Ngày 26-8 tới đây, các gói thầu quan trọng của dự án sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sẽ chính thức khởi công đồng loạt. Ông Lại Xuân Thanh - chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - cam kết các dự án sẽ thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Trao đổi với Tuổi Trẻ trước thềm khởi công các gói thầu quan trọng ở hai sân bay trên, ông Thanh nêu rõ:
- Với dự án "siêu sân bay" Long Thành, quan trọng nhất dự án là gói thầu nhà ga và khu bay, tức là đường hạ cất cánh, đường lăn.
Trong đó gói thầu nhà ga dự kiến hoàn tất sau 39 tháng và khu bay là 23 tháng. Các nhà thầu đã cam kết dự án sẽ đúng tiến độ, đồng bộ đi vào hoạt động cùng lúc. Dự kiến giai đoạn 1 đi vào khai thác vào quý 4-2026.
Khiếu nại "không ảnh hưởng đến tiến độ"
* Xung quanh gói thầu nhà ga hành khách (gói 5.10) với trị giá 35.233 tỉ đồng, thời gian qua có những khiếu nại, ông nói gì về vấn đề này?
- Cho đến bây giờ ACV vẫn xử lý kiến nghị của một nhóm liên danh không vượt qua đánh giá về yêu cầu kỹ thuật thi công gói thầu 5.10 sân bay Long Thành.
Chúng tôi sẽ có thông báo chính thức về việc chốt nhà thầu. Trong thông báo kết quả cũng sẽ nêu rõ lý do liên danh nhà thầu đã không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật.
Thời gian qua do đang trong giai đoạn xét thầu, các thông tin liên quan được bảo mật theo quy định của pháp luật về đấu thầu nên ACV chưa trả lời cụ thể lý do.
Tuy nhiên, điều quan trọng là ACV hoàn toàn tự tin đã đảm bảo nguyên tắc, minh bạch, công bằng đối với người trúng thầu, không trúng thầu.
Theo tôi, những kiến nghị vừa rồi của một nhóm liên danh sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ. ACV chịu trách nhiệm trước pháp luật, Nhà nước về kết quả chọn nhà thầu. Còn khiếu nại, kiện là quyền của người ta, mình tôn trọng.
* Với những hợp đồng trị giá hàng chục ngàn tỉ đồng, ACV có quy định gì ràng buộc nhà thầu đảm bảo đúng tiến độ?
- Ngay khi nhà thầu nộp hồ sơ, trình bày các đầu bài để triển khai dự án, chúng tôi đã đánh giá, chấm điểm rất kỹ "đầu vào, đầu ra" trong quá trình nhà thầu đăng ký dự thầu. Trên cơ sở hồ sơ kỹ thuật, nhà thầu phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, thông lệ quốc tế, yêu cầu của công trình.
Chúng tôi cũng thuê giám sát uy tín đến từ Nhật Bản để thực hiện kiểm tra chất lượng, tiến độ công trình. Rút kinh nghiệm của Việt Nam khi thực hiện các dự án tổ chức nhà thầu, khâu hợp đồng cực kỳ quan trọng.
Đến khi có vấn đề phát sinh, không thể xử lý được vì không có quy định, ai cũng bảo vệ quyền lợi của mình. Bởi vậy, ngoài tuân thủ quy định, kiểm soát nhà thầu chính, nhà thầu phụ như thế nào chứ không thể thả "đem con bỏ chợ".
* Liên danh trúng thầu có nhiều doanh nghiệp tham gia, ACV kiểm soát thế nào?
- Chúng tôi tự tin lựa chọn được nhà thầu. Bài thi nhóm nhà thầu rất tốt với điểm số hơn 900/1.000 điểm. Tức là phương án giải quyết vấn đề nhà thầu đưa ra khá hài lòng.
Liên danh có nhiều công ty, ACV không kiểm soát riêng lẻ mà trên sản phẩm, tiến trình thực hiện dự án.
Chất lượng đã có đơn vị tư vấn giám sát kiểm tra. Mình đã tốn nhiều tiền để thuê giám sát tiến độ, chất lượng. Còn ACV sẽ kiểm soát kết quả làm việc chứ không can dự vào điều hành mối quan hệ trong liên danh.
* Thưa ông, ACV có thể yêu cầu nhà thầu chính thay nhà thầu phụ không nếu nhận thấy nhà thầu phụ không đáp ứng được năng lực?
- Nhà thầu phụ cũng nằm trong sự kiểm soát của chủ đầu tư. Không thể nhà thầu chính muốn lựa chọn nhà thầu phụ nào cũng được. Có sự kiểm tra về năng lực, quyền của chủ đầu tư về kết quả của nhà thầu phụ.
ACV có quyền yêu cầu nhà thầu chính sa thải nhà thầu phụ khi không đảm bảo yêu cầu chất lượng. Quyền và nghĩa vụ của các bên được cụ thể hóa vào hợp đồng. Và cố gắng lường trước được tình huống có thể xảy ra khi đi vào thi công. Nếu có phát sinh là đã có những hướng xử lý.
Để làm được điều này không đơn giản. ACV ký hợp tác với nhà tư vấn pháp lý là công ty hàng đầu thế giới. Trong đó, liên danh này có hai nước ngoài và một Việt Nam. Phải có doanh nghiệp Việt Nam bởi cần có doanh nghiệp am hiểu pháp luật Việt Nam.
Tư vấn cho chủ đầu tư suốt quá trình rà soát, thương thảo, ký kết hợp đồng, triển khai thực hiện dự án và pháp lý nảy sinh sau khi thực hiện dự án. Đó là những giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Tự tin về nguồn vốn
* Nguồn thu giảm mạnh sau ba năm dịch Covid-19, liệu ACV có đảm bảo đủ vốn cho dự án, thưa ông?
- Cho đến nay chỉ mới phát sinh thêm dự án nhà ga sân bay Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), còn lại nguồn vốn cho các dự án của ACV đều nằm trong kế hoạch. Tức là đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phê duyệt cân đối nguồn vốn.
Dù có khó khăn trong ba năm dịch bệnh nhưng doanh thu, lợi nhuận vẫn ổn, chưa kể các khoản nguồn vốn được hỗ trợ giãn nợ. Có thêm một thông tin tích cực là ACV đang làm việc, thống nhất với ngân hàng cho vay để giảm phần vay ngoại tệ.
Theo kế hoạch ban đầu, ACV sẽ vay ngoại tệ 2,1 tỉ USD nhưng sau khi cân đối lại nguồn vốn, công ty chỉ vay khoản 1,7 - 1,8 tỉ USD.
Dưới mức 2 tỉ USD, ACV được nhóm ngân hàng nhà nước như: BIDV, Vietcombank, VietinBank thu xếp vốn. Do đó nói về nguồn vốn ACV vẫn tự tin. Nếu có thiếu quá vẫn còn room để vay.
* Nhưng muốn sân bay phát huy được hiệu quả sau khi được đưa vào hoạt động, hệ thống giao thông kết nối vào sân bay cần phải đồng bộ, nhưng vấn đề này lại nằm ngoài thẩm quyền của ACV?
- Trong các tuyến giao thông quốc gia kết nối sân bay, lo nhất vẫn là cao tốc TP.HCM - Long Thành. Bây giờ đã tắc rồi, nếu không sớm nâng lên 10 làn xe, tình hình ùn tắc sẽ càng nghiêm trọng hơn khi sân bay Long Thành được đưa vào khai thác. Đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm mà ACV kiến nghị với Bộ GTVT.
Với tỉnh Đồng Nai, ACV cũng kiến nghị cần quyết liệt, đẩy nhanh việc triển khai đầu tư các tuyến đường kết nối số 1 và số 2, đường giao thông phục vụ công tác thi công dự án. Nếu triển khai chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của sân bay.
Cho đến hôm nay, tôi nghe báo cáo tuyến số 1 đã giải phóng mặt bằng hơn 80%, trong khi tuyến số 2 mới chỉ đạt khoảng 20 - 30%. Còn tuyến giao thông tiếp cận nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vẫn đang tích cực triển khai.
* Các tiện ích của sân bay Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có được đầu tư đồng bộ những công nghệ hiện đại như những sân bay quốc tế lớn khác không?
- Ngoài những áp dụng công nghệ tiên tiến nhất về hàng không, riêng hướng công nghệ là theo hướng mở. ACV không chốt ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) mà đóng chốt ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật, tức là công nghệ mới nhất tính tới hiện tại vẫn có quyền đưa vào.
Đây là hướng mở về mặt công nghệ đảm bảo làm thủ tục tự động, nhận diện khuôn mặt... thế giới có gì là Việt Nam đều có ở sân bay mới. Về mặt cảnh quan được thiết kế gần thiên nhiên, vẫn có thác nước, mảng xanh và thiết kế vẫn thể hiện tính văn hóa, bản sắc.
* Công nghệ vận hành rất quan trọng. Làm sao để doanh nghiệp làm chủ được công nghệ ở sân bay mới hay đơn vị nước ngoài khai thác, vận hành?
- Đó là những điều chúng tôi trăn trở. Sự quan trọng về làm chủ công nghệ thể hiện rõ khi ACV quyết định tách gói công nghệ thông tin AI ra khỏi gói xây dựng.
Việc tách ra nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn. Bởi nếu đưa vào gói xây dựng, nhiều khả năng các công ty trong liên danh trúng thầu không có năng lực về công nghệ thông tin.
ACV quản lý tổ chức đấu thầu, tổ chức chặt chẽ gói thầu này. ACV làm chủ các công nghệ lõi, tự triển khai công nghệ vào khai thác nhà ga ở Nội Bài, Tân Sơn Nhất... mà ACV đã triển khai và áp dụng thành công.
* Không chỉ yêu cầu đúng tiến độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu chủ đầu tư không được để dự án "đội vốn", ACV có bị áp lực hay không?
- Thời gian qua, Thủ tướng có những chỉ đạo chung về mặt chiến lược nhưng có những chỉ đạo rất cụ thể, trực tiếp. Chẳng hạn với nhà ga T3 Tân Sơn Nhất kéo dài hơn một năm vì câu chuyện đất đai, Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bí thư Thành ủy TP.HCM và các bộ trưởng đã họp trực tiếp tại hiện trường để xử lý nhằm chuyển giao 16,3ha đất quốc phòng để làm dự án.
Do đó chúng tôi cũng chịu áp lực chứ. Nhưng áp lực cũng để cố gắng, quyết tâm thực hiện. Cho đến nay các nhà thầu đã sẵn sàng, kể cả nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau lễ khởi công, dự án sẽ được triển khai ngay, không phải câu giờ. Chúng tôi đã sẵn sàng để thực hiện công trình trọng điểm quốc gia về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
* Trong quá trình triển khai dự án sân bay Long Thành, ACV có kêu gọi các hãng bay trong nước và quốc tế tham gia các gói thầu nhỏ liên quan?
- Khi làm chủ trương, chúng tôi đã tính đến phương án quy hoạch khai thác giữa Tân Sơn Nhất và Long Thành. Các hãng hàng không Việt Nam cũng đã tham gia ban đầu và đã chuẩn bị kế hoạch.
Trong các diễn đàn quốc tế, ACV quảng bá về công trình sân bay Long Thành, thu hút khách tham gia. Câu chuyện Việt Nam sẽ có cảng hàng không lớn ở phía Nam được tuyên truyền rộng rãi. Còn về chính sách thu hút các hãng bay, cụ thể sẽ được hoạch định xây dựng, còn hiện nay tập trung vào xây dựng cảng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận