Công trình của Nguyễn Quốc Trị được Hội đồng giám khảo giải Sách Hay đánh giá là có công phu so sánh đối chiếu để nhận chân một giai đoạn lịch sử phức tạp của Việt Nam - thời Nguyễn - vốn có nhiều sự kiện, nhân vật lâu nay bị nhìn nhận chưa thấu đáo.
Năm nay cũng là lần đầu tiên qua 10 kỳ, giải Sách Hay có 2 đầu sách dịch được trao ở hạng mục Phát hiện mới, nâng tổng số giải của hạng mục này lên 3 quyển. Đó là quyển Vũ Dạ Đàm - Tự truyện Shibusawa Eiichi (Tác giả: Shibusawa Eiichi, Dịch giả: Nguyễn Lương Hải Khôi), và Những tìm sâu Triết học (Tác giả: Ludwig Wittgenstein, Dịch giả: Trần Đình Thắng; Đào Thị Hồng Hạnh kiểm sửa).
Một ghi nhận đặc biệt nữa của Sách Hay trong năm nay là thể loại sách viết của hạng mục Sách Thiếu nhi được trao cho tác phẩm Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy của tác giả 13 tuổi Nguyễn Khang Thịnh.
Quyển sách của cậu bé người Hà Nội hóa thân vào một nhân vật ở bối cảnh nước Mỹ từng làm xôn xao làng sách Việt Nam hồi đầu năm nay, một lần nữa được vinh danh như là tác phẩm mang cảm hứng và nhiều thông điệp của thiếu nhi đến với người lớn.
"Con muốn qua quyển sách này, người lớn, giáo viên sẽ lắng nghe chúng con hơn, đồng thời cũng là một cách để thử sức sự sáng tạo của lứa tuổi chúng con" - Khang Thịnh phát biểu tại lễ trao giải.
Bên cạnh đó, giải thể loại sách dịch thiếu nhi năm nay thuộc về Hành trình của cá Voi (Tác giả: Michael Morpurgo, Dịch giả: Trần Thị Minh Hiếu).
Hạng mục Sách Giáo dục năm nay trao cho quyển sách của tác giả Nguyễn Quốc Vương: Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản. Bên cạnh đó thể loại sách dịch của hạng mục này trao cho quyển Biện hộ cho một nền Giáo dục Khai phóng (Tác giả: Fareed Zakaria, Dịch giả: Châu Văn Thuận).
Theo nhận xét của nhà giáo dục Giản Tư Trung, tác phẩm của Nguyễn Quốc Vương thực sự cần thiết cho những ai quan tâm đến giáo dục Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Có mặt tại buổi công bố Sách Hay 2020, tác giả Nguyễn Quốc Vương tự nhận mình là người quan tâm đến các vấn đề giáo dục và khuyến đọc. "Tôi chỉ nêu vấn đề, và hiện nay chúng ta có nhìn ra thế giới cũng là để soi lại chính chúng ta", anh nói thêm, "vấn đề thực tiễn giáo dục của Nhật Bản rất quan trọng, mà Việt Nam có thể tìm thấy ở đó cách đi cho chính mình".
Tác giả Nguyễn Quốc Vương từ Hà Nội vào dự công bố Giải Sách Hay và chia sẻ câu chuyện khuyến đọc - Ảnh: L. ĐIỀN
Tác phẩm Từ Dụ Thái Hậu (gồm Quyển thượng và Quyển hạ) của nhà văn Trần Thùy Mai và dịch phẩm: Chết chịu (Tác giả: Céline, Dịch giả: Dương Tường) cùng đoạt giải ở hạng mục Sách Văn học năm nay.
Nhà giáo Nhật Chiêu đánh giá Từ Dụ Thái Hậu là tác phẩm xây dựng thành công hình tượng một người phụ nữ Việt Nam ở trung tâm quyền lực của vương triều, giữa bao cuộc đấu đá nội bộ... nhưng vẫn giữ lòng khoan dung, sự sáng suốt. Tác phẩm còn cho thấy nhiều bài học trong cuộc chiến một mất một còn giữa tham vọng quyền lực và các giá trị nhân văn.
Chết chịu ở thể loại sách dịch là một lựa chọn hợp lý, bởi trước hết đây là tác phẩm nổi tiếng xếp thứ 2 của văn học Pháp nửa đầu thế kỷ 20. "Céline đã làm cuộc cách mạng trong cách viết tiểu thuyết của Pháp bằng Chết chịu: phá bỏ cách viết cổ điển vốn đã nhàm trước đó, đem ngôn ngữ đời thường mà sống động vào tác phẩm.
Ở bản dịch, Dương Tường đã có nhiều nỗ lực, ngay cả nhan đề "Chết chịu" cũng là một lựa chọn đúng đắn so với nguyên tác (chết chịu = không đủ năng lực chi trả cho cái chết của mình, chịu như "mua chịu" vậy)" - Nhật Chiêu nhận định.
Giải Sách Hay cho hạng mục Sách Quản trị năm nay trao cho tác phẩm Lý thuyết trò chơi và ứng dụng trong quản trị - kinh doanh (Tác giả: Lê Hồng Nhật, thể loại sách viết), và dịch phẩm: Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Tác giả: Klaus Schwab, Dịch giả: Nguyễn Vân và Thành Thép).
Đại diện Hội đồng chọn giải cho hạng mục này, giáo sư Huỳnh Ngọc Phiên đánh giá cao cả hai tác phẩm. Đặc biệt với dịch phẩm Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Klaus Schwab, GS Phiên đưa ra lời khuyên rằng các bạn trẻ Việt Nam nên đọc, để đánh tình trạng theo ông rất đáng ngại hiện nay là "người ta hay nói những gì mà người ta không biết".
Hạng mục Sách Kinh tế năm nay trao cho Thần kỳ Kinh tế Tây Đức (Tác giả: Tôn Thất Thông, thể loại sách viết); dịch phẩm: Sự Giàu và Nghèo của các Dân tộc (Tác giả: David S. Landes, Dịch giả: Sơn Phạm và Vũ Hoàng Linh).
Sách Nghiên cứu cũng là một phát hiện, khi quyển Làng mạc ở châu thổ sông Hồng (Tác giả: Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski) được trao giải Sách Hay năm nay; bên cạnh đó, dịch phẩm Sự kiến tạo xã hội về thực tại (Tác giả: Peter L. Berger và Thomas Luckmann, Dịch giả: Trần Hữu Quang và Nhóm dịch giả) cũng là một công trình được nhóm dịch giả kỳ vọng sẽ là cơ hội "để bạn đọc Việt Nam sáng tạo tiếp tục cho quyển sách".
Rất đông bạn đọc và giới quan sát đã nán lại đến cuối buổi lễ công bố giải.
Ban tổ chức Giải Sách Hay nhân lễ công bố giải lần thứ X năm nay cũng thông báo từ nay, Sách Hay sẽ trao giải 2 năm 1 lần thay vì hằng năm như vừa qua. Lý do là để có thời gian tuyển chọn nhiều hơn.
Thay mặt Hội đồng Trao giải, ông Giản Tư Trung cũng cho biết Sách Hay sẽ giữ gìn 2 giá trị cốt lõi là Tính độc lập, và Tinh thần khai phóng, để chất lượng Giải Sách Hay được lan tỏa trong cộng đồng, mặc dù đây là loại hình chỉ có giải nhưng không có thưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận