Lời tâm tình của ông Bảy Bôn (tên thường gọi ở nhà của ông Nguyễn Duy Hùng, 71 tuổi) - nhân vật trong bài Một người sáng nuôi năm người tối Tuổi Trẻ đăng 20 năm trước - hòa vào tiếng máy xay xát lúa ồn ã.
Ông Bảy Bôn và những bôn ba
Cái xưởng ở xóm nhỏ Tân Lộc Ngọc (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam) mà ông xay xát lúa gạo lấy tiền công, cũng là nơi đứa cháu nội Nguyễn Ngọc Phước phụ giúp ông trong cuộc sinh nhai.
Niềm hy vọng trong 'căn nhà tối' của gia đình ông Bảy Bôn
Phước, đứa con của ngôi nhà toàn những người mù ấy, vừa trúng tuyển vào ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Trường đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng với số điểm khối A00 là 26,05. Chừng ấy thôi đủ làm "căn nhà tối" ấy sáng bừng.
Điều đứa cháu nội vừa làm được khiến ông Bảy Bôn vui nhưng xen lẫn nỗi lo.
Cả đời cơ cực, gồng gánh nuôi gia đình mù lòa, đến tuổi xế chiều, ông đầy tâm trạng: "Thằng Phước vô đại học là ngoài sức tưởng tượng, cái lo của tôi còn nằm ở phía trước".
Bỏ dở câu nói, ông nặng nhọc bưng thau lúa đổ vào máy xay.
Phước kề bên bảo người ông gầy guộc: "Thôi nội vào nhà nghỉ đi, để cháu làm".
Cậu trai khỏe khoắn vác từng thau lúa đổ vào máy. Dòng gạo trắng tinh chảy ra, bụi bặm tỏa khắp xưởng.
Bảy Bôn, cái tên gợi đủ về một cuộc đời bôn ba, khắc khổ. Quá khứ ùa về, ông kể gần nửa thế kỷ trước, vợ chồng dắt díu rời quê đi kinh tế mới ở Đắk Lắk. Sinh con đầu lòng là lúc mắt vợ ông, bà Mai Thị Lộc có dấu hiệu mờ dần, sau vài năm ông lại đưa cả nhà về quê, mắt vợ cũng mù hẳn từ đó.
Bốn người con (3 trai, 1 gái) sinh ra lành lặn, nhưng cũng chẳng may, đều lần lượt bị bệnh mắt như bà Lộc, rồi mờ dần. Có người mù hẳn bởi những bệnh như: thoái hóa giác mạc, đục thủy tinh thể, sẹo giác mạc dính nhãn cầu.
Bôn ba hết viện này qua viện nọ, chỉ có một người con trai đỡ hơn chút, thị lực được 30-40%, còn lại đều chìm trong bóng tối.
Ông Bảy Bôn gồng gánh gia đình bằng đủ thứ nghề, nhiều lúc mong ước chỉ một người trong gia đình mắt lành lặn, cùng phụ ông những vất vả ngược xuôi.
"Cảm ơn đời cho cả nhà ngọn đèn sáng"
Trong nhà, bà Lộc cùng anh Nguyễn Ngọc Lan (cha của Phước) quờ quạng tay vào bức tường mò mẫm đi ra sân, bà hỏi: "Ai đó ông?", ông đáp: "Phóng viên báo Tuổi Trẻ đến khảo sát trao học bổng cho thằng Phước. Bà vô nhà đi, kẻo ngã".
Còn nhớ bảy năm trước đến nhà, các con ông lần mò trong bóng tối mưu sinh, người bán vé số dạo, người làm thuê. Còn ông quần quật ở xưởng xay xát lúa gạo, đàn heo, bò, rảnh bán thêm vé số. Ngày đó Phước chỉ lớp 5 đã vào xưởng phụ việc.
Giờ đây ông Bảy Bôn khoe rằng cậu bé như đốm sáng trong căn nhà u tối, niềm hy vọng, chỗ dựa của mọi người.
Các con ông, sau những lần được phẫu thuật, có người thị lực đỡ đôi chút nhưng chẳng thể phục hồi hoàn toàn, hiện đã có cuộc sống riêng, còn bà Lộc, anh Lan sống cảnh mù lòa, nương nhờ vào ông. "Phước là hy vọng lớn nhất, cảm ơn đời cho cả nhà ngọn đèn sáng", ông xúc động.
Anh Lan từng có vợ, nhưng khi Phước 5 tuổi, không chịu nổi cảnh cả nhà quờ quạng trong bóng tối nên người vợ đi lấy chồng khác. "Gia đình chấp nhận vì hoàn cảnh, để cô ấy kiếm hạnh phúc riêng chứ không than trách", ông Bảy Bôn kể.
Sớm cảm nhận gia cảnh, Phước càng mạnh mẽ. "Không tủi, em lấy đó làm động lực", Phước nhủ.
Từ nhỏ cậu phụ ông làm việc nhà, rồi chăn bò, xay xát lúa. Ba năm cấp 3, được đồn biên phòng nhận đỡ đầu, nuôi ăn ở, những lúc về nhà lại lao vào xưởng với ông.
Khó khăn chưa bao giờ làm cậu chùn bước, 12 năm đều khá, giỏi. Cậu sớm nhận thông báo đủ điều kiện trúng tuyển ngành kỹ thuật cơ điện tử, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng với điểm số 28,02 bằng phương thức xét tuyển kết quả học tập THPT (học bạ).
Và bây giờ trúng tuyển nguyện vọng 1 vào cũng trường này. Ước mơ trở thành kỹ sư nhen nhóm. "Những tưởng nhà toàn bóng tối, nhưng trời cho thằng Phước sáng sủa, nó trúng tuyển ai cũng mừng run", bà Lộc rơm rớm.
Bán heo, bò... chắc đủ cho cháu nhập học
Từng tủi hổ vì nghĩ là gánh nặng cho cha và con trai, nhưng anh Lan không ngồi một chỗ ăn bám.
Mùa đông, lần mò trong bóng tối cùng cây gậy dò đường trên tay, xấp vé số, anh rong ruổi mưu sinh. Ngày nắng thì không thể ra đường bởi người yếu ớt, bao phen bán vé số bị ngất xỉu giữa đường do say nắng. "Thằng bé học giỏi, đỗ đại học, giờ tui hết tủi", anh mừng.
20 năm trước, đọc bài viết về gia đình ông Bảy Bôn, bạn đọc Tuổi Trẻ đã sẻ chia, hỗ trợ gần 100 triệu đồng, vợ con ông được hỗ trợ đến bệnh viện lớn phẫu thuật, cứu vãn mắt.
Ánh sáng vẫn chưa thể đến đúng nghĩa với họ, nhưng số tiền lớn ấy, ông chắt chiu không xài phí, bởi đó là tấm lòng của xã hội.
Mua chiếc máy xay xát lúa rồi mở xưởng, đầu tư nuôi heo, bò, gà nuôi kiếm lãi, một ít gửi ngân hàng lận lưng phòng vợ, con ốm đau, ông Bảy Bôn miệt mài ở xưởng.
Vật vã với áo cơm bao năm chẳng nhớ, chỉ thấy mái đầu đã bạc, gần hết một đời người. Tuổi già nhưng chí không già, làm bà con lối xóm nể phục.
Phước nhủ vài ngày nữa sẽ ra TP Đà Nẵng, cậu nhờ anh chị đồng hương ngoài đó nên đã kiếm được việc phụ quán cà phê và sẽ bắt đầu hành trình vừa học vừa làm nuôi ước mơ.
Còn trước câu hỏi "Tiền đâu cho cháu ăn học?", ông Bảy Bôn đáp gọn: "Đàn heo, bò, gà nuôi lâu nay, chắc đủ cho thằng bé trang trải bước đầu. Còn chút sức, thân già này cũng lo".
Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận