03/12/2016 18:38 GMT+7

​Nguy cơ ung thư từ thói quen ăn uống

THÙY DƯƠNG - NGỌC LOAN
THÙY DƯƠNG - NGỌC LOAN

TTO - Những chất có thể gây ung thư có trong thực phẩm chắc chắn là một trong những yếu tố nguy cơ ung thư. Ngoài ra, ung thư gia tăng còn do thói quen ăn uống, lối sống, môi trường.

Ông Cao Huy Thọ - Phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ trao hoa cho những vị khách mời tại buổi tọa đàm Thực phẩm “bẩn” - Tác nhân gây ung thư - Ảnh: HỮU THUẬN
Ông Cao Huy Thọ - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ (bìa phải) - trao hoa cho những vị khách mời tại tọa đàm - Ảnh: HỮU THUẬN

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hùng Long - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế - đưa ra tại buổi tọa đàm Thực phẩm “bẩn” - tác nhân gây ung thư do báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn ra vào sáng 3-12.

Nhiều nguyên nhân gây ung thư

Theo ông Nguyễn Hùng Long, tác nhân gây mất an toàn trong thực phẩm có thể chia ra làm 3 nhóm chính và vi sinh, hóa học và vật lý.

Vi sinh là tác nhân chủ yếu gây ra các vụ ngộ độc. Liên quan ung thư thì nhóm hóa học là nhiều nhất, có thể trong quá trình sử dụng được đưa vào hoặc bản thân thực phẩm có sẵn.

Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng không đúng cách hoặc không được phép sử dụng, phụ gia ngoài danh mục được phép sử dụng... đều có thể là tác nhân.

Có những phụ gia được sử dụng trong sản phẩm này nhưng không được sử dụng trong sản phẩm khác do quá trình chế biến, có thể chuyển chất đó thành chất khác gây ung thư. Ngoài ra còn có những chất tự sinh có sẵn trong thực phẩm, như củ khoai tây mọc mầm, đậu phộng bị mốc...

Theo TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư là bệnh lý đa căn nguyên, khi một người bị ung thư thì không kết luận được do nguyên nhân cụ thể từ đâu, có thể do nhiều yếu tố phối hợp.

TS Quốc Thịnh cho biết ung thư ở Việt Nam có gia tăng nhưng không phải là có tỉ lệ ung thư cao nhất thế giới.

Trên địa bàn TP.HCM, năm 2013 có 25.419 ca mắc bệnh ung thư mới, trong đó 8.049 ca là bệnh nhân có hộ khẩu ở TP.HCM, còn lại là đến các tỉnh thành phía Nam.

Năm 2014, tổng số ca mắc mới ung thư tới khám tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM là 29.399 trường hợp, trong đó có 8.951 ca ở TP. Như vậy, tính ra mỗi năm đều có sự gia tăng khoảng 5,8%.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết có 30% các loại ung thư là do vấn đề thực phẩm. Tuy nhiên, năm 2014, tại hội nghị ung thư thế giới, Hiệp hội phòng chống ung thư quốc tế (UICC) cho biết đối với các nước đang phát triển thì con số này được nâng lên là 50-60%.

“Khi người chế biến đưa chất cấm vào thực phẩm, đều là chất có thể bị ung thư. Ngoài ra, xúc xích, thịt nguội, thực phẩm chế biến sẵn sinh ra những chất có khả năng gây ung thư được xếp loại số một. Đồ ăn nướng cháy hay dầu chiên nhiều lần bị biến tính, tạo thành amin đa vòng, cũng là yếu tố nhóm hai gây nên ung thư” - TS Quốc Thịnh phân tích.

Một trong những yếu tố gây nên ung thư nữa là thói quen rượu bia, thuốc lá. Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á về uống rượu, thuốc lá.

Trên bản đồ ung thư, ung thư phổi và gan là hai loại ung thư đứng hàng đầu. Tuy nhiên, những ung thư này còn do nhiều lý do khác, ví dụ như nấm mốc là một trong những nguyên nhân gây ung thư gan.

TS Quốc Thịnh cho rằng dù chưa có kết luận nhưng chúng ta phải suy nghĩ về vấn đề tỉ lệ mắc bệnh ung thư ở người trẻ ngày càng gia tăng.

Ung thư vú ngày nay có thể gặp ở cô gái 25 tuổi, trong khi 15 năm trước hoàn toàn không có. Ung thư thực quản, thanh quản gặp ở những người 30 tuổi, trong khi trước đây chỉ ở những người trên 50 tuổi.  

Có thể đặt ra nhiều giả thuyết, có phải do giới trẻ tiêu thụ bia, rượu, thuốc lá sớm so với trước đây, hay tiếp xúc quá sớm các tác nhân gây ung thư trong thực phẩm, trong môi trường.

TS Lê Tuấn Anh - phó giám đốc trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy - cũng cho biết tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân ung thư tăng, năm 2014 là khoảng 22.000 người tới khám và điều trị nhưng đến năm 2016 khoảng 45.000 người.

Phòng ngừa và tầm soát để phát hiện bệnh sớm

TS.BS Phạm Xuân Dũng - chánh văn phòng Hội Ung thư Việt Nam, phó chủ tịch thường trực Hội Ung thư TP.HCM - cho biết nguyên nhân di truyền chiếm tỉ lệ thấp, phần lớn là do yếu tố môi trường.

Tác nhân ung thư (carcinogen) có gây bệnh hay không, phụ thuộc vào cách tiếp xúc, thời gian, liều lượng tiếp xúc. Ngoài ra, bản chất, cấu trúc gen trên con người, cũng ảnh hưởng lớn đối với việc phát bệnh ung thư.

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Xuân Dũng - Chánh văn phòng hội ung thư Vn phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: HỮU THUẬN
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng - chánh văn phòng Hội Ung thư VN - phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: HỮU THUẬN

“Ô nhiễm có thể xuất phát từ trồng trọt, chuỗi cung cấp thực phẩm, lúc chế biến đến cả bao bì đều có thể xuất hiện tác nhân. 

Trong quá trình chế biến, người ta có thể bỏ vào thêm những chất để tạo màu, bảo quản lâu hơn... hay thức ăn cháy, ướp muối, xông khói đều có thể chứa chất tác nhân gây ung thư, tuy nhiên tùy vào mức độ. Đối với hệ tiêu hóa, thực phẩm là một yếu tố góp phần tăng nguy cơ ung thư. Tất cả những chất có khả năng hoặc nghi ngờ đều nên ngưng sử dụng” - TS Dũng lưu ý.

Theo TS Dũng, đối với ung thư hệ tiêu hóa, các công bố hiện nay cho rằng có thể giảm bớt nguy cơ bằng các cách: có lối sống, chế độ dinh dưỡng cân bằng, ăn nhiều trái cây, sử dụng vitamin, chất khoáng, chất chống oxy hóa, không ăn nhiều mỡ; không ăn thịt đỏ và chú ý trong cách chế biến như giảm ăn đồ nướng. 

Chống béo phì, tập thể dục, không hút thuốc lá và giảm uống rượu. Khi sử dụng những chất có tiềm năng gây ung thư phải ngưng và giảm tối đa. Và cuối cùng là có sự can thiệp của y khoa và những gia đình có hội chứng polyp thì nên đi nội soi.

BS Phạm Mạnh Hoàn - giám đốc y khoa nhãn hàng bảo vệ gan Hewel, Công ty dược phẩm Eco, nguyên trưởng khoa độc học - huyết học Bệnh viện Quân y 175, cho biết ung thư gan là một trong những ung thư đứng hàng đầu ở Việt Nam và phần lớn khi chẩn đoán đã ở giai đoạn muộn nên tỉ lệ tử vong cao.

Ung thư gan ở nam cao gấp 3 lần so với nữ giới. Ngoài ra, người lớn tuổi bị ung thư gan nhiều hơn người trẻ, nhất là những người tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại, nhiễm các nấm mốc, do tồn dư dioxin, sử dụng hormone, do viêm gan...

Một số nguyên nhân đầu tiên qua xơ gan, sau đó dẫn đến ung thư gan.

Bác sĩ Phạm Mạnh Hoàn phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: HỮU THUẬN
Bác sĩ Phạm Mạnh Hoàn phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: HỮU THUẬN

Theo Ths.BS CKII Trần Ngọc Lưu Phương - trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ung thư có tỉ lệ chữa khỏi thấp hơn những bệnh khác nhưng không phải là chết.

Tỉ lệ tử vong vì ung thư ở nước ta cao có thể là do chẩn đoán muộn, vì vậy phải tập trung để làm sao phát hiện bệnh sớm. Có những chương trình tầm soát phát hiện ung thư sớm, khả năng sống rất cao.

Với ung thư cổ tử cung ở phụ nữ tỉ lệ tử vong thấp nhờ tầm soát và điều trị từ giai đoạn sớm. Đối với tiêu hóa, một trong những ung thư tử vong cao là ung thư ruột già. Nhưng ở nước ngoài, những người 50 tuổi không có triệu chứng bệnh gì, họ coi đó là một yếu tố nguy cơ và đi nội soi, kiểm tra.

THÙY DƯƠNG - NGỌC LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên