24/07/2021 09:31 GMT+7

Người 'tuyến đầu' thêm việc

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Xem ra các biện pháp giãn cách mà cả xã hội phải hy sinh để thực hiện đã không được tuân thủ nghiêm ngặt. Chỉ có một yêu cầu, ở nhà để ngành y chống dịch cũng khó thật.

Sau 15 ngày giãn cách theo chỉ thị 16, TP.HCM đã kéo dài đến 1-8 với các biện pháp mạnh hơn. Vì sức khỏe cộng đồng, người Hà Nội cũng hy sinh các nhu cầu hàng ngày, cả mưu sinh để chống dịch, trong đó có tạm ngưng tập thể dục ngoài trời. Tuy vậy, vẫn có người "giữ sức khỏe cho mình", ra đường tập thể dục và hệ quả là thêm việc cho người tuyến đầu.

Qua truy vết, ngày 22-7, Hà Nội đã ghi nhận 1 trong 2 bệnh nhân là mẹ con mới phát hiện ở khu vực phố Thuỵ Khuê có đạp xe thể dục quanh Hồ Tây và đang phải tìm kiếm những người có mặt ở các tuyến phố này từ 15 - 22/7. Như vậy, những người tuyến đầu lại có thêm việc "phải làm".

Xem ra các biện pháp giãn cách mà cả xã hội phải hy sinh để thực hiện đã không được tuân thủ nghiêm ngặt. Chỉ có một yêu cầu, ở nhà để ngành y chống dịch cũng khó thật. 

Vì sao phải ở nhà? Biến thể Delta quá nguy hiểm. Cuộc sống người dân 19 tỉnh thành phía Nam bị đảo lộn vì Delta. 

Vì thế phải giãn cách. Giãn cách để ngăn Delta lây lan. Nhưng không ít người vẫn theo thói quen cũ, cần gì lại chạy ra đường, tạo cơ hội cho virus phát tán.

Cần nhắc lại rằng, để có được những ngày giãn cách, hàng triệu người mất việc làm, hàng trăm ngàn hàng quán phải đóng cửa. Ngay doanh nghiệp nếu không đáp ứng "3 tại chỗ" cũng phải dừng hoạt động. Cái giá phải trả quá lớn. Nếu tính doanh số thể là nhiều tỉ đô la. 

Xem như chúng ta đã phải chi tỉ đô chỉ làm một việc, mọi người ở nhà để ngăn virus phát tán. Vậy tại sao chúng ta không biết trân trọng từng giây, phút giãn cách? Vì sao vẫn có người vì mình mà quên lợi ích cộng đồng? 

Chính quyền không thể nào đủ sức lập chốt tra soát xem cá nhân ra đường có đúng là vì nhu cầu thiết yếu. Chỉ có sự tự giác tuân thủ, ý thức vì cộng đồng mới có thể điều chỉnh hành vi, mới có suy nghĩ "khắp nơi đang chống dịch, ở nhà để giữ cho mình, cho mọi người, cho tuyến đầu của chúng ta thôi vất vả".

Còn thoải mái ra đường, không tuân thủ giãn cách, ngày đoàn tụ của các y bác sĩ với người thân còn va vời. Ngày hàng quán mở lại, các bạn sinh viên có việc làm thêm, người nghèo bán vé số kiếm sống còn xa lắm. 

Chúng ta dừng sản xuất, đâu chỉ công nhân mất thu nhập, doanh nghiệp mất hợp đồng. Khách mua hàng của Việt Nam ở các nước không thể chờ mãi, họ sẽ tìm nước khác để nối lại chuỗi cũng ứng cho thị trường thế giới. Đấy là viễn cảnh không tươi sáng nếu chúng ta không hy sinh, thiếu đồng lòng để chống dịch.

Chống dịch kéo dài, còn ảnh hưởng đến các trẻ nhỏ. Chỉ hơn một tháng nữa năm học mới bắt đầu, lẽ nào chúng ta lại để các cháu có thêm một năm học online, một mùa hè hoàn toàn ở trong nhà?

Chúng ta không chấp nhận tình trạng vi phạm giãn cách để rồi lại chất thêm những núi công việc lên các nhân viên y tế khi hiện nay họ phải căng sức lo trên các mặt trận: truy vết, chặn dịch, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng... . 

Cả xã hội kêu gọi chia sẻ với người tuyến đầu, vì vậy cần có thái độ với những người vô tư vi phạm giãn cách.

Chúng ta phải hành động. Với TP.HCM, 10 ngày tới là dịp để mọi người thể hiện tinh thần tuân thủ giãn cách, trước là vì những người tuyến đầu, sau là vì tất cả chúng ta.

NÓNG: TP.HCM tiếp tục áp dụng chỉ thị 16 với biện pháp mạnh hơn đến ngày 1-8 NÓNG: TP.HCM tiếp tục áp dụng chỉ thị 16 với biện pháp mạnh hơn đến ngày 1-8

TTO - Theo ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị số 16 đến ngày 1-8 với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên