Ông Hạ Kiến Khuê trả lời phỏng vấn trong phòng thí nghiệm ở Thâm Quyến - Ảnh: YICAI
Nếu quả thật các nhà khoa học Trung Quốc tạo ra được những đứa trẻ có bộ gen đã chỉnh sửa theo ý muốn, đây sẽ là một bước nhảy vọt của khoa học nhưng cũng... gây nhiều tranh cãi.
Sửa gen để miễn nhiễm HIV/AIDS
Theo trang Sina phiên bản tiếng Trung, ngày 26-11, ông Hạ Kiến Khuê, nhà khoa học đến từ ĐH Khoa học và kỹ thuật miền Nam (SUST) ở Thâm Quyến, tuyên bố ông vừa tạo ra được hai bé gái biến đổi gen đầu tiên trên thế giới.
Gen của cặp sinh đôi có tên Lộ Lộ và Na Na đã được chỉnh sửa để có khả năng chống lây nhiễm virút HIV/AIDS.
Thông tin này đã gây chấn động giới khoa học. Nếu đúng như những gì ông Hạ nói, đây sẽ là một bước ngoặt lịch sử của Trung Quốc trong công nghệ chỉnh sửa gen để ngăn ngừa bệnh tật.
Hiện nghiên cứu của ông Hạ chưa được xuất bản trên bất kỳ tạp chí khoa học nào. Tuy nhiên, ông Hạ đã tiết lộ thông tin với một trong những nhà tổ chức của một hội nghị quốc tế về biến đổi gen ở Hong Kong đầu tuần này.
Trong nghiên cứu trên, ông Hạ cho biết đã điều chỉnh phôi cho tổng cộng 7 cặp vợ chồng trong quá trình điều trị khả năng sinh sản. Tuy nhiên, chỉ 1 cặp thành công tới thời điểm hiện tại. Tất cả đàn ông trong thí nghiệm đều nhiễm HIV, trong khi các phụ nữ thì không.
Nhà khoa học Trung Quốc nói rằng mục đích của ông không phải chữa trị hay ngăn ngừa một căn bệnh di truyền, mà chỉ cố gắng đưa vào gen đó một khả năng mà ít người có được bẩm sinh. Đó là khả năng chống lại việc lây nhiễm virút HIV/AIDS.
"Xã hội sẽ quyết định phải làm gì tiếp theo", ông Hạ Kiến Khuê trả lời Hãng tin AP, khi được hỏi về khả năng biến đổi gen ở con người sẽ được phép hay cấm đoán.
Tranh cãi
Ngay sau tuyên bố của ông Hạ, Trường SUST cho biết sẽ mở một cuộc điều tra về vụ việc này. Thông tin này cũng khiến các nhà khoa học chính thống cảm thấy sốc.
"Thật không thể chấp nhận vì thí nghiệm trên con người hiện không được bảo vệ về mặt đạo đức" - tiến sĩ Kiran Musunuru, chuyên gia về biến đổi gen tại ĐH Pennsylvania (Mỹ), phản ứng.
Trong khi đó, tiến sĩ Eric Topol, giám đốc Viện nghiên cứu Scripps ở California (Mỹ), đánh giá nghiên cứu này còn "quá sớm".
Tuy nhiên, nhà di truyền học nổi tiếng George Church đến từ ĐH Harvard (Mỹ) lại ủng hộ mục đích biến đổi gen để chống lại virút HIV, trong bối cảnh loại virút này là "mối đe dọa ngày một lớn đối với sức khỏe cộng đồng".
Những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện một công cụ chỉnh sửa gen khá dễ dàng có tên CRISPR-cas9. Công cụ này có khả năng cung cấp một gen cần thiết hoặc vô hiệu hóa một gen gây bệnh.
Ông Hạ cho biết trong thí nghiệm trên, ông chỉnh sửa gen liên quan tới HIV vì loại virút này đang là vấn đề nan giải tại Trung Quốc. Để hai em bé Lộ Lộ và Na Na sở hữu khả năng bẩm sinh trên, ông đã tìm cách xóa bỏ một gen có tên CCR5. Đây là gen mà virút HIV sử dụng như một đồng thụ thể để xâm nhập tế bào.
Gần đây, công cụ này được thử nghiệm ở người trưởng thành để điều trị một số bệnh nan y và những thay đổi này chỉ hoạt động với duy nhất người đó. Theo báo Wall Street Journal, từ năm 2015 tới nay, các nhà khoa học Trung Quốc đã chỉnh sửa gen của ít nhất 86 bệnh nhân ung thư và HIV ở nước này bằng kỹ thuật chỉnh sửa CRISPR-cas9.
Tuy nhiên, chỉnh sửa tinh trùng, trứng hoặc phôi lại là câu chuyện khác. Các nhà khoa học chính thống cho rằng những chỉnh sửa đối với gen có thể sẽ di truyền cho các thế hệ sau và có nguy cơ gây hại cho các gen khác.
"Nghiên cứu này đã đi quá xa phạm vi cho phép trong vấn đề công nghệ và hậu quả không thể dự trắc. Đây nhất định là tiêu điểm tranh luận về mặt đạo đức" - tiến sĩ Trương Lâm Kỳ, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tổng hợp HIV/AIDS của ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), bình luận.
Ở Mỹ, việc chỉnh sửa gen như thế này bị cấm, chỉ trừ trường hợp nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Trong khi đó, Trung Quốc mới chỉ cấm nhân bản vô tính, chưa có quy định cụ thể đối với công nghệ chỉnh sửa gen.
Một phân tích hồi năm 2014 của ĐH Hokkaido (Nhật) cho thấy có 29 quốc gia trên thế giới đang có lệnh cấm rõ ràng về mặt pháp lý đối với chỉnh sửa gen trên con người như Canada, Anh, Úc, Hàn Quốc...
Tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Ireland, các lệnh cấm cũng được đưa ra nhưng không có cơ chế thực thi rõ ràng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận