Ngày 19-1, ông Lê Khắc Hồng cùng các chủ nhà thầu tổ chức cuộc gặp gỡ với báo chí thông tin về tiến độ, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Đây là nhà ga xây mới, công suất 20 triệu khách/năm, theo ông Hồng là nhà ga nội địa lớn nhất trên cả nước. Khi đưa vào khai thác, công suất của sân bay Tân Sơn Nhất bao gồm nhà ga T1, T2, T3 sẽ đạt 50 triệu khách/năm.
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có ba hạng mục chính. Cụ thể, hạng mục nhà ga hành khách có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500m2. Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt.
Hạng mục nhà xe và trung tâm dịch vụ phi hàng không. Đây là tổ hợp gồm 2 tầng hầm, 4 tầng nổi và khối nhà để xe máy 3 tầng nổi được kết nối với nhau bằng hành lang cầu. Bên cạnh đó, còn có hạng mục hệ thống đường tầng và công trình phụ trợ như sân đỗ máy bay, sân đỗ ô tô, đường giao thông nội cảng...
Ông Hồng cho biết đến nay không còn vướng mắc khó khăn về đất đai hơn 16ha cho dự án nhà ga T3. Ngày 15-5-2024 sẽ hoàn thành toàn bộ phần thô nhà ga. Đến ngày 10-8-2024 sẽ hoàn thiện phần thô nhà xe và trung tâm thương mại. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 24 tháng, tính từ ngày khởi công. Theo tính toán của chủ đầu tư, tháng 6-2025 sẽ đưa vào khai thác nhà ga mới này.
Dù khó khăn trong quá trình thi công vì mặt bằng chật hẹp nhưng các chủ thầu vẫn phối hợp nhịp nhàng từng công đoạn. Chủ đầu tư triển khai nhiều giải pháp đảm bảo tiến độ.
Chẳng hạn, nguồn lực thi công ngay từ đầu gồm lao động, thiết bị, vật tư vật liệu.
Đồng thời chia nhỏ khu vực thi công để thi công cuốn chiếu, thực hiện thi công 2 ca trong ngày. Kiểm soát tiến độ 15 ngày và có giải pháp bù tiến độ. Thực hiện cam kết 3 bên, chủ đầu tư, ngân hàng, nhà thầu về dòng tiền thanh toán.
"Đến nay, không có nhà thầu nào chậm tiến độ cả" - ông Hồng nói.
Nhà ga T3 là "thành phố hàng không"
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online, trưởng ban dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cho biết sẽ tích hợp đa dạng các công nghệ, tiện ích ở nhà ga mới này. Điều này nâng tầm trải nghiệm mới mẻ đến khách hàng và hướng nhà ga này là "thành phố hàng không".
Nhà ga được thiết kế theo hướng kết hợp dịch vụ hàng không trong và ngoài nhà ga. Nếu đưa hết dịch vụ vào, nhà ga không đảm bảo công suất 20 triệu khách/năm.
"Ý tưởng này ở nước ngoài phổ biến nhưng Việt Nam mới hình thành. Chúng tôi sẽ mang dịch vụ “thành phố hàng không” triển khai ở nhà ga T3, tăng tiếp xúc giữa người đi và người đưa tiễn" - ông Hồng nói.
Nhà ga T3 vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 ki ốt check-in, 27 cửa ra tàu bay. Bên cạnh đó, nhà ga có 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách đi.
Đặc biệt nhà ga được thiết kế 8 cửa kiểm soát an ninh và 1 khu riêng biệt phục vụ hành khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên....
Lo kéo dài thời gian nhập khẩu thiết bị nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Một thông tin đáng chú ý, phần lớn trang thiết bị lắp đặt cho nhà ga T3 Tân Sơn Nhất được nhập khẩu từ các thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc... Tuy nhiên, căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển, kéo dài thời gian giao hàng.
Một cán bộ nhà thầu Ricons cho biết làm việc chặt chẽ với đối tác thời gian giao hàng. Dự kiến tháng 5 đến tháng 9-2024, các khâu lắp đặt thiết bị sẽ "vào việc", hàng hóa vẫn cung ứng đủ, đảm bảo tiến độ.
Còn ông Lê Khắc Hồng, trưởng ban dự án nhà ga T3, cho biết chủ đầu tư yêu cầu chủ thầu báo cáo lịch trình hàng hóa đi trên tàu đến đâu, khi nào tới. Từ đó, kiểm soát kỹ hơn về thời gian, tránh bị động ảnh hưởng tiến độ chung của dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận