27/04/2015 09:00 GMT+7

​Hai người lính

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TT - Họ là hai người lính ở hai bên chiến tuyến. Một người là bộ đội miền Bắc, người kia là lính thủy quân lục chiến của miền Nam.

Khoảnh khắc được ông Chu Chí Thành, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), ghi lại vào tháng 4-1973

Cả hai cùng đóng quân tại vùng ranh giới Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

Trong một buổi chiều tạm yên tiếng súng, họ cùng choàng vai nhau chụp chung một bức hình kỷ niệm.

Khoảnh khắc này được ông Chu Chí Thành, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), ghi lại vào thời điểm tháng 4-1973. Hơn 40 năm sau, tác giả bức ảnh đã cất công đi tìm lại nhân vật của mình...

Tấm ảnh lịch sử

Ông Chu Chí Thành nay đã ngoài tuổi thất tuần, vẫn còn rất minh mẫn. Trong ngôi nhà có phần cũ kỹ của ông ở một con hẻm trên đường Minh Khai (Hà Nội), rất nhiều bức ảnh về cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc được ông trưng bày.

Nằm ngay ở vị trí trang trọng nhất trong phòng riêng của ông là bức ảnh được phóng khá to về hai người lính khoác vai nhau - một người mặc quân phục bộ đội giải phóng, người còn lại mặc quân phục thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa. Sau lưng hai người là trảng cát rộng của vùng giới tuyến trải dài hơn 2km.

Ông Chu Chí Thành trầm ngâm một lúc lâu như để lục lại ký ức về khoảnh khắc này hơn 40 năm về trước. “Lúc đó, tôi cùng anh Trần Mai Hưởng, cũng là phóng viên của TTXVN, đến chốt Long Quang. Thật bất ngờ về tất cả những gì đang diễn ra ở đây” - ông Thành nói.

Đó là thời điểm tháng 4-1973, tức chỉ khoảng hơn một tháng sau ngày hiệp định Paris được ký kết. Chiến sự được tạm dừng ở vùng ranh giới hai miền. Ông Thành vẫn nhớ rất rõ thời điểm ông đến chốt Long Quang, ở hai bên ranh giới vẫn chĩa súng về phía nhau.

Tuy nhiên, đến buổi chiều thì mọi chuyện hoàn toàn thay đổi. Một nhóm bộ đội miền Bắc ra vẫy tay gọi í ới vào chốt của quân đội miền Nam ở bên kia ranh giới, mời mấy anh em qua bên này uống nước chè xanh.

“Tôi cứ ngỡ là chuyện đùa. Nhưng mấy phút sau một nhóm bốn năm người lính cộng hòa kéo dây ranh giới để qua chốt của quân giải phóng” - ông Thành kể chậm rãi.

Hai bên bắt tay, chia nhau chén nước chè xanh, hút chung điếu thuốc lá Điện Biên và cùng trò chuyện cười đùa. Những người lính phía miền Nam nói giọng miền Nam cũng mang sang một chai rượu nếp đen làm quà cho bộ đội miền Bắc.

Một anh lính thủy quân lục chiến thấy ông Chu Chí Thành cầm máy ảnh nên gọi: “Nhà báo ơi, chụp cho tôi với anh bộ đội giải phóng tấm hình kỷ niệm”.

Nói rồi, hai người lính đến khoác vai nhau tươi cười hồn nhiên. Bấm xong mấy bức hình, ông Thành đứng trân người đến mức quên mất chuyện hỏi tên tuổi của hai người lính.

“Cách đó mấy cây số về phía nam súng vẫn đang nổ, nhưng tại điểm ranh giới này họ nói chuyện với nhau rôm rả, không giống những người lính ở hai bên chiến tuyến. Nhìn cái cách mà hai người lính ấy choàng tay nhau, tôi biết rằng ngày đất nước thống nhất đã sắp đến” - ông Thành xúc động.

Tìm người trong ảnh

Ông Thành ở vùng giới tuyến giai đoạn này hơn ba tháng mới về Hà Nội. Từ lúc chụp bức ảnh tại chốt Long Quang cho đến khi về rửa phim, tráng ảnh xong, ông mới sững người vì đã quên hỏi tên của hai người lính đó.

Tấm ảnh được ông giấu kỹ cho đến năm 2007 mới công bố. Ông đặt tên cho tấm ảnh là Hai người lính. Dù ảnh đã có tên, nhưng ông Thành nói vẫn cứ luôn canh cánh trong lòng một nỗi niềm. Ông thấy mình như còn mắc nợ vì cái sự “quên” đáng trách đó nên quyết đi tìm thông tin về hai người lính.

Ông mang tấm ảnh tìm đến những người bạn từng chiến đấu tại chiến trường thành cổ Quảng Trị giai đoạn từ 1972-1973 để hỏi. Hết người này đến người khác đều lắc đầu. “Ai cũng nói chiến tranh bom đạn ác liệt, chỉ những người cùng tiểu đội mới biết nhau. Có người cùng đơn vị chưa kịp hỏi tên nhau đã hi sinh”.

Cách đây mấy năm, ông có quen một nữ phóng viên, ông cũng đưa tấm ảnh cho cô này nhờ đưa lên mạng Internet để “may có người biết”.

Tính đến khi chúng tôi tìm gặp ông, đã hơn 40 năm sau khoảnh khắc ấy và cũng đã hơn chục năm ông tìm kiếm, nhưng vẫn vô vọng.

Gặp chúng tôi, ông cũng không quên gửi gắm nỗi lòng của mình, có cách gì tìm giúp ông. Và chúng tôi đã cất công đi tìm. Thật may mắn, trong khi tìm về điểm chốt Long Quang (Quảng Trị) ngày ấy, chúng tôi đã gặp được một manh mối.

Ông Phan Tư Kỳ, nguyên là xã đội trưởng xã Triệu Trạch thời điểm năm 1972-1973, xem kỹ bối cảnh tấm ảnh rồi dẫn chúng tôi ra lại đường ranh giới hai miền giữa trảng cát năm nào để xác định vị trí nơi ra đời tấm ảnh.

Đây là vị trí mà vào thời điểm sau hiệp định Paris, trung đoàn 48 thuộc sư đoàn 320 đóng quân. Nhưng có đến năm đại đội thuộc hai tiểu đoàn được rải quân theo từng nhóm đóng chốt dọc theo đường ranh giới dài hơn 2km.

“Tôi chỉ biết chừng đó. Không thể nhớ được là người trong ảnh thuộc đại đội nào” - ông Kỳ lắc đầu.

Ông Lê Vũ Bằng, nguyên ủy viên Ủy ban xã Triệu Trạch, phụ trách binh vận tại chốt Long Quang thời điểm đó, dù “thấy quen quen” nhưng cũng không nhớ là ai. Liên lạc với một số cựu binh thuộc trung đoàn 48 thời điểm ấy tại Quảng Trị nay ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, chúng tôi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Đã tìm được người bộ đội

Trời Quảng Trị trở gió bấc khi dịp kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất đến gần. Cuộc điện thoại ngắn ngủi thông báo cho ông Chu Chí Thành về kết quả tìm kiếm không được như ý vừa dứt trong tiếng thở dài tiếc nuối, thì một cuộc điện thoại khác bất ngờ đến.

Điện thoại từ ông Phan Tư Kỳ. “Có manh mối rồi. Ngày mai có một đoàn cựu binh C5 (đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48) ở Thạch Thất (Hà Nội) sẽ ghé về Long Quang thăm chiến trường xưa” - ông Kỳ reo lên.

Ông Chu Chí Thành - nguyên chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên phóng viên ảnh TTXVN, tác giả của bức ảnh Hai người lính - trước hội trường Thống Nhất, TP.HCM chiều 26-4 - Ảnh: Thuận Thắng

Mong tìm được người còn lại trong bức ảnh

Vậy còn người lính Việt Nam cộng hòa trong bức ảnh là ai? Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Lai, từng là lính địa phương của quân đội Việt Nam cộng hòa đóng tại vùng ven thị xã Quảng Trị thời điểm năm 1972-1973, cũng đóng quân ở xã Triệu Trạch, hiện sống tại Vũng Tàu.

Ông Lai nhớ đóng ở chốt Long Quang thời điểm đó là một đơn vị quân chủ lực thuộc lực lượng thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa. Ông Phan Tư Kỳ, nguyên xã đội trưởng xã Triệu Trạch thời điểm đó, xác nhận người lính cộng hòa trong bức ảnh thuộc tiểu đoàn 5, lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến Việt Nam cộng hòa.

“Thời điểm đó tôi cũng hay nói chuyện với lính bên đơn vị này. Họ toàn nói giọng miền Nam và nhiều người cho biết họ lớn lên từ cô nhi viện” - ông Kỳ nói.

Ông Chu Chí Thành là người vui nhất khi tìm được một người trong bức ảnh này. Ông cũng giải tỏa được nỗi niềm trong lòng mình mấy mươi năm qua. Tuy nhiên, ông vẫn rất muốn tìm lại người lính Việt Nam cộng hòa chụp chung trong bức hình đó.

“Tôi luôn xem tấm ảnh này như là biểu tượng hòa hợp của hai miền” - ông Thành nói. Khi tấm ảnh này được đăng lên ở đây, nếu người lính này vẫn còn thì hãy cho ông nhà báo chiến trường này được gặp. Hoặc ai biết anh ấy thì xin mách mối giúp. 

Đúng 9g sáng 21-4, chiếc ôtô chở đoàn cựu binh vừa đến Long Quang, ông Phan Tư Kỳ mang theo bức hình của chúng tôi chạy ra đưa cho đoàn. Hơn 20 người lính C5 chuyền tay nhau bức ảnh và lục lại ký ức hơn 40 năm trước. Ai cũng nói thấy người bộ đội trong bức ảnh quen mặt nhưng không nhớ là người nào.

Trong buổi trưa cùng ngày, bức ảnh được những cựu binh này chuyển đi khắp tất cả các ban liên lạc của trung đoàn 48 tại các tỉnh thành trong cả nước qua đường Internet. Đúng 16g40 cùng ngày, một cuộc điện thoại lạ bất ngờ đến. Đó là ông Đỗ Bê, nguyên là đại đội trưởng đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48.

Ông Bê khẳng định người trong bức hình chính là lính của đại đội mình năm ấy. Để chúng tôi chắc chắn, ông Bê nối điện thoại cho chúng tôi gặp ông Đỗ Thành Chấm, là một người lính của đại đội 5.

Ông Chấm khẳng định người bộ đội trong bức hình này là bạn thân của ông từ thời niên thiếu ở thôn 2, Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội, tên là Dương Minh Sắc, sinh năm 1954. Hai người nhập ngũ cùng ngày và ở cùng đơn vị nhiều năm.

Tuy nhiên, ông Chấm thở dài: “Tiếc là Sắc đã mất vì bệnh nặng cách đây mấy năm”. Lần theo địa chỉ của ông Chấm đưa, chúng tôi vào Huế tìm vợ của ông Sắc. Bà Đỗ Thị Thim, vợ ông Sắc, vào Huế sống với anh trai là một cựu chiến binh người Thái Bình hiện kinh doanh khách sạn ở đây.

Tay run run cầm bức ảnh chúng tôi đưa, bà Thim chạy vào tủ lấy ra một tập hình kỷ niệm của vợ chồng đem ra so sánh. “Đây, cái mũi và cặp mắt này thì không lẫn đâu được. Đúng là ông Sắc nhà tôi thời trẻ” - bà Thim nói.

Theo bà Thim, hai ông bà gặp nhau tại Nga khi cả hai cùng đi xuất khẩu lao động năm 1990, một năm sau thì cưới nhau và sinh con. Thời điểm bà gặp ông Sắc cách thời điểm chụp bức ảnh này đến 17 năm sau nên ngoại hình ông có nhiều thay đổi.

Nhưng những nét trên khuôn mặt này rất khó nhầm lẫn. Khi lấy nhau, ông Sắc cũng kể cho bà nghe rất nhiều về cuộc chiến ác liệt ở Quảng Trị, nhưng ông chưa một lần kể về việc chụp bức ảnh này.

“Những ngày ở Nga ông ấy cũng hay kể chuyện chiến trường. Có lúc kể về giai đoạn sau hiệp định Paris mới thấy ông vui hơn một chút. Bởi khi đó, lính hai bên tại vùng giáp ranh qua lại với nhau rất bình thường. Văn công về biểu diễn bên này thì cũng gọi lính bên kia qua xem chung” - bà Thim nói.

Năm 2008, tức gần một năm trước khi mất, ông Sắc cứ nằng nặc đòi về thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị.

Và sau khi thỏa nguyện ước mong này, ông qua đời. “Chồng tôi chỉ có hình ảnh từ thời điểm năm 1990 trở về sau. Khi đó anh Sắc đã 37 tuổi. Không ngờ anh lại còn một hình ảnh ở tuổi 20 như thế này” - bà Thim nói.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên