Những động thái trên cho thấy cuộc xung đột giữa Hamas - Israel đã bước sang giai đoạn leo thang mới hết sức nguy hiểm.
Đầy mùi thuốc súng
Ngày 27-10, các lực lượng bộ binh, thiết giáp và công binh thuộc sư đoàn 36 cùng máy bay không người lái và trực thăng chiến đấu của quân đội Israel (IDF) đã xâm nhập vào trung tâm Dải Gaza và tấn công hàng chục mục tiêu của phong trào Hamas. Đây là cuộc đột kích Dải Gaza lần thứ hai trong vòng hai ngày của IDF.
Trong những ngày gần đây, các lực lượng Hezbollah ở Libăng ủng hộ Hamas đã bắn hàng loạt tên lửa từ miền Nam Libăng vào miền Bắc Israel. Phiến quân Houthi ở Yemen cũng đã phóng nhiều đợt tên lửa về phía Israel.
Các chiến binh dân quân Shia ủng hộ Hamas từ Dải Gaza cũng bắt đầu pháo kích vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria và Iraq. Tehran tuyên bố không có ý định khơi mào chiến tranh nhưng sẵn sàng đáp trả trong trường hợp Israel gây hấn.
Cùng với việc Israel đổ bộ vào Gaza, đêm 26 rạng 27-10, theo lệnh của Tổng thống Joe Biden, hai máy bay chiến đấu F-16 thuộc các lực lượng vũ trang Mỹ đã tấn công vào hai căn cứ quân sự ở thành phố Abu Kamal giáp biên giới với Iraq. Lầu Năm Góc cho biết hai căn cứ này thuộc IRGC.
Washington nói các cuộc tấn công này được thực hiện là để tự vệ và đáp trả một loạt cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria và Iraq từ 17-10, không liên quan gì đến xung đột giữa Israel và Hamas và không có sự phối hợp nào với Israel.
Tuy nhiên, dù muốn hay không thì việc Mỹ đưa một lực lượng quân sự lớn gồm tàu sân bay Gerald Ford, tiếp tục điều thêm tàu sân bay thứ hai mang tên USS Dwight D. Eisenhower cùng máy bay chiến đấu và 2.000 quân nhằm tăng cường sức mạnh quân sự cho Israel để đáp trả Hamas cũng như răn đe đối thủ khác trong khu vực là một hành động đổ thêm dầu vào lửa, châm ngòi cho cuộc chiến lan rộng ra toàn bộ khu vực.
Căng thẳng Mỹ - Iran
Đề hỗ trợ Israel đánh nhau với Hamas, Mỹ không cần đến tàu sân bay và một lực lượng quân sự lớn đến như vậy. Mục tiêu chính là nhằm vào Iran.
Không phải ngẫu nhiên khi ngày 22-10 Bộ trưởng Kinh tế Israel Nir Barkat tuyên bố các lực lượng nước này sẽ xóa sổ Iran và Libăng nếu Hezbollah mở mặt trận phía bắc trong cuộc xung đột của Hamas với Israel.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói: "Nếu các tội ác chống người Palestine không chấm dứt ngay lập tức, các mặt trận khác sẽ được mở ra và điều đó là không thể tránh khỏi".
Israel không thể tiến hành được một cuộc chiến với Iran nếu không có được sự hỗ trợ của Mỹ.
Trong tình hình như vậy, không thể nói việc các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, Syria bị tấn công và việc Washington không kích hai căn cứ quân sự được cho là của Iran ở Syria không liên quan gì tới cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Gaza.
Ngày càng có nhiều lo ngại rằng cuộc chiến ở Gaza có thể lan rộng ra khắp khu vực và biến các lực lượng Mỹ đóng quân ở nhiều căn cứ khác nhau thành mục tiêu.
Tình hình khu vực Trung Đông đang leo thang hết sức nguy hiểm. Ngày 27-10, quân đội Iran đã bắt đầu cuộc tập trận lớn với sự tham gia của hơn 200 máy bay trực thăng, nhiều đơn vị thiết giáp, bộ binh, đơn vị tấn công cơ động, lực lượng phản ứng nhanh, tên lửa, máy bay không người lái và các đơn vị công binh.
Người phát ngôn quân đội Iran Amir Chishak nói quân đội đã chuyển lực lượng và thiết bị quân sự từ bảy tỉnh của Iran sang tiến hành huấn luyện tại căn cứ Nasirabad ở Isfahan, miền trung đất nước.
Ông Chisak nhấn mạnh cuộc tập trận này là nhằm mục đích "đối đầu với các mối đe dọa tiềm tàng" mà Iran có thể gặp phải.
Các nước Mỹ, châu Âu đang tiến hành chiến dịch sơ tán công dân của mình khỏi Israel, Libăng và một số nước khu vực.
Còi báo động vang lên ở Ashdod, Kissufim, Tel Aviv và các khu vực lân cận trùng với thời điểm một loạt tên lửa mới hướng tới một số thành phố của Israel bao gồm Ashkelon và Tel Aviv.
Khu vực Trung Đông đang đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh lớn. Tình hình này đòi hỏi phải có một cuộc ngừng bắn ngay lập tức và Israel phải rút ngay quân đội khỏi Dải Gaza.
Mỹ tiếp tục cấm vận Hamas
Theo Hãng tin Reuters, Bộ Tài chính Mỹ ngày 27-10 công bố vòng cấm vận thứ hai nhắm vào phong trào Hồi giáo Hamas.
Bộ này cho biết các biện pháp trừng phạt nhằm vào tài sản đầu tư của Hamas và những người hỗ trợ tổ chức này lách qua các lệnh cấm vận trước đây.
Theo lệnh cấm vận, những tài sản của Hamas ở Mỹ cũng bị đóng băng, trong khi người Mỹ bị cấm làm ăn với Hamas.
Không dừng ở đó, bộ này còn cấm vận một cá nhân người Jordan, được cho là đại diện của Hamas tại Tehran. Một nhánh của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran cũng bị trừng phạt do đã huấn luyện và hậu thuẫn nhiều thành viên Hamas.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt trên nhằm "vô hiệu hóa khả năng lợi dụng hệ thống tài chính quốc tế của Hamas".
Tính đến tối 27-10, cuộc xung đột Israel - Hamas đã khiến 7.028 người Palestine ở Dải Gaza và 1.400 người Israel thiệt mạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận