24/12/2020 10:46 GMT+7

Nhà nước càng hiện đại càng ít can thiệp

NGUYỄN VẠN PHÚ
NGUYỄN VẠN PHÚ

TTO - Có không ít người bàn luận về chuyện bỏ quy định cấm hát nhép trong văn bản pháp luật vừa mới ra đời, trong khi điểm quan trọng nhất của văn bản này lại ít được nhắc đến.

Toàn văn nghị định 144 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn không còn dùng từ "xin phép", "cấp phép"; ngay cả từ "giấy phép" chỉ còn trong phần nhắc lại văn bản cũ về các quy định chuyển tiếp.

Đây là một quan điểm đúng đắn về mối quan hệ giữa người dân và Nhà nước; người dân có quyền tổ chức ca hát, đóng kịch, diễn hài - không việc gì phải "xin phép" và Nhà nước cũng không có chức năng "cấp phép" trong trường hợp này. 

Chỉ có khái niệm "thông báo tổ chức biểu diễn nghệ thuật" và Nhà nước trong vai trò quản lý xem xét các điều kiện về an ninh trật tự, y tế, cháy nổ để có văn bản chấp thuận hay không.

Chuyện bỏ khái niệm giấy phép càng rõ hơn với hoạt động người đẹp trong nước đi dự thi các cuộc thi sắc đẹp thế giới. Nay không còn phải làm đơn xin phép, không còn quy định đã đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp trong nước… tuy vẫn còn thủ tục đề nghị cấp văn bản xác nhận dự thi; không rõ xác nhận để làm gì, xác nhận bằng cách nào. 

Nghị định 144 cũng bỏ chuyện "các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam" cũng như "tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài" phải gởi hồ sơ xin phép mới được phổ biến. 

Bỏ việc phân biệt đối xử như thế là một việc làm đúng đắn, Nhà nước không thể và không nên ngồi xét duyệt từng tác phẩm để cho phép phổ biến.

Từ đó nhìn lại chuyện một số người phản ứng với việc bãi bỏ quy định cấm hát nhép là hiểu sai tinh thần của nghị định này. Vai trò của Nhà nước không thể là can thiệp vào từng chi tiết các hoạt động thường ngày trong cuộc sống. Hát nhép hay không hát nhép là trách nhiệm của từng nghệ sĩ với khán giả. 

Vừa sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật mà vừa cầm micro đưa lên để xuống y như đang hát "sống" là lừa dối và hình phạt là sự tẩy chay của khán giả, là sự lên án của đồng nghiệp, chứ không phải là một hình thức chế tài nào từ phía Nhà nước.

Bỏ quy định cấm hát nhép là Nhà nước trao lại trách nhiệm đó cho giới nghệ sĩ, tự giám sát nhau để giữ uy tín cho nghề nghiệp. Tiền thuế của dân không thể sử dụng cho một đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước đi kiểm tra xem ai hát nhép ai không. 

Ở đây bỏ quy định không phải là khuyến khích hát nhép, cổ xúy cho cái xấu, sự thiếu trung thực. Nó đơn giản chỉ là trao cái trách nhiệm ấy cho chính người nghệ sĩ và hội nghề nghiệp của họ.

Một nhà nước hiện đại là nhà nước càng ít can thiệp vào cuộc sống của người dân càng tốt. Không một nhà nước nào có thể ngồi biên soạn hết các quy định cụ thể, chi tiết trường hợp nào được phép hát nhép, trường hợp nào không; hay ai được đi thi người đẹp quốc tế, ai chưa. 

Nghị định 144 với một số điều đổi mới được ra đời theo tinh thần đó.

Không còn khái niệm Không còn khái niệm 'ca khúc trước 1975', thi người đẹp quốc tế không cần danh hiệu trong nước

TTO - Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Thủ tướng ký ban hành đã bỏ các khái niệm ‘cấp phép’, ‘tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam’, người đẹp đi thi sắc đẹp quốc tế không cần phải đạt danh hiệu trong nước.

NGUYỄN VẠN PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên