Hãng thông tấn Tass (Nga) ngày 2-1 cho biết trong năm 2024, nguồn cung khí đốt qua đường ống Nga sang châu Âu đạt 32,1 tỉ m3, tăng 14% so với mức 28,15 tỉ m3 của năm 2023, theo số liệu từ Tập đoàn khí đốt Gazprom và Mạng lưới các nhà vận hành hệ thống truyền tải khí đốt châu Âu (ENTSOG).
Cụ thể, nguồn cung khí đốt cho các nước Tây và Trung Âu thông qua Ukraine đạt 15,4 tỉ m3 trong năm 2023, tăng 6% so với năm 2023.
Cũng trong năm 2024, nguồn cung cấp khí đốt cho các nước Nam Âu và Đông Nam Âu thông qua đường ống TurkStream tăng 23%, đạt 16,7 tỉ m3. Riêng trong tháng 12-2024, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu qua tuyến này đã tăng 3% so với tháng 11.
Ngoài ra, theo dữ liệu từ Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga cho nước này có thể đạt khoảng 20 tỉ m3 trong năm 2024.
Như vậy, tổng nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga sang châu Âu (bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ) trong năm 2024 có thể đạt khoảng 52 tỉ m3.
Thỏa thuận về quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine, quy định việc vận chuyển khoảng 40 tỉ m3 khí đốt/năm, đã hết hạn vào ngày 1-1-2025.
Tuy nhiên, việc Kiev từ chối gia hạn thỏa thuận đã buộc Gazprom phải dừng quá cảnh khí đốt vào ngày đầu tiên của năm mới, tập đoàn này thông báo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã nói chắc chắn không có hợp đồng mới nào về trung chuyển khí đốt của Nga, vì không thể đạt được thỏa thuận chỉ vài ngày trước năm mới 2025.
Ukraine hiện phải đối mặt với việc bị mất khoản phí trung chuyển thu được khoảng 800 triệu USD/năm, trong khi Tập đoàn Gazprom sẽ mất gần 5 tỉ USD doanh thu từ khí đốt. Ukraine sẵn sàng nối lại hoạt động vận chuyển khí đốt theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu, miễn là khí đốt không bị coi là "của Nga".
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cũng chỉ ra khả năng ký hợp đồng với bên thứ ba, bao gồm các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Slovakia và Azerbaijan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận