Nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê - Ảnh: AP
Phần lớn các nhà nghiên cứu đều nhất trí cho rằng các cơ quan/tổ chức y tế và khoa học nên hành động nhanh chóng.
Tuy nhiên cách tiếp cận vấn đề của họ lại khác nhau, kể cả những nhà khoa học đã phát minh ra phương pháp chỉnh sửa gen Crispr là phương pháp ông Hạ Kiến Khuê đã sử dụng.
Theo báo New York Times, một số nhà nghiên cứu Mỹ, trong đó có tiến sĩ Matthew Porteus - nhà nghiên cứu di truyền học tại ĐH Standord, cho biết ông Hạ Kiến Khuê từng thông báo trước với họ về dự án thử nghiệm chỉnh sửa gen trong phôi thai người của ông, tuy nhiên họ đã không thể ngăn ông Hạ thực hiện dự án đó.
Nguyên nhân một phần vì hệ thống tổ chức của Trung Quốc quá phức tạp nên các nhà khoa học đã không biết cần phải cánh báo về sự việc này với ai. Do đó nếu có một hệ thống khoa học mang tính toàn cầu, khó khăn này có thể loại bỏ.
Các nhà khoa học lo sợ các em bé chỉnh sửa gen có thể nảy sinh trục trặc sức khỏe khôn lường và rồi sẽ di truyền lại cho những thế hệ sau.
Họ cũng lo ngại kỹ thuật chỉnh sửa gen có thể bị lạm dụng để thay đổi các gen tạo ưu thế về thể chất đặc biệt như khỏe mạnh hơn, thông minh hơn, tài năng hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới sẽ thành lập một ủy ban để thiết lập những tiêu chuẩn toàn cầu về các thử nghiệm chỉnh sửa gen người.
Các lãnh đạo của Viện hàn lâm Y học quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia của Mỹ cùng Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc đã đề xuất thành lập một ủy ban bao gồm đại diện của các viện hàn lâm tại nhiều nước nhằm phát triển các tiêu chuẩn để giới khoa học ở các địa phương không thể tiến hành thử nghiệm nguy hiểm này.
Đề xuất cũng bao gồm việc thành lập "một cơ chế quốc tế tạo điều kiện giúp các nhà khoa học có thể lên tiếng cảnh báo những lo ngại liên quan đến vấn đề".
Ngay tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), các đại biểu cũng đã dành riêng một phiên thảo luận về vấn đề này trong ngày 24-1.
Việc thực thi quy định pháp luật để phòng ngừa tiến hành các thí nghiệm chỉnh sửa gen sẽ là việc của từng quốc gia.
Thực tế, nhiều nước trên thế giới cũng đã có những điều luật và quy định liên quan. Tuy nhiên các tiêu chuẩn toàn cầu do các nhà khoa học thiết lập sẽ là động lực lớn thúc đẩy tiến trình thực thi các nguyên tắc quản lý và kiểm soát vấn đề chỉnh sửa gen tốt hơn trên phạm vi toàn thế giới.
Trung Quốc nhân bản vô tính 5 con khỉ đã được chỉnh sửa gen
Mới đây, theo đài DW (Đức), truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 24-1 thông báo các nhà khoa học nước này đã có 5 con khỉ được nhân bản vô tính từ một con khỉ đã chỉnh sửa gen để phục vụ công tác nghiên cứu, điều trị bệnh ở người.
Thông tin này lại làm dấy lên những lo ngại mới về kỹ thuật chỉnh sửa gen người, sau vụ việc gây chấn động với hai bé gái song sinh của nhà khoa học Hạ Kiến Khuê.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã chỉnh sửa gen của một của một con khỉ để nó bị chứng rối loạn giấc ngủ, rồi nhân bản vô tính con vật này 5 lần.
Đây là lần đầu tiên nhiều con khỉ nhân bản vô tính đã được tạo ra từ một con khỉ chỉnh sửa gen vì các mục đích y học.
Truyền thông Trung Quốc khẳng định công trình này hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức trong nghiên cứu trên động vật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận