Từ hai câu đối kết tội phụ chính đại thần
Vua Tự Đức vốn không có con nên chọn mấy người thân thuộc trong hoàng tộc với ý định sẽ để truyền ngôi là: Nguyễn Phúc Ưng Chân, Nguyễn Phúc Hồng Dật, Nguyễn Phúc Ưng Đăng. Nghiệt ngã thay, chính giai đoạn này với nhiều tin đồn và cả không ít sử sách ghi chép, trăm dâu đổ đầu tằm, mọi tội lỗi đổ lên hai phụ chính đại thần: Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết.
Đó là câu đối dân gian lưu truyền không có tác giả chính thức, có người cho rằng đó là của Ông Ích Khiêm.
Nguyên văn: "Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết/ Tứ nguyệt tam vương thậm bất tường", dịch là hai nước mà chỉ có một con sông thật khó phân định, bốn tháng mà có tới ba vua điềm thật chẳng lành. Hai nước ngụ ý chỉ kinh đô Huế có con sông Hương chia đôi, phía bắc là kinh thành Huế, nơi triều đình tọa lạc, phía nam là tòa khâm sứ Pháp.
Đáng chú ý là hai chữ cuối của hai câu chính là tên của hai phụ chính đại thần: Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết nhằm ám chỉ hai ông lạm quyền, thao túng triều chính. Vậy hư thực ra sao?
Trong ba người con nuôi của vua Tự Đức thì Nguyễn Phúc Ưng Chân là lớn tuổi nhất (SN 1853) nhưng mắc nhiều thói hư tật xấu nên việc truyền ngôi cũng không được suôn sẻ. Chính vua Tự Đức khi lâm bệnh nặng thấy khó qua khỏi (1873) cũng rất trăn trở khi nước đang lâm nguy trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, đòi hỏi người làm vua phải thực sự có năng lực, bản lĩnh để đối nội, đối ngoại.
Tuy nhiên vì hai người còn lại đang nhỏ tuổi sợ không cáng đáng nổi quốc gia đại sự nên đành phải miễn cưỡng lựa chọn trong tình thế chẳng đặng đừng mà lòng dạ không yên. Điều này đã được thể hiện trong di chiếu truyền ngôi, lời lẽ thật thẳng thắn phê phán, rất hiếm có đối với một tân vương sắp lên ngôi:
"Ưng Chân lớn tuổi nhất, từ lâu đã đến tuổi trưởng thành, tuy nhiên mắt hơi có tật, dù xưa nay vẫn giấu kín, sự sau này không còn thấy sáng, tính lại hiếu dâm, vì tâm tính rất xấu, không chắc đảm đương nổi việc lớn. Nhưng đất nước cần có vua lớn tuổi. Trong thời thế khó khăn này không dùng Ưng Chân thì dùng ai?".
Vua Tự Đức cho gọi ba phụ chính đại thần vừa mới được ban chức này là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đến trao di chiếu và dặn dò quốc sự. Thấy lời lẽ trong di chiếu quá gay gắt khi chỉ trích thói hư tật xấu của Ưng Chân, các quan phụ chính vội tâu lên vua xin bỏ bớt những đoạn này nhưng không được chấp thuận. Vua nói rất kiên quyết: "Phải giữ lại câu đó để răn người kế vị phải tự răn mình, tu tỉnh".
Ngày 17-7-1883, vua Tự Đức băng hà, triều đình chuẩn bị cho sự lên ngôi của hoàng trưởng tử Ưng Chân. Nhưng Dục Đức mới được ba ngày thì bị phế bỏ.
Sửa di chiếu và phế tân vương?
Xung quanh di chiếu của vua Tự Đức cũng đã phát sinh dư luận với nhiều điều tiếng động trời, đó là đã có kẻ to gan dám sửa cả di chiếu của tiên đế. Nhưng ai dám làm cái việc tày trời kia?
Hầu hết sử sách từ trước đến mãi gần đây đều đổ tội này cho ông Nguyễn Văn Tường.
Chính sử gia Trần Trọng Kim trong cuốn sách có ảnh hưởng lớn là Việt Nam sử lược (1920) được đưa vào sách giáo khoa thời Pháp thuộc và miền Nam nước ta trước năm 1975 đã kết tội hai phụ chính đại thần.
Tác giả viết: "…Được ba ngày thì Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đổi tờ di chiếu, bỏ ông Dục Đức mà lập em vua Dực Tông là Lạng Quốc Công làm vua. Triều thần ngơ ngác không ai dám nói gì…".
Dực Tông chính là vua Tự Đức, còn Lạng Quốc Công tên húy là Hồng Dật, sau kế vị ngôi vua Dục Đức, hiệu là Hiệp Hòa.
Có thật vậy không? Nếu hầu hết đồng ý như quy kết thì rất dễ sinh ra hậu quả như câu tục ngữ dân gian: "Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết", nghĩa là mọi miệng đều nói như nhau thì dù không đúng sự thật người cũng bị kết tội (dẫu là trong sạch như một ông sư chân chính cũng không cãi nổi).
Tuy nhiên mới đây bằng công phu nghiên cứu khoa học nhiều năm của mình ở Mỹ và Pháp, GS Nguyễn Quốc Trị sống ở Mỹ lại có ý kiến khác hẳn.
Ông cho rằng Trần Trọng Kim đã nói sai, bất chấp một nhân chứng lịch sử là Nguyễn Nhược Thị đã nói rõ trong tác phẩm Hạnh thục ca của mình rằng: "Tự quân chưa chính ngôi trời/ Chiếu thư lại cãi quên lời sách xưa/ Văn Tường, Tôn Thuyết chẳng lơ/ Bắt chưng lỗi ấy phiến từ dâng tâu", trong lúc cuốn này chính Trần Trọng Kim phiên âm và chú giải. Thật là mâu thuẫn. (Dục Đức được truyền ngôi vua nhưng chưa làm lễ tấn phong nên mới gọi là tự quân).
Cũng chính GS Nguyễn Quốc Trị cũng chỉ ra ông Trần Trọng Kim đã "giải thích một cách gượng gạo" rằng: "Khi làm lễ đọc di chiếu, quan phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành có đọc sai đi mấy câu, Tường và Thuyết vin lấy cớ ấy mà tâu lên bà Từ - dụ Thái - hậu xin bỏ tự quân mà lập người khác".
Vậy có nghĩa là ông Nguyễn Văn Tường vừa sửa di chiếu của vua Tự Đức mới qua đời lại vừa kiếm cớ để phế luôn người vừa được chọn kế vị. Như thế là tội chồng thêm tội, mà toàn là chuyện đại nghịch vô đạo trong thiên hạ.
Sự thật ra sao?
Khi đình thần hạch tội phụ chính Trần Tiễn Thành đã cố tình đọc bỏ bớt di chiếu vua Tự Đức, ông Trần Tiễn Thành đã thẳng thắn có tấu sớ trình lên vua Hiệp Hòa đưa ra chân tướng sự thật. Sớ nói rõ:
"…Vị hoàng tử (tức Ưng Chân - NV) hỏi có thể nào loại bỏ đoạn đó đi được không? Nhưng ngài không dám tự mình làm lấy. Ba chúng tôi tâu trình rằng Hội đồng phụ chính đã có xin bỏ đoạn đó, nhưng Tiên đế đã không cho phép và bây giờ không thể nào sửa đổi bất kỳ điều gì được hết. Vị hoàng tử yêu cầu phải suy nghĩ lại để khỏi phải thiệt hại cho quốc gia…".
Vậy là các phụ chính đại thần không hề sửa di chiếu. Chính tự quân đã bỏ đoạn phê phán mình rồi giao Trần Tiễn Thành đọc công bố ở triều. Về việc này, Tổng ủy Harmand (người gắn liền với hiệp ước mang tên y đánh dấu chính thức thời kỳ Pháp thuộc của Việt Nam vào năm 1883), đã có báo cáo ngày 31-10-1883 gởi Bộ Ngoại giao Pháp, xác nhận tự quân đã "…cất giữ cho riêng mình bản nguyên cảo di chúc rồi tự làm lấy một bản sao để trao cho các phụ chính và trong bản sao lục đó, ông làm biến mất sự đánh giá nghiêm khắc về mình của Tự Đức…".
Còn chuyện phế tự quân Dục Đức thì ngoài lý do về hạnh kiểm, tác phong (tang chế cho vua cha tùy tiện, bất chấp nghi lễ đại tang) thì còn một lý do hết sức quan trọng là Ưng Chân đã tư thông với giặc, làm gián điệp cho thực dân Pháp nhưng không tiện công bố.
Chứng cứ gần đây có nhiều, chỉ nêu một xác quyết hàng đầu để phế truất Dục Đức từ chính Nguyễn Phúc Tộc thế phả: "Trước đây ngài vốn có giao thiệp qua lại với người Pháp, từ năm Tân Tỵ (1881) ngài đã từng chuyển giao nhiều tài liệu quan trọng về việc nước cho trú sứ Pháp là Rheinart. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường vốn nắm mọi quyền hành trong nước sợ tai họa khi ngài lên nối ngôi nên thừa dịp này (sửa di chiếu) âm mưu việc phế lập" .
Dục Đức bị giam và chết trong ngục thất vào ngày 6-10-1883. Và tương tự như trên, những cáo buộc rằng hai phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết bỏ đói Dục Đức cho đến chết đều không có căn cứ.
--------------------------
Sau nghi án giết tự quân Dục Đức lại thêm cái chết vua Hiệp Hòa và phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành đều có nhiều nghi vấn liên quan ông Nguyễn Văn Tường. Sự thực ra sao?
Kỳ tới: Ai giết vua Hiệp Hòa và Trần Tiễn Thành?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận