30/04/2022 07:58 GMT+7

Nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ phát triển công cụ chẩn đoán sớm cho người Việt

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - TS Đỗ Vân Khanh (33 tuổi) từng là một trong 30 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ, nay đã có thêm nhiều nghiên cứu ấn tượng trong phát triển các công cụ chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer và ứng dụng vào các bệnh phổ biến khác ở Việt Nam.

Nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ phát triển công cụ chẩn đoán sớm cho người Việt - Ảnh 1.

TS Đỗ Vân Khanh hướng dẫn sinh viên thực hành tại phòng thí nghiệm của Trường ĐH Phenikaa - Ảnh: P.K.A.

Sau khi nhận giải thưởng của Viện Sức khỏe Hoa Kỳ (National Institute of Health, NIH) dành cho 30 nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ ngành khoa học về thần kinh năm 2020, TS Đỗ Vân Khanh được NIH mời về làm việc và nhận được hỗ trợ nghiên cứu từ quỹ phát triển của viện này.

Tuy nhiên cô đã chọn trở về Việt Nam giảng dạy và nghiên cứu với hy vọng sẽ thành lập được nhóm nghiên cứu riêng tại Việt Nam về lipidomics và các ứng dụng của lipidomics. Nay Vân Khanh đã trở thành trưởng nhóm nghiên cứu tiềm năng của Trường ĐH Phenikaa.

"Tôi mong muốn truyền cảm hứng, tinh thần học tập và đam mê nghiên cứu cho sinh viên, đặc biệt là các bạn nữ sinh để các bạn có thể tự tin hơn, chủ động tham gia nghiên cứu khoa học"

TS Đỗ Vân Khanh

Chẩn đoán sớm Alzheimer dựa vào võng mạc mắt

Trở về Việt Nam tháng 4-2021, ngay thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Các nghiên cứu của cô về bệnh Alzheimer bắt đầu từ nghiên cứu chẩn đoán sớm dựa vào những bất thường trên lớp võng mạc của mắt.

Các kết quả từ nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America (PNAS), một trong những tạp chí khoa học lâu đời và uy tín ở Mỹ.

Bên cạnh đó, cô còn có các nghiên cứu hợp tác với Viện Karolinska, Thụy Điển - một viện nghiên cứu về y khoa hàng đầu của thế giới, là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức hội đồng lựa chọn nhà khoa học đạt giải thưởng Nobel Y học hằng năm.

Một nghiên cứu ấn tượng của Vân Khanh là sử dụng các chất lipid có hoạt tính sinh học (lipid mediators) có dẫn xuất từ DHA (Docosahexaenoic Acid) nhỏ mũi giúp làm chậm diễn tiến bệnh Alzheimer. Phương pháp này được cho là một liệu pháp có thể ứng dụng rộng rãi vì không phải xâm lấn vào cơ thể người bệnh. Kết quả của nghiên cứu này được đăng trên tạp chí khoa học Nature - Communications Biology tháng 3-2022.

Gần đây nhất là nghiên cứu chẩn đoán sớm bệnh mất trí nhớ sử dụng công cụ phân tích lipidomics có trong dịch não tủy của các bệnh nhân Alzheimer ở Thụy Điển ở các giai đoạn khác nhau, vừa được đăng trên tạp chí Cellular and Molecular Neurobiology (tháng 4-2022).

Giáo sư Bazan, thầy hướng dẫn của Vân Khanh, cho hay: "Công cụ này cho phép phát hiện nguy cơ bệnh từ 20-30 năm trước khi các triệu chứng mất trí nhớ xảy ra. Từ đó đưa ra các liệu pháp chữa trị kịp thời giúp làm chậm lại diễn tiến của bệnh, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân, đặc biệt giúp họ giữ lại những kỷ niệm, ký ức đẹp đẽ nhất với người thân".

Nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ phát triển công cụ chẩn đoán sớm cho người Việt - Ảnh 3.

TS Đỗ Vân Khanh lúc còn ở Mỹ - Ảnh: NVCC

Về nước hiện thực hóa những giấc mơ

Vân Khanh chia sẻ: "Về Việt Nam giữa đỉnh điểm của dịch COVID-19, nên khi thấy Trường ĐH Phenikaa đăng thông tin tuyển dụng, tôi đã dành thời gian tìm hiểu về trường và quyết định nộp hồ sơ. 

Với sự hỗ trợ của khoa y, phòng khoa học công nghệ và các đồng nghiệp, tôi đã hoàn thành đề án xây dựng nhóm nghiên cứu, đề xuất xây dựng phòng thí nghiệm, kết nối với các nhà khoa học quốc tế khởi tạo những hướng nghiên cứu đầu tiên".

Học tập và sinh sống ở Mỹ gần 10 năm, Vân Khanh mong muốn được về Việt Nam để chia sẻ, truyền đạt các kiến thức hiện đại mà cô đã học tập, tích lũy trong khoảng thời gian này tới thế hệ trẻ. Bên cạnh mục tiêu nghiên cứu, cô còn giảng dạy tại khoa y và các khoa thuộc khối ngành khoa học sức khỏe của trường.

GS.TS Phạm Thành Huy - hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa - cho hay ông rất ấn tượng khi đọc hồ sơ của Đỗ Vân Khanh và những kết quả nghiên cứu mà cô đã đạt được trong thời gian học tập, nghiên cứu tại Mỹ.

"Tôi đã chia sẻ với Vân Khanh về những khó khăn có thể gặp phải khi nhận vai trò là người đầu tiên mở một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới trong nước, và đã bất ngờ khi cô ấy quyết định rất nhanh và đầy quyết tâm sẽ chấp nhận những thử thách này", ông Huy cho biết.

Ưu tiên nghiên cứu chẩn đoán sớm cho người Việt

Khi về Việt Nam, Vân Khanh nhận ra rằng số lượng bệnh nhân trong nước qua đời mỗi năm vì ung thư và tim mạch ngày càng cao nên càng mong muốn có thể sớm phát triển và ứng dụng công cụ chẩn đoán sớm cho hai căn bệnh nan y này.

"Ở Mỹ, tôi từng tham gia các hội nghị khác nhau về lipid, và thấy thực tế cũng đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng như vậy. Với tư thế là người tiên phong, tôi hy vọng có thể liên kết được các nhà nghiên cứu ung thư, tim mạch hàng đầu tại Mỹ, các nhà khoa học người Việt Nam trong nước và đang ở nước ngoài để hỗ trợ, cùng hợp tác nghiên cứu trong những dự án sắp tới của tôi ở quê hương", Vân Khanh chia sẻ.

Ngoài ra, việc phát triển các mô hình dự đoán nguy cơ bệnh, hỗ trợ chẩn đoán sớm các bệnh này bằng cách liên kết các yếu tố không thay đổi (di truyền - genomics) và các yếu tố thời điểm (lipidomisc) để tối ưu hóa và tăng tính chính xác của mô hình cũng được Vân Khanh và cộng sự tập trung nghiên cứu.

Các phương pháp phân tích truyền thống như sinh hóa, huyết học và chẩn đoán hình ảnh cũng sẽ được lồng ghép để đánh giá mô hình dự đoán bệnh này.

Nữ tiến sĩ trẻ Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng quốc tế về khoa học thần kinh Nữ tiến sĩ trẻ Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng quốc tế về khoa học thần kinh

TTO - TS Hà Thị Thanh Hương - trưởng bộ môn kỹ thuật mô và y học tái tạo, khoa kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - vừa trở thành nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng Early Career Award.


TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên