Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (hàng đầu) và các quan chức Chính phủ đang nghe ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op (hàng đầu, thứ hai từ trái qua) chia sẻ thông tin tại Hội thảo “Xã hội không tiền mặt - Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 11-06 - Ảnh: Q.Đ
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op - cho biết đây là mục tiêu không dễ dàng vì trên thế giới để đạt mức tăng trưởng này, thông thường mất từ 6 năm trở lên. Nhưng điều đó cũng cho thấy "mua sắm không tiền mặt" là quyết tâm lớn nhà bán lẻ này đang hướng đến.
80% còn mơ hồ về thanh toán không tiền mặt
Ước tính mỗi năm, tỉ lệ khách hàng sử dụng thẻ để thanh toán tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op tăng trung bình từ 5% -15% tùy theo khu vực, chủ yếu tập trung ở TP.HCM và các tỉnh thành lớn. Tuy vậy, nếu tính chung trong tổng doanh thu bán lẻ của hệ thống thì tỉ lệ khách thanh toán không tiền mặt chỉ chiếm chưa đến 5%.
"Dù đang có mức tăng trưởng nhanh chóng trong thói quen thay đổi hành vi thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng sự dịch chuyển này còn khá chậm", ông Nguyễn Anh Đức nói.
Theo một khảo sát của Saigon Co.op trong năm 2018, khách hàng sẵn sàng sử dụng hình thức không dùng tiền mặt, nhưng khi đến mua sắm, họ vẫn còn băn khoăn về các hình thức thanh toán hay còn đánh giá chưa tiện lợi, tồn tại tâm lý sợ tăng thêm chi phí...
Khi đi sâu vào khảo sát, nhóm thực hiện của Saigon Co.op mới "vỡ lẽ" nguyên nhân chính khiến cho người dùng vẫn chưa mặn mà với thanh toán không tiền mặt là họ chưa biết hết các sản phẩm, công cụ thanh toán không tiền mặt đang có trên thị trường.
"Có đến 80% khách hàng không kể ra được hết các loại hình thanh toán không tiền mặt, trong đó đa phần có thể liệt kê ra chưa đến 50% các hình thức, sự am hiểu về thanh toán không tiền mặt vẫn còn rất hạn chế. Điều này cũng dẫn đến tổng lượng thanh toán ở những đơn hàng giá trị nhỏ, chiếm tỉ lệ phần lớn các giao dịch vẫn phải trả bằng tiền mặt", ông Anh Đức nói.
Thực tế không ít khách hàng nghĩ rằng thanh toán không tiền mặt hiện chỉ có quẹt thẻ, nhưng còn có nhiều hình thức khác như quét mã QR, ví điện tử... đã được triển khai tại Saigon Co.op.
Chính những "nút thắt" trên bắt buộc nhà bán lẻ phải nghĩ đến các giải pháp thiết thực hơn cho thanh toán phi tiền mặt, hành động một cách nghiêm túc thông qua quản trị sự thay đổi, xác định những yếu tố bên ngoài, bên trong để tháo gỡ. Nếu không, không chỉ nhà bán lẻ Việt mà cả nền kinh tế sẽ mất đi cơ hội nắm bắt với xu hướng của thế giới.
Ngoài yếu tố truyền thông, ông Đức cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ phí, thuế thanh toán, chuẩn chung kết nối kỹ thuật giữa các ví điện tử, nâng cấp cơ sở hạ tầng... cũng cần được xem xét. Bên cạnh đó, cần có những phương thức thanh toán mới, chuẩn hóa QR Code, quy hoạch lại các điểm chấp nhận thanh toán.
Để thực hiện mục tiêu đạt 30% doanh thu của Saigon Co.op không qua tiền mặt, nhà bán lẻ cho biết sẽ có nhiều giải pháp, tăng thêm trải nghiệm cho khách hàng làm quen dần với các hình thức thanh toán không tiền mặt khi mua sắm tại siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile, Cheers....
Thanh toán không dùng tiền mặt tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op tăng trung bình từ 5%-15% mỗi năm - Ảnh: Q.Đ
Xây dựng văn hóa thanh toán không dùng tiền mặt, giảm tỉ lệ lưu thông tiền mặt trên thị trường đòi hỏi sự kiên trì, tập trung và đồng bộ các chính sách hỗ trợ thanh toán không tiền mặt ở tầm vi mô lẫn vĩ mô
Ông Nguyễn Anh Đức Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op khẳng định
Bắt đầu từ "Ngày không tiền mặt"
Ông Nguyễn Anh Đức cho biết, hưởng ứng "Ngày không tiền mặt" do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, từ ngày 11 đến 30-6, các khách hàng thành viên mua sắm không tiền mặt tại hệ thống siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op sẽ nhận được hàng loạt ưu đãi. Theo đó, Saigon Co.op hợp tác chặt chẽ cùng các đối tác như ví điện tử MOMO, tổ chức VISA, Ngân hàng Vietcombank, VPBank... tặng ngay vào tài khoản tích lũy từ 50 đến 100 điểm thưởng theo giao dịch trong ngày.
Chương trình áp dụng cho khách hàng có thẻ của các ngân hàng trên và mua sắm tại hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra. Ông Đức cũng lưu ý khách mua sắm phải là chủ thẻ hợp lệ của các đối tác trên, khi thực hiện giao dịch thanh toán hóa đơn mua sắm dưới các hình thức không tiền mặt.
"Hiện chúng tôi vẫn đang nỗ lực thống nhất cơ cấu ưu đãi cho khách hàng cũng như huy động thêm các ngân hàng khác cùng đồng hành", ông Đức cho biết.
Ngoài ra để tạo hiệu ứng lan tỏa, Saigon Co.op cùng các đối tác quảng bá chương trình "Ngày không tiền mặt" trên các kênh truyền thông tại siêu thị và kênh online, nhằm tiếp cận một cách hiệu quả nhất và khuyến khích khách hàng chuyển dịch hành vi thanh toán theo định hướng tiện lợi và an toàn hơn.
Theo đánh giá của Saigon Co.op, việc sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt giúp siêu thị thuận tiện hơn trong việc quản lý dòng tiền, cụ thể là giảm chi phí kiểm đếm, lưu kho, vận chuyển.
Hiện nay, Saigon Co.op đang liên kết với các ngân hàng lớn áp dụng hai chương trình chủ lực để khuyến khích khách hàng sử dụng thanh toán bằng thẻ nhằm hạn chế dùng tiền mặt là phát hành thẻ đồng thương hiệu và chương trình đặc biệt dành cho khách hàng sử dụng thẻ Visa.
Đối với thẻ đồng thương hiệu, Saigon Co.op đang kết hợp với Vietcombank, BIDV, Vietinbank để phát hành cộng gộp đến nay khoảng 4 triệu thẻ đồng thương hiệu 4 bên, vừa có chức năng tín dụng thanh toán, vừa có chức năng tích điểm hưởng quyền lợi của siêu thị. Thẻ đồng thương hiệu và thẻ Visa thường xuyên có các chương trình giảm giá, khuyến mãi, tặng điểm, tặng quà, hoàn tiền,... để thu hút và khuyến khích sử dụng.
"Chúng tôi cũng đang phát triển ứng dụng mua sắm Scan & Go, khuyến khích người tiêu dùng đi mua sắm không phải xách hàng hay cầm tiền mặt bên người", ông Đức thông tin thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận