24/03/2020 08:59 GMT+7

Nguy cơ đội ngũ y tế bị nhiễm chéo COVID-19

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
BS NGUYỄN THÀNH ÚC

TTO - Đường lây nhiễm của COVID-19 là qua các giọt bắn, và qua tiếp xúc với các bề mặt nhiễm virus. Nếu người bệnh lây cho người lành thì gọi là lây nhiễm chéo.

Nguy cơ đội ngũ y tế bị nhiễm chéo COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay Nội Bài - Ảnh: NAM TRẦN

Sự lây nhiễm chéo có thể xảy ra trong bệnh viện, như giữa người bệnh COVID-19 với người bệnh bình thường, giữa người bệnh COVID-19 với thầy thuốc, giữa thầy thuốc mắc COVID-19 với thầy thuốc không có bệnh, giữa thầy thuốc và bệnh nhân... Tóm lại, đó là sự lây truyền vi khuẩn hoặc virus giữa người với người, từ các dụng cụ, thiết bị y tế sang người lành.

Nguy cơ lây nhiễm chéo đáng sợ nhất có thể kể đến khi người bệnh vào bệnh viện mà không được phát hiện, kiểm soát triệt để. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như bệnh viện (khu cách ly) hoặc nhân viên y tế quá tải, thiếu thốn về dụng cụ bảo hộ, trang thiết bị y tế trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. Để phòng lây nhiễm chéo, ngành y tế đã có những quy định rất chặt chẽ về vấn đề này.

Đối với nhân viên y tế, điều kiện bắt buộc phải tiếp xúc khi khám bệnh, chích thuốc, can thiệp phẫu thuật, thủ thuật, chăm sóc vệ sinh cho bệnh nhân thì phải có biện pháp phòng hộ cá nhân nghiêm ngặt. 

Phải rửa tay bằng xà phòng và nước trước, sau khi tiếp xúc với bệnh nhân hoặc môi trường nhiễm bẩn. Nếu tiếp xúc trực tiếp với máu, chất tiết, chất thải, niêm mạc và vùng da không lành lặn của bệnh nhân thì bắt buộc phải mang găng tay, rửa tay ngay lập tức. 

Nếu có nguy cơ chất bẩn bắn dịch vào người nhân viên y tế thì phải mang găng tay, mặc áo choàng, rửa tay. Nếu có nguy cơ bị bắn chất dịch vào người hoặc vào mặt phải mang găng tay, áo choàng, khẩu trang y tế, kính mắt và rửa tay. Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nặng phải dùng khẩu trang y tế hoặc N95.

Ngoài ra còn áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân thông thường khác như không chạm tay vào mắt mũi miệng, bố trí nơi ăn nghỉ riêng cho nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19. Tương lai sử dụng robot trong việc theo dõi và vận chuyển thuốc, thức ăn cho bệnh nhân có thể tự sinh hoạt được sẽ hạn chế lây nhiễm cho nhân viên y tế.

Đối với bệnh nhân nên có phòng riêng (trong điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện có thể đáp ứng), bố trí giường cách giường ít nhất 2m. Hạn chế di chuyển ra khỏi buồng bệnh, đeo khẩu trang y tế thường xuyên. Phân luồng khám bệnh khi bệnh nhân vào viện, cách ly riêng, tránh để bệnh nhân COVID-19 lây cho bệnh nhân không mắc COVID-19.

Một trong hai điều dưỡng ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sau khi điều tra kỹ về yếu tố dịch tễ thì xác định một điều dưỡng bị lây từ nguồn chưa rõ, bị lây theo đường lây thông thường từ cộng đồng, không phải lây chéo trong bệnh viện. Còn trường hợp bác sĩ bị nhiễm bệnh có khả năng nhiều nhất là lây chéo trong bệnh viện.

Để hạn chế lây nhiễm chéo, bệnh viện phải kiểm soát "đầu vào" của người nhập viện. Việc này đang được thực hiện tốt trong mùa dịch COVID-19, như đo thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm nhanh ở sân bay, khai báo thông tin y tế...

Giải pháp cách ly tập trung là rất kịp thời. Điều vô cùng quan trọng là phải cung cấp đầy đủ các dụng cụ bảo hộ, trang thiết bị y tế cho nhân viên y tế.

Ngoài ra, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ người sang người, mỗi người đều phải có ý thức bảo vệ bản thân, cộng đồng. COVID-19 có thể lây truyền qua dịch tiết hầu họng khi tiếp xúc gần người bệnh.

Hiện tại, ai mắc COVID-19 sẽ được cách ly để điều trị, không được ở nơi đang cách ly tập trung. Nếu mắc COVID-19 thì không chỉ cá nhân người bệnh mà cả người tiếp xúc gần (F1, F2, F3) đều phải được cách ly xét nghiệm theo quy định.

Bệnh nhân cần tuân thủ phòng bệnh

Trong một môi trường điều trị các bệnh nhân dương tính, nồng độ virus luôn ở ngưỡng cao, đặc biệt ở những nơi có bệnh nhân nặng. Việc sử dụng các đồ bảo hộ tuân thủ đúng nguyên tắc, chất lượng đồ bảo hộ cần được đảm bảo tiêu chuẩn là vô cùng cần thiết.

Ngoài ra cần có chế độ khử khuẩn trước khi thay, tháo đồ bảo hộ. Các nhân viên y tế cũng cần có kỹ năng sử dụng, hạn chế tiếp xúc với nhau, cách ly theo đúng quy định.

Mặt khác, rất cần sự hợp tác của các bệnh nhân trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ nguyên tắc phòng bệnh, tránh phát tán mầm bệnh trong quá trình điều trị gây ảnh hưởng rất lớn đến nhân viên y tế.

BS Nguyễn Đăng Khiêm

Thăm dò ý kiến

Với những trường hợp cách ly, nhà nước đã cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho sinh hoạt, vậy gia đình có cần/nên tiếp tế, theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Dịch COVID-19: Làm gì để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo? Dịch COVID-19: Làm gì để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo?

TTO - Để hạn chế lây nhiễm chéo phải kiểm soát "đầu vào" của người nhập viện. Việc này đang được thực hiện tốt trong mùa dịch COVID-19 như đo thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm nhanh ở sân bay, khai báo thông tin y tế...

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên