Đó là những việc nhỏ mà Nguyễn Thị Thu Trang (28 tuổi) - nhà bảo tồn động vật hoang dã được trao giải thưởng Future For Nature dành cho các nhà bảo tồn động vật hoang dã quốc tế đã và đang tích góp mỗi ngày - chia sẻ trên trang cá nhân của cô.
Thu Trang và các thành viên đội đặc nhiệm phòng chống săn trộm tại Vườn quốc gia Kruger (Nam Phi) - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tôn trọng trái đất
Thu Trang là người sáng lập và điều hành tổ chức WildAct tại Việt Nam về bảo tồn động vật hoang dã, là đại sứ cho quỹ United for Wildlife của Hoàng gia Anh. Tháng 5-2018, cô cho ra mắt sách Trở về nơi hoang dã, và dự định đóng góp 100% lợi nhuận cho các hoạt động bảo tồn tại Việt Nam.
Trang đã đặt chân cũng như làm nghiên cứu tại rất nhiều khu bảo tồn động vật hoang dã trên thế giới - Ảnh do nhân vật cung cấp
"100 điều nhỏ nhặt tôi làm cho trái đất" của Trang được khởi đầu bằng cái thảm chùi chân mà Trang tự tết từ áo thun cũ vào ngày 29-9-2016.
Từ đó đến nay, danh sách những điều nhỏ nhặt của Trang cứ dài thêm: không dùng ống hút nhựa, chai nhựa, dùng sữa hạt thay vì sữa động vật, không dùng cốc giấy, khăn ướt một lần, không xem xiếc thú, hạn chế mua đồ take away và thực phẩm chế biến bọc màng nhựa, mua kem chống nắng không chứa chất phá hủy rặng san hô, dùng túi vải, không mua cá, chim để phóng sinh, dùng xơ mướp để tắm, sử dụng băng vệ sinh bằng vật liệu tự hủy hoặc băng vệ sinh vải, không nhuộm tóc…
Tháng 4-2018, Trang đã nhận giải thưởng Future For Nature dành cho các nhà bảo tồn động vật hoang dã quốc tế - Ảnh do nhân vật cung cấp
Đi kèm mỗi hành động, Trang đều nêu rõ lý do, ảnh hưởng đến môi trường, giới thiệu cách làm và những phương án thay thế tốt hơn cho môi trường.
"Việc thay đổi thái độ và hành vi là cả một hành trình dài. Tôi bắt đầu album 100 điều nhỏ nhặt cũng chính vì đã nghe rất nhiều điều tương tự. Tôi muốn cho mọi người thấy rằng có hàng ngàn, vạn cách để thích ứng với cuộc sống hiện đại mà vẫn bảo vệ môi trường và thiên nhiên", Trang nói.
Với Trang, trái đất rất đáng để tôn trọng bởi "nước mình uống, không khí mình thở, thức ăn mình dùng hàng ngày đều là do trái đất ban tặng. Sống trên trái đất này, bất cứ hành động nào của mình, lựa chọn của mình... tưởng chừng rất nhỏ nhưng đều có tác động đến trái đất".
"Một mình tôi chỉ có thể làm được 100 điều. Nhưng khi mỗi người cùng thực hiện 100 điều của riêng mình, thì đó không còn là những điều nhỏ nữa. Nó đã trở thành một đại dương", Trang chia sẻ.
Mỗi lần đi thực địa, cô đều nhặt rác trong rừng. Điều đầu tiên mà bất cứ ai tham gia nhóm khi đi thực địa với cô cần phải tuân thủ đó là tôn trọng rừng, nghĩa là không vứt rác ra rừng, hạn chế tối đa ảnh hưởng của hoạt động con người lên rừng, không đánh đập, giết chóc, săn bắt bất cứ loài động vật nào trong rừng.
Hành trình đến châu Phi
Ngồi trên ghế dành cho diễn giả trong một buổi nói chuyện về bảo tồn, Thu Trang trong trang phục quần tây, áo sơ mi, giày vải giản dị kể về hành trình của mình. Hiện tại cô đang hoàn thành luận án tiến sĩ nghiên cứu về vấn đề người châu Á sang sinh sống ở châu Phi mang theo kiến thức và văn hóa sử dụng sản phẩm động vật hoang dã trong y học truyền thống truyền bá đến người châu Phi.
Cô gái mảnh khảnh với nước da sạm nắng - bởi bao chuyến thực địa xuyên rừng từ châu Á đến châu Phi làm dự án bảo tồn về voi, gấu, tê giác, vượn, khỉ…, có lối nói chuyện liến thoắng đầy tự tin và năng lượng.
Thu Trang làm việc với các giáo viên địa phương tại Kenya - Ảnh do nhân vật cung cấp
Trang kể ước mơ làm bảo tồn của cô đã có từ khi còn là một cô bé 8 tuổi. "Hồi đó, ở Việt Nam có phong trào làm giàu nuôi gấu lấy mật. Một lần đi học về muộn, nghe tiếng con vật kêu thảm thiết từ nhà hàng xóm, tôi rướn qua tường nhòm vào và trông thấy một con gấu đang bị vật ra.
Một người đeo găng tay, cầm ống tiêm rất to đâm vào giữa ngực nó để lấy mật. Vẻ đau đớn của con gấu tội nghiệp đó khởi đầu cho ước mơ trở thành nhà bảo tồn động vật của tôi", Trang kể.
Hình ảnh chú hươu cao cổ trong một khu bảo tồn được Trang chụp lại
15 tuổi, khi đang là học sinh chuyên sinh trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Trang viết email gửi cho các tổ chức bảo tồn động vật và được nhận vào làm tình nguyện viên tại tổ chức TRAFFIC - mạng lưới kiểm soát buôn bán động - thực vật hoang dã trong suốt hơn một năm rưỡi.
Tốt nghiệp PTTH, Trang quyết tâm theo học ngành bảo tồn động vật và cơ hội đến khi cô trúng tuyển vào Đại học Liverpool (Anh) chuyên ngành bảo tồn động vật hoang dã. Hoàn thành chương trình cử nhân, Trang xuất sắc giành học bổng cao học toàn phần tại Đại học Cambridge và Đại học Kent.
Suốt thời gian đó, Trang vừa học ở trường, vừa tham gia các dự án nghiên cứu bảo tồn động vật ở Madagascar, Boneo, Việt Nam, Campuchia, Nam Phi và Kenya.
Cam kết với điều mình yêu
Trang kể, gian nan của một nhà bảo tồn động vật là những chuyến đi trong rừng hàng tháng trời, ngủ lều không chút tiện nghi, những lần bị lạc giữa rừng, những lần thót tim khi ngồi trên xe của những kẻ buôn bán ngà voi trang bị súng ống, là định kiến "phụ nữ mà vào rừng", phụ nữ mà đen đúa...
Trong một chuyến thực địa tại khu bảo tồn Ol Pejeta (Kenya) - Ảnh do nhân vật cung cấp
"Nhưng đó giống như là cam kết của bản thân mình với công việc mình thực sự đam mê. Nghe có vẻ mơ mộng nhưng tình yêu thiên nhiên, động vật hoang dã và đam mê với nghề chính là điều giúp mình kiên trì", Trang chia sẻ.
Trang đã từng làm việc với các anh kiểm lâm trong những đội đặc nhiệm đang cầm súng bảo vệ động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Kruger (Nam Phi) - nơi được coi là thủ phủ của voi, tê giác và phải đối mặt với nạn săn trộm khủng khiếp.
"Họ mới là những anh hùng thật sự. Họ được huấn luyện như trong quân đội, làm việc 24h/7, và thức dậy mỗi ngày với nỗi lo rằng liệu ngày hôm nay họ sẽ phải bắn ai đó hay sẽ bị ai đó bắn. Mỗi khi có tín hiệu có hoạt động săn trộm, họ ngay lập tức phải chuẩn bị chiến đấu", Trang kể.
Hình ảnh các thành viên đội đặc nhiệm phòng chống săn bắt trộm do Thu Trang ghi lại
Nói chuyện với các bạn trẻ, Trang nêu ra một con số thống kê: mỗi năm có khoảng 3.200 tấn động vật hoang dã được tiêu thụ, mỗi ngày có khoảng 3 con tê giác bị giết. 10 năm qua đã có hơn 1.000 kiểm lâm bị bắn khi đang thực hiện nhiệm vụ và có cả những cái chết của những người đi săn.
"Nó xảy ra bởi vì có người mua nên mới có người bán, mới có người đi săn trộm. Những người thợ săn là những người dân nghèo ngày không kiếm nổi 20.000 đồng để lo miếng ăn cho gia đình, bị những kẻ giàu có hơn, những tên tội phạm đưa súng, đưa tiền để giết voi, tê giác…
Công việc của một nhà bảo tồn động vật hoang dã đòi hỏi rất nhiều yếu tố - Ảnh: NVCC
Nhiệm vụ của người làm bảo tồn là phải làm thế nào để thay đổi thái độ, hành vi của người tiêu thụ, làm thế nào để duy trì và phát triển cuộc sống của những người dân nghèo gắn với những khu bảo tồn mà vẫn giữ được thiên nhiên. Bảo tồn động vật hoang dã chính là bảo vệ sinh mạng của con người", Trang nói.
Đám cưới "thân thiện với môi trường"
Trang kể trong album "100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho trái đất" về đám cưới "thân thiện với môi trường" mà cô và hôn phu - cũng là một chàng trai làm việc trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã đang ấp ủ.
Anh bí mật kết một chiếc nhẫn từ chỉ thêu để cầu hôn cô vì không thể tìm ra cửa hàng bán trang sức được chứng nhận faretrade gold certification – có nguồn gốc rõ ràng, không bóc lột người lao động…
Cả hai cũng cất công tìm ra một nơi mua nhẫn cưới có thể tái chế từ một cửa hàng sử dụng nguyên liệu được chứng nhận fairtrade.
Chuyện váy áo cưới của Trang cũng là một lựa chọn đặc biệt khi cô tìm một tiệm may đồng ý sử dụng những nguyên liệu là vải thừa, vải cũ, vải vụn của váy cũ làm váy cưới cho cô.
"Tôi may mắn vì hôn phu cũng ủng hộ nhiệt tình. Anh cũng quyết định chẳng cần may bộ vest mới nữa vì anh ấy cũng đang có một bộ "đồ vía" để mặc rồi", Trang chia sẻ.
Cô quyết định không in thiệp cưới mà làm clip dạng hoạt hình kể câu chuyện của cả hai với thông tin về đám cưới để thông báo tới bạn bè. Sau đó, để chắc chắn đám cưới của họ tránh xa những sản phẩm từ nhựa và rác thải nhựa ở mức tối đa, cô lập ra một list danh sách cho nơi tổ chức đám cưới: không chai nước nhựa, ống hút nhựa, màng bọc thực phẩm, túi ni lông, không dùng bóng bay, xốp…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận