22/03/2020 09:09 GMT+7

Dịch COVID-19: Làm gì để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo?

H.LỘC ghi
H.LỘC ghi

TTO - Để hạn chế lây nhiễm chéo phải kiểm soát "đầu vào" của người nhập viện. Việc này đang được thực hiện tốt trong mùa dịch COVID-19 như đo thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm nhanh ở sân bay, khai báo thông tin y tế...

Dịch COVID-19: Làm gì để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo? - Ảnh 1.

Các cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm (dịch họng và dịch mũi) của người nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay quốc tế Nội Bài - Ảnh: NAM TRẦN

* Tôi có cháu ở Mỹ về Việt Nam ngày 16-3, đã được lấy mẫu xét nghiệm và đang cách ly tại Q.10, TP.HCM. Theo tôi biết, sau khi lấy mẫu, khoảng 48 tiếng sau sẽ có kết quả nhưng vì sao tới giờ cháu tôi vẫn chưa nhận được kết quả âm tính hay dương tính với COVID-19?

(Bạn đọc số ĐT 0283853xxx)

- Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) cho biết: Xét nghiệm những người cách ly là một biện pháp để sàng lọc, giám sát những người có nguy cơ mắc COVID-19.

3-4 ngày sau khi lấy mẫu xét nghiệm, kết quả sẽ được thông báo. Có thể vì lý do nào đó đơn vị xét nghiệm chưa thể thông báo đến từng người đang được cách ly.

Trường hợp nhận thông báo chậm thường có kết quả âm tính. Người nhà nên yên tâm để người thân mình tiếp tục cách ly đủ 14 ngày theo quy định.

Hiện tại, nếu người cách ly dương tính COVID-19 sẽ được chuyển đến nơi điều trị, không còn được ở nơi đang cách ly và không chỉ cá nhân họ, cả người tiếp xúc gần (F1, F2, F3) đều đã được cách ly tập trung.

* Hai nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai nhiễm bệnh, nhiều người lo âu về nguy cơ lây nhiễm chéo. Vậy lây nhiễm chéo là gì, phòng tránh cách nào?

(Lưu Thủy Ngọc, TP.HCM)

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh (trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho biết: Nguy cơ lây nhiễm chéo có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ loại bệnh nào. Đó là sự lây truyền vi khuẩn hoặc virus giữa người với người, từ các dụng cụ, thiết bị y tế sang người hoặc có thể xảy ra bên trong cơ thể.

Nguy cơ lây nhiễm chéo đáng sợ nhất có thể kể đến khi người bệnh vào bệnh viện mà không được phát hiện, kiểm soát triệt để. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như bệnh viện (khu cách ly) hoặc nhân viên y tế quá tải, thiếu thốn về dụng cụ bảo hộ, trang thiết bị y tế trong quá trình chăm sóc người bệnh.

Để hạn chế lây nhiễm chéo phải kiểm soát "đầu vào" của người nhập viện. Việc này đang được thực hiện tốt trong mùa dịch COVID-19 như đo thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm nhanh ở sân bay, khai báo thông tin y tế...

Giải pháp cách ly tập trung là rất kịp thời. Điều vô cùng quan trọng là phải cung cấp đầy đủ các dụng cụ bảo hộ, trang thiết bị y tế cho nhân viên y tế.

Ngoài ra, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ người sang người, mỗi người đều phải có ý thức bảo vệ bản thân, cộng đồng. COVID-19 có thể lây truyền qua dịch tiết hầu họng khi tiếp xúc gần người bệnh.

Hiện tại, nếu ai mắc COVID-19 sẽ được cách ly để điều trị, không được ở nơi đang cách ly tập trung. Nếu mắc COVID-19 thì không chỉ cá nhân người bệnh mà cả người tiếp xúc gần (F1, F2, F3) đều phải được cách ly xét nghiệm theo quy định.

Sẽ không còn lặp lại ca Sẽ không còn lặp lại ca 'siêu lây nhiễm'

TTO - Những người làm công tác phòng chống dịch nhìn nhận người dân Việt Nam hiện phối hợp rất tốt trong phòng chống dịch bệnh. Người dân có yếu tố dịch tễ hoặc nghi ngờ có triệu chứng của bệnh đã chủ động khai báo với các cơ quan chức năng.

H.LỘC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên