Không gian nhà máy chè cổ Cầu Đất trở thành phòng tranh độc đáo nhờ cách dùng ánh sáng và kỹ thuật sử dụng không gian - Ảnh: SANG NGUYỄN
Ngày 8-12, chương trình nghệ thuật đa hình thái Phố Bên Đồi 2018 với chủ đề "Sống lại vàng son" đã khai mạc ngay bên trong một nhà máy sản xuất chè thuộc vùng chè Cầu Đất. Nhà máy này đã xây dựng cách đây hơn 90 năm dưới sự chỉ huy của người Pháp.
Nền thời gian
Ngay trong buổi khai mạc, 125 tác phẩm hội họa của gần 50 nghệ sĩ trẻ và đã thành danh, cùng chuyên gia các lĩnh vực khảo cổ, kiến trúc, âm nhạc… đã ra mắt khán giả. Với người xem, các tác phẩm là hành trình ghi nhận những giá trị cần được bảo tồn của Đà Lạt của Phố Bên Đồi lần 3. Ở đó, người xem có thể thấy một Đà Lạt buồn vui với những điều còn mất. Có những bức vẽ là nỗi nhớ, ước mơ của họa sĩ.
Tranh ký họa khổ lớn do nhiều họa sĩ cùng thực hiện - Ảnh: M.VINH
Ông Nguyễn Trung Hiền, sáng lập Phố Bên Đồi, cho biết thông qua nghệ thuật đương đại đa hình thái, Phố Bên Đồi lan tỏa những hình ảnh đậm nét Đà Lạt tới cộng đồng, góp sức đưa thành phố vượt lên chính mình thông qua lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, củng cố và tạo ra hồn cốt mới dựa trên những giá trị đặc chất Đà Lạt.
Tầm nhìn dài hạn của dự án Phố Bên Đồi là dồn hết sức sáng tạo với mong muốn Đà Lạt trở thành điểm đến văn hoá độc đáo của khu vực Đông Nam Á. Đà Lạt có danh phận rạng rỡ và xứng đáng để trở thành nơi dồn những nỗ lực sáng tạo phát triển văn hoá.
Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu trao đổi về bảo tồn đô thị Đà Lạt cùng các chuyên gia đến từ châu Âu - Ảnh: M.VINH
Nhiều nghệ sĩ đã thành danh tham gia Phố Bên Đồi
Phố Bên Đồi lần 3 đáng chú ý ngoài khối lượng tác phẩm đủ sức dẫn dắt người xem lạc giữa vàng son một thời của Đà Lạt thì còn giá trị bởi sự tham gia của những nghệ sĩ đã thành danh và đang tạo được dấu ấn mới trong cộng đồng nghệ thuật. Lĩnh vực kiến trúc có Nguyễn Yến Phi (Thạc sỹ kiến trúc Đại học Harvard, Mỹ), người điều phối chung về chuyên môn. Ở lĩnh vực hội họa có các hoạ sĩ: Lê Kinh Tài, Bùi Tiến Tuấn, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Quang Sơn, Đặng Phan Lạc Việt, Nguyễn Thế Thông,…Ở lĩnh vực âm nhạc có nghệ sĩ quốc tế dòng nhạc dân ca đương đại Ngô Hồng Quang, Nguyên Lê (nhạc sĩ Jazz và nhà soạn nhạc hàng đầu của Việt Nam, sống tại Pháp).
Bên cạnh triển lãm hội hoạ là các hoạt động nghệ thuật đương đại diễn ra trong 3 tháng (8-12-2018 và 28-2-2019). Các hoạt động chính đều diễn ra bên trong không gian của nhà máy chè cổ. Không gian tổ chức Phố Bên Đồi lần 3 gây ấn tượng mạnh khi lấy một nhà xưởng sản xuất chè của Cầu Đất Farm được xây dựng cách đây hơn 90 năm.
Những tranh vẽ về Đà Lạt hiện nay và của ký ức được treo lên những bức tường, những cối chè, những khung sắt mang đầy vết tích thời gian. Ký ức, thực tại qua tranh đan xen trên nền của quá khứ là ý tưởng của ban tổ chức khi chọn nhà máy chè làm không gian triển lãm cũng như tổ chức các hoạt động nghệ thuật đương đại.
Vừa đi vừa vẽ ký ức
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm 125 năm hình thành Đà Lạt (1893 – 2018) kỳ vọng thu hút 45.000 lượt khách tham quan đến thành phố Đà Lạt cũng như đến vùng nông nghiệp Cầu Đất để tìm lại những ký ức xưa của Đà Lạt thông qua tranh và các hoạt động nghệ thuật khác.
Tranh ký hoạ vẽ một khu dân cư Đà Lạt - Ảnh: M.V chụp lại
Chương trình có sự hợp tác của Cộng đồng ký hoạ Việt Nam - Urban Sketchers Việt Nam (thành viên của Cộng đồng ký hoạ Thế giới) với sự tham gia của 60 hoạ sĩ trong nước thuộc Cộng đồng ký hoạ Việt Nam - Urban Sketchers Việt Nam và khách mời là các hoạ sĩ đến từ Mỹ, Hong Kong, Singapore, Nhật Bản,…Các nghệ sĩ ký hoạ vẽ những ấn tượng mạnh của họ về Đà Lạt. Ngay sau khi vẽ, tranh được triển lãm ngay trong không gian của nhà máy chè. Có hơn 200 tác phẩm ký hoạ đã được hoàn thành.
Góc đường Tăng Bạc Hổ - Trương Công Định (P.1, Đà Lạt) đã in dấu nhiều thế hệ - Ảnh: M.V chụp lại
Các tác phẩm hiển hiện những dấu vết ký ức. Dấu vết ấy có thể là cả một căn nhà cổ, một khu biệt thự đang hoang phế hay những công trình sắp bị phá bỏ, những con dốc đá hình thành đã hơn 50 năm, những khu phố xen lẫn những con đường mới - cũ,….Và sau mỗi lần bắt gặp ký ức, các hoạ sĩ ngồi lại và bắt đầu vẽ.
Mọi hoạt động ký hoạ diễn ra ngay tại nơi các hoạ sĩ tìm được cảm xúc mạnh mẽ nhất. Nói theo cách của ban tổ chức, cả Đà Lạt là một xưởng vẽ và từng chủ thể dù lớn dù nhỏ đều là nguyên bản để nghệ sĩ sáng tác.
Nhà ga xe lửa Đà Lạt được ký hoạ trong thời gian rất ngắn trước khi đưa vào triển lãm - Ảnh: M.V chụp lại
Vũ Đức Chiến, Sáng lập Cộng đồng ký hoạ Việt Nam, cho hay: "Các thành viên tham gia ký hoạ Đà Lạt cho biết ban tổ chức không giới hạn chủ đề, tuy nhiên nhũng bức vẽ đa số tập trung vào các công trình cổ đang được bảo tồn và cả những công trình đang bị hư hại nặng có thể biến mất trong thời gian sắp tới.
Một căn biệt thự cổ nằm trong quần thể biệt thự Pháp trên đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt - Ảnh: M.V chụp lại
Các nghệ sĩ cho biết thông qua các bức vẽ của mình, họ muốn gửi thông điệp đến những người làm công tác bảo tồn kiến trúc và cộng đồng dân cư khắp nơi thông điệp về những giá trị tuyệt vời của các công trình cổ tại Đà Lạt. Từ đó, tìm sự đồng cảm và tăng cường ý thức bảo tồn, phát triển đô thị".
Theo chân những người vẽ ký hoạ đến từ khắp nơi, chúng tôi ghi nhận bên cạnh những cảm xúc yêu thương là cảm xúc bùi ngùi dành cho Đà Lạt bởi sự khắc nghiệt của thời gian với những giá trị văn hoá đặc biệt.
Góc nhìn của hoạ sĩ Phạm Anh Chương về biệt thự cổ tại Đà Lạt thông qua ký hoạ - Ảnh: M.V chụp lại
Một nhà nguyện đã bỏ hoang - Ảnh: M.V chụp lại
Đa số các tác phẩm ký hoạ tham gia triển lãm Phố Bên Đồi 2018 lấy biệt thự cổ làm chủ đề cho sáng tác - Ảnh: M.V chụp lại
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận