18/04/2018 15:32 GMT+7

'Hai người lính' mong hòa bình mãi mãi

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TTO - Tuổi Trẻ ngày 27-4-2015 đăng câu chuyện xúc động về tấm ảnh “Hai người lính” của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành chụp tại Quảng Trị tháng 4-1973 sau Hiệp định Paris. Không ai ngờ sẽ có ngày hai người lính xưa gặp lại nhau.

Hai người lính mong hòa bình mãi mãi - Ảnh 1.

Ông Bùi Trọng Nghĩa - Ảnh: TỰ TRUNG

Qua kết nối của báo chí, ông Chu Chí Thành đã tìm lại được hai người trong ảnh: anh bộ đội Nguyễn Huy Tạo hiện ở Hà Nội và anh lính Việt Nam cộng hòa hiện sống ở TP.HCM. 45 năm sau, nét mặt ông Bùi Trọng Nghĩa đã phai vẻ bụi bặm, nghịch ngợm trong bức ảnh cũ, thay vào đó là nụ cười rất hiền.

"Mừng chết đi sống lại"

* Cảm xúc của ông thế nào khi vừa rồi được quay lại Quảng Trị, gặp lại cảnh cũ, người xưa?

- Ông Bùi Trọng Nghĩa: Tuyệt vời. Thật là một điều tôi không ngờ lại xảy đến trong đời mình. Mấy mươi năm tôi không còn nhớ về tấm ảnh ấy, vậy mà cuối cùng được gặp lại tất cả: ông Tạo, ông Thành. Rồi Quảng Trị. 

Những gì còn lại trong tôi về nơi ấy là chiến tranh, bom đạn, chết chóc, vậy mà nay phố thị sầm uất, không thể nhận ra. Đúng thật là những thay đổi trong hòa bình.

* Với ông, hòa bình đã đến và diễn ra như thế nào?

- Hòa bình với tôi thì chính là lúc diễn ra sự kiện được ông Thành ghi lại trong tấm ảnh ấy. Bọn lính tráng tuổi 20 chúng tôi hồi đó đâu có quan tâm nhiều đến chính trị, nghe tin ngừng bắn chỉ biết mừng, đúng nghĩa là "mừng chết đi sống lại". 

Vậy nên mới có chuyện chúng tôi sang bên phía quân giải phóng chơi, nói chuyện. Tôi thật sự không nghĩ gì, coi họ như anh em, bạn bè, cùng trải qua khói lửa vào sống ra chết như mình. Khác chiến tuyến là do hoàn cảnh.

Từ sau đó tôi vẫn ở Quảng Trị nhưng được đưa vào đội bóng của tiểu đoàn, được thỏa nguyện say mê thể thao từ nhỏ. 

Rồi đến năm 1975 chiến trường lại ác liệt, chúng tôi được điều về Đà Nẵng vào tháng 2 thay thế lữ đoàn dù. Khi Đà Nẵng giải phóng, chúng tôi bị bắt làm tù binh. 

Đến tháng 6-1975 tôi được thả. Đường về Sài Gòn với tôi khi ấy thật lạ lẫm và nhiều cảm xúc. Rất nhiều hoang mang cho tương lai 22 tuổi của mình, nhưng nhiều hơn hết vẫn là mừng. Mừng vì còn sống và không còn nghe tiếng súng.

* Mừng cho mình hay cho ai?

- Cho tất cả mọi người, nhất là người dân. Có ai hiểu chiến tranh bằng lính, ai mong hòa bình bằng lính. 

Chúng tôi là lính thủy quân lục chiến, được trang bị đầy đủ đến tận răng, được bảo vệ tầng tầng lớp lớp mà trong chiến tranh vẫn chết chóc, vẫn khổ cực thì người dân tay trắng sẽ thế nào. 

Nhà cửa, ruộng vườn của họ bị biến thành chiến trường sẽ thế nào, không cần nói cũng hiểu. Tôi về Sài Gòn, biết mình đã có may mắn lớn nhất đời là được sống và bắt đầu cuộc mưu sinh như họ.

Riêng tôi và mẹ còn có thêm một cái mừng: từ ngày ấy tôi không còn uống rượu. Hồi còn làm lính, còn trẻ nhưng tôi uống rượu nhiều lắm. Uống cho quên buồn, hết sợ mà. Hòa bình tôi bỏ rượu luôn.

Hai người lính mong hòa bình mãi mãi - Ảnh 2.

Người dân ai cũng muốn sống yên bình

* Cuộc mưu sinh sau đó với ông có khó khăn lắm không?

- Khó mà không khó, tôi là người đã vượt qua chiến tranh mà. Thật sự đến hôm nay gia đình tôi vẫn thiếu trước hụt sau nhưng đó là do hoàn cảnh, không phải do thời cuộc. 

Nhiều người giàu có, sung sướng hơn mình, nhưng cũng nhiều người cực hơn cả mình. Hôm rồi ra Quảng Trị thấy bà con mình ngoài ấy còn nghèo, còn cực quá!

Mấy mươi năm hòa bình tôi đã làm đủ nghề, trong đó có năm năm là nhân viên vật tư của Phòng giao thông vận tải Phú Nhuận. 

Hồi đó rất vô tư, làm nhân viên nhà nước, được nhiều người quý là vui, sáng được cấp cái phiếu mua chiếc bánh mì, bao thuốc lá là vui lắm. 

Rồi lại có người nói ra nói vào: "Nó là ngụy". Tôi nghe vậy cũng buồn và xin nghỉ. Từ ấy việc gì nuôi mình, nuôi mẹ được là tôi làm: phụ hồ, bốc xếp, bảo vệ, xe ôm, buôn bán...

Tôi tự nhận xét mình là người lạc quan, yêu đời, yêu người. Cực quen rồi, không nghĩ mình khổ cực. Sống sạch, lương thiện là đủ rồi. Tôi dạy con tôi: làm gì thì làm cho tốt, không để ai ghét bỏ là đủ vui.

* Bây giờ, nhất là vào tháng 4, tấm ảnh "Hai người lính" được nhiều người xem như một chỉ dấu của sự hòa giải, hòa bình. Ông có theo dõi những thông tin đó không?

- Tôi không dùng máy tính, điện thoại chỉ gọi và nghe nên không theo dõi được như mọi người. Tấm ảnh "Hai người lính" đăng báo lần đầu trên Tuổi Trẻ cách nay vài năm tôi không biết cho đến sau này bạn của con tôi phát hiện. 

Ngày 30-4-1975 tôi là tù binh trong rừng, nghe tin Sài Gòn thất thủ, có chút buồn và hụt hẫng nhưng thấy khỏe, vì biết vậy là hết chiến tranh, hết chết. 

Tôi nghĩ không chỉ có các anh bộ đội Bắc Việt và giải phóng quân mới mong muốn hòa bình, hi sinh cho hòa bình, mà chúng tôi cũng vậy, cũng khát khao hòa bình.

Tôi ở miền Nam, ở Sài Gòn nên đi lính cộng hòa, nếu tôi ở miền Bắc sẽ đi bộ đội. Hoàn cảnh là như vậy. Nhà vợ tôi ở Vĩnh Kim, Tiền Giang. 

Hai ông chú mất trong chiến tranh, trên bàn thờ ảnh một ông mặc quân phục bộ đội, một ông mặc quân phục cộng hòa. Chắc có nhiều gia đình như thế. Là người dân, ai cũng muốn sống yên bình.

* Là người Sài Gòn gốc, ông thấy Sài Gòn đã thay đổi thế nào sau hòa bình?

- Rộng lớn hơn. Lộng lẫy hơn. Và cái dễ thấy nhất là đông người hơn. Người Sài Gòn vẫn như xưa, vẫn hào sảng, rộng rãi và hình như càng bao dung hơn vì ngày nay người từ mọi nơi tụ về đông quá, ấy vậy mà Sài Gòn vẫn dung chứa được hết. 

Sinh ra, lớn lên và đã già đi ở đây, Sài Gòn với tôi là cuộc đời. Đi qua cuộc chiến ấy rồi, tôi mong hòa bình ở Việt Nam là mãi mãi.

45 năm, một tấm ảnh

untitled-1

"Hai người lính" - chiến sĩ quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo (trái) và người lính Việt Nam cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa tại tuyến giáp ranh thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tháng 4-1973 và gặp lại nhau đầu năm 2018 ở địa điểm xưa - Ảnh: Chu Chí Thành

45 năm sau, đầu năm 2018 này, sau nhiều năm, nhiều người nỗ lực tìm kiếm, kết nối, một lần nữa hai người đàn ông ấy lại được gặp nhau ngay tại điểm hẹn cũ: chốt Long Quang, xã Triệu Trạch, Quảng Trị, lại khoác vai để ông Chu Chí Thành chụp ảnh.

Hai nụ cười lần này thật tươi, thật thoải mái. Họ đều đã vượt qua cuộc chiến tranh, đều đã hưởng trọn 43 mùa xuân hòa bình trên đất nước mình.

45 năm, tấm ảnh "Hai người lính" đã hoàn thành số phận đặc biệt của mình một cách trọn vẹn nhất.

Ông Nguyễn Huy Tạo:

Vẫn chung một mong ước

img_5712_wwqq 1(read-only)

Ông Nguyễn Huy Tạo - Ảnh: DPV

Ngày vào bộ đội, cầm cây súng, tất cả chúng tôi chỉ có một quyết tâm: giải phóng miền Nam. Sau Hiệp định Paris, rút từ thành cổ Quảng Trị về chốt tại Long Quang, ngừng bắn, lần đầu tôi được gặp gỡ, trò chuyện với những người lính đối phương.

Tôi nhận ra họ cũng là những chàng trai 20 tuổi, đầy ước mơ tương lai như mình, cùng là những người lính khao khát hòa bình bằng cả mạng sống như mình.

Được gặp lại nhau sau 45 năm, chúng tôi vẫn chung một mong ước như ngày xưa: hòa bình sẽ được giữ gìn cho từng gia đình ở Việt Nam cho đến đời đời.

Nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành:

Phe này, phe kia không còn hiện diện

frhc0bp1 1(read-only)

Ông Chu Chí Thành và tấm ảnh để đời - Ảnh: Thuận Thắng

Câu chuyện về tấm ảnh "Hai người lính" là một may mắn lớn trong nghề nghiệp của tôi. Sau 45 năm, việc được gặp lại cả Nghĩa và Tạo là quá sức tưởng tượng, mong đợi.

Chụp lại tấm ảnh của hai người ở chốn cũ, tôi đã âm thầm phóng lên quan sát để so sánh. Quá mừng khi nét mặt của Nghĩa thật không thay đổi. Quá mừng khi bàn tay Tạo đặt trên vai Nghĩa vẫn mở rộng hai ngón y như xưa. Khi ấy tôi mới dám tin rằng đây chính thực là họ, hai người lính tôi tình cờ gặp năm nào.

Hai tấm ảnh với hai người chụp cách nhau 45 năm nói lên được câu chuyện của đất nước. Tấm ảnh ngày xưa chụp ngay nơi chiến trường vừa kịp lặng tiếng súng, tình cảm bột phát, trong sáng, vô tư. Tấm ảnh ngày nay chụp khi hai người đã trải qua cả chiến tranh lẫn hòa bình, tình cảm càng thân thiết, gắn bó.

Chuyện phe này, phe kia trong tấm ảnh trước đã nhòa, trong tấm ảnh sau không hề hiện diện. Ý nghĩa của tấm ảnh là hạnh phúc của ba anh em chúng tôi: Chu Chí Thành - Nguyễn Huy Tạo - Bùi Trọng Nghĩa và là của tất cả mọi người.

​Hai người lính ​Hai người lính

TT - Họ là hai người lính ở hai bên chiến tuyến. Một người là bộ đội miền Bắc, người kia là lính thủy quân lục chiến của miền Nam.

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên