mỹ sau này ám ảnh vì những điều họ đã làm và muốn trở lại mảnh đất họ từng gây tội ác nhưng không dám. Họ hình dung sẽ bắt gặp những ánh mắt hận thù, nhưng trái lại nhiều người ngỡ ngàng vì họ được đón tiếp trong sự thân thiện.
Có một người lính Mỹ đã giữ một kỷ vật của người lính mà ông ta đã bắn. Ông ta muốn sang VN để tìm ngôi mộ mà ông ta biết rõ ở vị trí nào. Nhưng trải qua nhiều lo âu, ông ta mới dám sang VN. Tôi được biết về câu chuyện này và cũng không quên hình ảnh người lính Mỹ năm xưa tận tay khiêng chiếc tiểu chứa hài cốt của người lính mà ông ta từng bắn chết để trao lại cho gia đình người đã khuất.
Còn rất nhiều những câu chuyện, những hình ảnh như thế. Nó là cơ sở để ta hiểu khát vọng hòa bình mạnh hơn, che lấp đi sự hận thù.
Người lính giải phóng trong bức ảnh là Diễn (chính trị viên đại đội 6, trung đoàn 8, sư đoàn Hương Giang - Quân khu Trị Thiên - Huế) tiếp nước cho một người lính thuộc lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147 Việt Nam cộng hòa tại cao điểm 550 thuộc mặt trận đường 9 Nam Lào. Tháng 11-1992, lần đầu tiên bức ảnh của phóng viên chiến trường Trọng Thanh được công bố tại nhiều bang của Mỹ đã gây ấn tượng trong giới cựu binh Mỹ và cộng đồng người Việt tại Mỹ - Ảnh: TRỌNG THANH
Trăn trở trong hành trình hòa hợp
* Trước thời điểm 1975, dấu ấn của các thể chế khác nhau cộng với việc phân chia đất nước do chiến tranh có thể là những cản trở cho quá trình hòa hợp dân tộc. Nhìn lại hơn 40 năm trước, ông nhận xét thế nào về những khác biệt và khó khăn của mục tiêu hòa hợp dân tộc?
Lịch sử đã ghi nhận không có một cuộc "tắm máu" nào xảy ra khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Chúng ta cũng thực hiện đúng chủ trương hạn chế tối đa việc phá hủy những giá trị hiện có ngay sau khi giành thắng lợi. Tuy nhiên, ở vào thời điểm ấy, đã có những hạn chế.
Cụ thể là quan niệm phải xóa bỏ những giá trị của tư sản, mà không tính đến việc tiếp thu được những ưu việt của mô hình quản lý kinh tế tư bản.
Hay như một ưu điểm của cách quản trị xã hội của miền Nam trước giải phóng biểu hiện cả ở những việc nhỏ như sự lễ phép trong giáo dục. Học sinh gặp người lớn là khoanh tay chào. Người dân có ý thức trong chấp hành luật lệ giao thông...
Đó là những ưu điểm, lẽ ra nên tiếp nhận để phát huy trong quá trình hòa hợp dân tộc.
* Nhưng có vẻ như việc phổ biến những giá trị văn hóa của miền Nam còn hạn chế về liều lượng so với những sản phẩm văn hóa của miền Bắc?
Tôi không cho rằng có sự phân biệt trong việc phổ biến các giá trị văn hóa giữa các vùng miền, nhất là ở thời điểm hiện tại. Nhưng dĩ nhiên nhìn lại quãng thời gian dài đã qua, có những lúc các sản phẩm văn hóa của miền Nam được nói đến ít hơn.
Hoặc nội dung sách giáo khoa trong nhà trường cũng thiên về miền Bắc hơn như cảnh quan, con người, đặc trưng văn hóa... Quan điểm này đã dần được cải thiện.
* Ông đánh giá thế nào về các chính sách của Đảng - Nhà nước đối với kiều bào, nhất là với những người tản cư sau ngày 30-4-1975?
Phải nói rằng, giờ đây chính sách của Đảng - Nhà nước đã thực sự cởi mở, tạo điều kiện hết sức cho kiều bào về thăm và đóng góp xây dựng quê hương. Trong hơn 4 triệu kiều bào đang định cư ở nước ngoài, rất nhiều người trong số đó đã trở về và đã có những đóng góp nhất định từ tài chính đến chất xám.
Tuy nhiên vẫn còn ít nhiều những định kiến và nếu còn thì cũng chỉ từ phía kiều bào, nhưng số này rất ít.
* Ông có thấy rằng có thời kỳ, một số người Việt ở nước ngoài bị hạn chế trong các hoạt động khi họ muốn thực hiện ở VN?
Trước đây thì có, nhưng những năm gần đây việc này đã thay đổi. Về điều này, tôi chỉ ví dụ như trường hợp ông Nguyễn Cao Kỳ. Ông ta từng là một nhân vật cấp cao của chế độ cũ, từng trực tiếp lái máy bay ném bom miền Bắc.
Nhưng khi ông ta thay đổi suy nghĩ, muốn khép lại quá khứ thì đã được đón chào khi quay về nước. Chuyện này cũng là một minh chứng nữa cho quan điểm luôn thúc đẩy hòa hợp dân tộc.
Lễ khai mạc Trại hè Việt Nam 2017 với chủ đề “Tuổi trẻ kiều bào tự hào về đất phương Nam”, dành cho thanh niên kiều bào khắp nơi trên thế giới về dự tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (19-7-2017) - Ảnh: THẾ ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận