10/08/2020 21:57 GMT+7

Tập sách minh oan Nguyễn Văn Tường làm lộ sáng nhiều sử liệu triều Nguyễn

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Một bộ sách dày hơn 1.800 trang tập hợp tư liệu về cuộc đời nhân vật Nguyễn Văn Tường - vị quan Phụ Chánh đại thần dưới triều Nguyễn - do người cháu cố là giáo sư Nguyễn Quốc Trị dày công khảo cứu vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam.

Tập sách minh oan Nguyễn Văn Tường làm lộ sáng nhiều sử liệu triều Nguyễn - Ảnh 1.

Bộ sách đồ sộ về nhân vật Nguyễn Văn Tường vừa được ấn hành - Ảnh: L. ĐIỀN

“Để soi sáng vấn đề... trong cuộc đời chính trị của Nguyễn Văn Tường, tác giả Nguyễn Quốc Trị phải soi sáng cả một triều đại, cả một giai đoạn lịch sử u tối vì lạc trong mê lộ của sử sách thuộc địa. Một vài nhà viết sử nước ngoài gần đây, như Charles Fourniau, đã vạch ra cái mê lộ ấy, nhưng không ai làm cái công việc này một cách chi li, thấu đáo bằng ông Nguyễn Quốc Trị”.

Cao Huy Thuần - nguyên giáo sư Đại học Picardie (Pháp)

Có nhiều lý do khiến một phần sử liệu triều Nguyễn - triều đại phong kiến muộn nhất trong lịch sử Việt Nam - bị thất lạc hoặc được tiếp cận không đầy đủ. Hệ quả là dẫn đến những kết luận về các nhân vật lịch sử cũng chưa được toàn diện.

Tâm nguyện nung nấu một đời của hậu duệ Nguyễn Văn Tường

Quan đại thần Nguyễn Văn Tường được xếp vào "phe chủ chiến" của triều đình Huế, nhưng bản thân lại vừa chịu nhiều tiếng xấu của người trong nước, vừa bị người Pháp bắt đi lưu đày ở Tahiti, đến nỗi phải kết thúc cuộc đời nơi đất khách quê người.

Điều đáng kể là ý định thực hiện bộ sách đồ sộ Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn xuất phát từ cảm xúc ấu thơ của tác giả - một hậu duệ của Nguyễn Văn Tường:

"Lúc nhỏ đi học, tôi thường bị bạn học giễu cợt là dòng giống gian, nịnh thần. Hai anh tôi, Viện và Dân, và tôi thường bàn bạc với nhau về cố chúng tôi, nghi ngờ rằng người có bị oan ức gì chăng, vì người bị nhà cầm quyền Pháp đày đi biệt xứ và chết ở một nơi xa thẳm trên quả địa cầu. Chúng tôi dặn dò nhau thế nào cũng cố gắng hết sức viết một cuốn sách để làm sáng tỏ mọi sự về cố của mình".

Cái ý định thời trẻ ấy, hóa ra phải nung nấu ngót một đời, đến tuổi ngoại bát tuần, ông Nguyễn Quốc Trị mới hoàn thành tâm nguyện.

Và có lẽ sự nung nấu ấy cũng thuận chiều lịch sử, khi vào năm 1991, một hội thảo về Nhóm chủ chiến trong Triều đình Huế cuối thế kỷ XIX do Trường đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức, có đề cập đến nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường.

Tại đó, có những nhận định về Nguyễn Văn Tường mang lại những gợi mở quan trọng, chẳng hạn cho rằng Nguyễn Văn Tường là người "có tài kinh bang tế thế, có lòng trung quân ái quốc đến trọn đời...".

Nhưng vị thế và vai trò của Nguyễn Văn Tường lại mang nhiều sắc thái, nhiều chiều kích với các mối quan hệ phức tạp trong triều đình Huế vào thời đoạn lịch sử hết sức gay go khi người Pháp đã "thọc tay" quá sâu vào Nam triều.

Nguyễn Văn Tường có mặt trong phái đoàn đại diện nhà Nguyễn ký Hiệp ước Patenôtre, lại có vai trò trong việc đưa vị vua yêu nước Hàm Nghi rời cung lánh nạn dẫn đến phong trào Cần Vương đánh Pháp phát khởi; ngoài ra ông còn bị mang tiếng giết vua Kiến Phúc mà trong tập sách này, tác giả đã tìm ra chứng cớ cho thấy đó chỉ là động tác của người Pháp lúc bấy giờ trong chuỗi âm mưu bôi nhọ Nguyễn Văn Tường và phe chủ chiến.

Bộ sách là pho sử liệu đồ sộ, chạm đến rất nhiều nội dung lịch sử: kế sách chủ chiến của Nguyễn Văn Tường là như thế nào (ông chủ trương "hòa để thủ, thủ để mưu chiến"), phong trào văn thân yêu nước, chính sách đối với đạo Công giáo, mối quan hệ phức tạp với nhiều thế lực người Pháp lúc bấy giờ, thái độ của vua Gia Long và Minh Mạng trong chuyện "thọ ơn" người Pháp...

Nhiều chi tiết lịch sử có giá trị

Trong quá trình thực hiện cuốn sách, Nguyễn Quốc Trị đã vượt thoát ra khỏi vị thế của một người cháu đang lần theo dấu vết tư liệu của ông cố, để trong tư thế một người Việt Nam khám phá một vấn đề quan trọng: "Không phải một mình cố tôi mà cả vua quan nhà Nguyễn và và nền văn hóa Việt Nam nói chung đã bị sử thuộc địa bôi nhọ một cách bất công".

Tuy nhiên, công trình Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn không đơn thuần chỉ có tính chất tìm cách minh oan cho một nhân vật mà hành trình nghiên cứu đã làm bộc lộ nhiều chi tiết lịch sử có giá trị.

Chẳng hạn trong mối quan hệ của Hiệp ước Patenôtre, chính Nguyễn Văn Tường là người sớm nhận ra sự lắt léo về nghĩa của từ "bảo hộ" trong văn bản chữ Pháp và từ "bảo trợ" trong văn bản chữ Hán.

Ông đã đề nghị thống nhất dùng từ "bảo trợ", nhưng phía Pháp rốt cuộc đã dùng chữ "bảo hộ" cho văn bản chữ Pháp và văn bản chữ Hán lại dùng từ "bang trợ" có nghĩa là giúp đỡ.

Do vậy, phía Nam triều hiểu Hiệp ước Patenôtre (Điều 1) là "Nước Đại Nam tự nhận nước Đại Pháp giúp đỡ", trong khi phía Pháp thì căn cứ vào hiệp ước này bảo rằng Pháp có quyền "bảo hộ", tức có thể can thiệp cả vào việc cai trị nội bộ của triều đình như lựa chọn vua kế vị và cả việc bổ nhiệm các quan lớn.

Còn rất nhiều tình tiết và những mảng lịch sử ít được biết đến trong công trình tầm vóc và nặng ký hiểu theo nhiều nghĩa này. Do vậy, bộ sách được xuất bản tại Việt Nam là tin tốt cho học giới và người quan tâm trong cả nước.

gs_nguyen_quoc_tri

Giáo sư Nguyễn Quốc Trị

Phần việc thu thập tư liệu đã ngốn của tác giả rất nhiều năm tháng trong điều kiện định cư tại Mỹ. Theo lời ông Nguyễn Quốc Trị, từ năm 2002 ông đã bắt đầu "đi thư viện Quốc hội Hoa Kỳ để tìm tư liệu vài ngày mỗi tuần".

Sau đó ông sang Pháp, đến các nơi lưu trữ tài liệu như: Văn khố Bộ Ngoại giao, Hội Truyền giáo hải ngoại Paris, Văn khố của Lục quân, Trung tâm Văn khố hải ngoại...

Xem cách hoàng đế triều Nguyễn trừ quan tham, nuôi dưỡng chúng dân Xem cách hoàng đế triều Nguyễn trừ quan tham, nuôi dưỡng chúng dân

TTO - Vua Minh Mệnh với đám tham quan ô lại thì cho chém ngang lưng giữa chợ, bêu đầu làm gương; với dân thì xét miễn thuế. Vua Thiệu Trị chọn thị sát bằng đường thủy để “không nỡ làm vất vả sức dân”. Vua Tự Đức phóng thích tội phạm vì trọng dân...

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên