Không gian đẹp mắt của triển lãm Thư pháp của các hoàng đế triều Nguyễn - Ảnh: T.ĐIỂU
Đó là những góc nhìn mới mẻ về các hoàng đế nhà Nguyễn mà công chúng có thể tìm thấy ở một triển lãm đặc biệt có tên Thư pháp của các hoàng đế triều Nguyễn vừa được khai mạc tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 Hà Nội.
Tại đây, trên 100 phiên bản châu phê của các hoàng đế nhà Nguyễn không chỉ đem đến cơ hội thưởng lãm những nét chữ phượng múa rồng bay, công chúng còn được tìm hiểu về những nỗ lực trị quốc, an dân của các vị hoàng đế thuộc triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta.
Khách tham quan triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU
Công chúng được thấy Hoàng đế Gia Long rất quan tâm tới vấn đề chính trị quốc phòng qua các châu phê về kê khai dân số.
Còn Hoàng đế Minh Mệnh, các châu phê của ông chủ yếu tập trung vào cải cách các lĩnh vực: hành chính, giáo dục, đào tạo tuyển chọn nhân tài, văn hóa dân tộc, chống tham nhũng, hoàn thiện luật pháp và đề cao pháp trị, củng cố chế độ quân chủ trung ương tập quyền.
Lời phê của nhà vua trên những bản tấu của địa phương báo cáo tình hình thu hoạch mùa màng cho thấy sự quan tâm của ông với nền nông nghiệp nước nhà cũng như đời sống nhân dân lao động.
Đặc biệt, với những kẻ tham lại ở địa phương như ở Sơn Nam, Nam Định, Hoàng đế Minh Mệnh cương quyết trừ hại cho dân, với châu phê rằng: "Cho áp giải quan lại sâu mọt Bùi Khắc Kham đến chợ trong trấn chém ngang lưng, lại bêu đầu lên cọc cao để răn đe kẻ khác…"
Với đám quan tham, Hoàng đế Minh Mệnh cương quyết trừ hại cho dân - Ảnh: T.ĐIỂU
Hoàng đế Thiệu Trị thì cho thấy là một hoàng đế rất giản dị và thương dân, không muốn làm vất vả đến dân. Châu phê trên bản phụng thượng dụ năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) của nội các về việc ngự giá ra Bắc bằng đường thủy đoạn từ Hà Tĩnh ra Nghệ An, Hoàng đế Thiệu Trị viết: "Khoản này trẫm đã tính toán kỹ hai ba lần để tiện cho dân, không nỡ làm vất vả sức dân…"
Tự Đức là hoàng đế tại vị lâu nhất trong 13 hoàng đế nhà Nguyễn, vì vậy khối lượng châu bản chiếm gần một nửa châu bản triều Nguyễn tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I. Các châu phê cho thấy vua Tự Đức khá quan tâm đến giáo dục, đào tạo tuyển chọn nhân tài cho Nhà nước với các bản châu phê phong phú trong lĩnh vực này.
Đặc biệt nó cho thấy Hoàng đế Tự Đức rất trọng dân, muốn "nuôi dưỡng chúng dân" ngay cả đó là dân lao tù. Ông đã tha cho tù nhân Nguyễn Văn Chấn già yếu vừa có con trai "vì hiếu quyên sinh", lấy cái chết để xin vua tha cho cha già.
Trước nạn châu chấu phá lúa năm 1869, Hoàng đế Tự Đức đã châu phê trên bản tấu của Bộ Hộ yêu cầu bộ này phải phúc tấu rõ ràng sự thực, trả lời các câu hỏi của hoàng đế nhằm diệt trừ châu chấu.
Các châu phê cho thấy vua Tự Đức khá quan tâm đến giáo dục, đào tạo tuyển chọn nhân tài cho Nhà nước và đặc biệt là rất trọng dân - Ảnh: T.ĐIÊU
Cũng có những vị vua như Đồng Khánh, chỉ châu phê những chuyện không vượt ra ngoài giới hạn của cung điện, những chi tiêu trong hoàng cung, thưởng phạt quan lại. Bởi lẽ thời gian ông trị vì thì tình hình chính sự trong nước không ổn định, sĩ phu khắp nơi nổi lên chống Pháp theo chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.
Tuy thế, các bút tích châu phê của ông vẫn cho thấy ông là vị hoàng đế chăm lo việc nước, ví như lời châu phê nhắc nhớ một vị quan xin nghỉ dưỡng bệnh, Hoàng Đế Đồng Khánh nhắc "Năm, sáu ngày bệnh tình thuyên giảm thì vào ứng trực, chớ có lười nhác!".
Vua Thành Thái là vị hoàng đế tiến bộ, yêu nước, rất quan tâm tới giáo dục - Ảnh: T.ĐIỂU
Vua Thành Thái là vị hoàng đế tiến bộ, yêu nước. Bút phê của ông trên châu bản thể hiện sự quan tâm rất nhiều đến giáo dục, thi cử nhất là việc học chữ Pháp.
Hoàng đế Duy Tân lên ngôi khi mới 8 tuổi nhưng tỏ ra là người thông minh, chững chạc, nghiêm nghị. Thừa hưởng tinh thần yêu nước của vua cha, nhiều lần vị hoàng đế nhỏ tuổi này đã tỏ rõ sự bất bình đối với quan lại Pháp, đối với sự thao túng triều chính của chế độ bảo hộ.
Tuy có ít thực quyền trong điều hành đất nước nhưng bút phê của nhà vua trên một số bản tấu đã khẳng định vị hoàng đế này tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã rất quan tâm tới việc biên soạn chính sử và nền giáo dục nước nhà.
Còn Hoàng đế Khải Định dù vẫn bị phê phán là "bù nhìn", các châu phê cho thấy ông cũng rất mực chăm lo cho dân.
Trong châu phê của vị hoàng đế này trên bản tấu ngày 5-2 nhuận năm Khải Định thứ 2 (1917) của Bộ Lễ về việc nghi thức làm lễ tiết Thanh minh, người xem được thấy ông rất nóng lòng giục giã quan lại không được chậm trễ làm lễ cầu mưa thuận gió hòa, còn ông cũng "thành tâm mật đảo".
Hoàng đế Duy Tân lên ngôi khi mới 8 tuổi nhưng tỏ ra là người thông minh, chững chạc, nghiêm nghị, yêu nước - Ảnh: T.ĐIỂU chụp lại
Nỗi đau mất nước
Một số châu phê của Hoàng đế Tự Đức trong các bản tấu được trưng bày cho thấy những lời gan ruột xót xa của vị hoàng đế phải bất lực nhìn đất nước dần mất vào tay quân xâm lược.
Châu phê trên bản tấu ngày 16 tháng 4 năm Tự Đức thứ 27 (1874) của nội các về việc xét xử quan chức để thất thủ thành Hà Nội, Hoàng đế Tự Đức viết: "… chỉ trong một tháng mà 4 tỉnh liên tiếp thất thủ, quốc khố dân sinh hao tổn gần sạch, khiến cho trẫm ngẩng lên cúi xuống đều lo buồn hổ thẹn, đau khổ không yên… Việc này chẳng phải chỉ trách phạt một người, sao bằng để răn xét cho một thời mới được…"
Châu phê trên bản tấu ngày 24 tháng 4 năm Tự Đức thứ 15 (1862) của Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp về việc nghị hòa với Pháp, Hoàng đế Tự Đức viết: "Trẫm không có tài trí đặc biệt, duy chỉ hết sức cầu khấn, ngày ngày trông đợi thành công".
Hình ảnh một số châu bản được trưng bày tại triển lãm:
Hoàng đế Gia Long châu điểm trên tờ thân năm 1803 của Nguyễn Văn Tuẫn ở thôn Phúc Lâm, tổng Thuận Hòa, phủ Thăng Hoa về việc kê khai dân số - Ảnh: T.ĐIỂU
Châu phê của Hoàng đế Khải Định thúc giục Bộ Lễ sớm làm lễ cầu mưa thuận gió hòa - Ảnh: T.ĐIỂU
“Xuân về mở vận thái, vui mừng được xem tờ tâu báo tin thời tiết thuận hòa. Trẫm chắp tay lên trán cầu trời cho ruộng đồng cả nước đều được mùa lớn”, châu phê của Hoàng đế Minh Mệnh trên bản tấu báo cáo giá gạo và thời tiết ở Quảng Nam năm 1826 cho thấy ông rất quan tâm tới phát triển nông nghiệp, chăm lo cho dân chúng - Ảnh: T.ĐIỂU
Với những kẻ tham lại ở địa phương như ở Sơn Nam, Nam Định, Hoàng đế Minh Mệnh cương quyết trừ hại cho dân, với châu phê rằng: "Cho áp giải quan lại sâu mọt Bùi Khắc Kham đến chợ trong trấn chém ngang lưng, lại bêu đầu lên cọc cao để răn đe kẻ khác…" - Ảnh: T.ĐIỂU
Lời phê của nhà vua trên những bản tấu của địa phương báo cáo tình hình thu hoạch mùa màng cho thấy sự quan tâm của ông với nền nông nghiệp nước nhà cũng như đời sống nhân dân lao động - Ảnh: T.ĐIỂU
Hoàng đế Thành Thái châu phê trên thư ngày 19 tháng giêng năm Thành Thái thứ 11 (1899) của Giám đốc nhật báo “L’Opinion”, Sài Gòn về việc đặt mua báo - Ảnh: T.ĐIỂU
Hoàng đế Duy Tân châu phê trên bản tấu ngày 12 tháng 9 năm Duy Tân thứ 3 (1909) của nội các về việc tổ chức giám sát trường thi Hà Nam - Ảnh: T.ĐIỂU
Châu phê của Hoàng đế Tự Đức tha cho tù nhân Nguyễn Văn Chấn già yếu vừa có con trai “vì hiếu quyên sinh”, lấy cái chết để xin vua tha cho cha già Ảnh: T.ĐIỂU
Châu phê của Hoàng đế Tự Đức trên bản tấu ngày 16 tháng 4 năm Tự Đức thứ 27 (1874) của nội các về việc xét xử quan chức để thất thủ thành Hà Nội - Ảnh: T.ĐIỂU
Châu phê trên bản tấu ngày 24 tháng 4 năm Tự Đức thứ 15 (1862) của Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp về việc nghị hòa với Pháp, cho thấy nỗi đau lớn của Hoàng đế Tự Đức: “Trẫm không có tài trí đặc biệt, duy chỉ hết sức cầu khấn, ngày ngày trông đợi thành công” - Ảnh: T.ĐIỂU
Châu phê của Hoàng đế Thiệu Trị trên bản phụng thượng dụ năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) của nội các về việc ngự giá ra Bắc bằng đường thủy đoạn từ Hà Tĩnh ra Nghệ An để không làm vất vả sức dân - Ảnh: T.ĐIỂU
Lời châu phê nhắc nhớ một vị quan xin nghỉ dưỡng bệnh, Hoàng Đế Đồng Khánh nhắc “Năm, sáu ngày bệnh tình thuyên giảm thì vào ứng trực, chớ có lười nhác!”. - Ảnh: T.ĐIỂU
Hoàng đế Bảo Đại châu phê bằng cả chữ Hán, chữ Pháp, chữ Quốc ngữ - Ảnh: T.ĐIỂU
Hoàng đế Bảo Đại châu phê trên bản tấu của Viện Cơ mật năm 1933 về việc đón tiếp Quý toàn quyền đại thần Pasquier vào Kinh - Ảnh: T.ĐIỂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận