Năm nào tôi cũng phải đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho căn nhà đã bán từ lâu. Không đóng thì tôi bị nợ thuế và phạt vì trễ.
Cơ quan thuế yêu cầu mang hợp đồng mua bán tới để họ cắt nhưng nhà tôi đã bán lâu rồi nên không còn giữ hợp đồng mua bán nữa. Giờ tôi phải làm thế nào để không phải đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp khi nhà đã bán, hợp đồng mua bán không còn?
N.P.N. (Đồng Nai)
Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời về việc đóng thuế phi nông nghiệp như sau:
Về đối tượng chịu thuế và người nộp thuế phi nông nghiệp:
Theo quy định tại điều 2 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì đối tượng chịu thuế là:
- Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.
- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bao gồm: đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất khai thác, chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.
- Đất phi nông nghiệp quy định tại điều 3 của luật này sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Theo quy định tại khoản 1 và 2 điều 4 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 48/2010/QH12 năm 2010 thì người nộp thuế là:
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại điều 2 của luật này.
- Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế.
Trường hợp của bà đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở từ lâu.
Hợp đồng chuyển nhượng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bạn đã bàn giao nhà đất. Người mua đã sử dụng nhà đất ổn định trong suốt thời gian dài không có tranh chấp.
Vì vậy người mua là người phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp kể từ thời điểm bạn hoàn tất thủ tục ký hợp đồng chuyển nhượng có công chứng và bàn giao nhà, đất cho người mua.
Đối với nội dung không tiếp tục nộp thuế và tính lại số thuế đã đóng:
Bà cần liên hệ với người mua để được cung cấp các giấy tờ liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng và tìm hiểu người mua đã hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng như đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; sang tên chuyển chủ sở hữu tại văn phòng đăng ký đất đai thuộc phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có nhà đất. Sẽ có ba tình huống xảy ra:
- Người mua chưa thực hiện việc đăng ký biến động, sang tên chủ sở hữu thì bạn yêu cầu người mua phải thực hiện;
- Người mua đã thực hiện việc đăng ký biến động, sang tên chủ sở hữu thì bạn phải yêu cầu người mua phải liên hệ văn phòng đăng ký đất đai, phòng tài nguyên và môi trường để được cập nhật biến động;
- Bà không liên lạc được với người mua: Trong trường hợp vì một lý do nào đó không liên lạc được với người mua thì bà có thể yêu cầu phòng công chứng nơi đã ký hết hợp đồng cung cấp bản sao hợp đồng chuyển nhượng theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 65 Luật Công chứng năm 2014.
Khi có đầy đủ giấy tờ liên quan đến việc chuyển nhượng thì bà liên hệ cơ quan thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có nhà và đất để trình bày sự việc và xem xét giải quyết cho bà không tiếp tục đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Về số tiền mà cơ quan thuế đã thu (sai người nộp thuế) thì bà có thể yêu cầu cơ quan thuế xem xét, giải quyết để bà được nhận lại số tiền này.
Riêng với người mua thì cơ quan thuế sẽ ghi nhận nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của người mua, nếu không liên lạc được với người mua thì ghi nợ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận